Những bản làng "mù chữ"
Người Bru (có tên gọi khác là người Khùa, Trì hay Mang Cong) vốn là cư dân nông nghiệp có trình độ tương đối phát triển, xưa kia họ tập trung sinh sống tại vùng trung Lào, sau những biến động của lịch sử diễn ra hàng thế kỷ, họ phải di cư đi các nơi. Một số đi theo hướng tây bắc sang Thái Lan, một số đi theo hướng đông, tụ cư tại vùng miền núi phía tây Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế... Khi vào Việt Nam họ dựng làng xung quanh hòn núi Vân Kiều (núi Viên Kiều). Về sau người Việt lấy tên của hòn núi đặt cho một tổng của người Bru, và từ đó họ còn được gọi là Bru - Vân Kiều.
Hai huyện Hướng Hóa và ĐakRông của tỉnh Quảng Trị là vùng đất tập trung số lượng người Bru - Vân Kiều lớn nhất cả nước, với số nhân khẩu trên 60.000 người. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là từ bao đời nay, đồng bào Bru - Vân Kiều chỉ có tiếng nói riêng mà không có chữ viết. Trên chính mảnh đất mà ông cha đã cất đất, lập làng, mảnh đất gọi là quê hương, là máu thịt nhưng đến 90% đồng bào Bru - Vân Kiều đang thuộc diện "mù chữ” của dân tộc mình. Mặt khác, tiếng nói ở đây lại rất khó nghe, đặc biệt là tên gọi của các họ, tộc, làng, bản cũng như tên riêng của mỗi người. Vì vậy, những cán bộ ở dưới xuôi lên đây công tác thường không thể dịch, viết sang tiếng Việt được, hoặc viết được thì sai lỗi chính tả.
Thầy giáo Hồ Xuân Long giới thiệu về chữ Bru - Vân Kiều.
Để tìm hiểu về thực trạng này, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với thầy giáo Hồ Xuân Long, một người con của đại ngàn Trường Sơn, của dân tộc tự hào được mang họ Bác Hồ và là một trong số người hiếm hoi am tường về chữ viết Bru - Vân Kiều. Giải thích về việc người bản địa mù chữ của chính dân tộc mình, thầy giáo Long trầm ngâm: "Tiếng Bru - Vân Kiều vô cùng khó học, khó hơn nhiều so với tiếng Kinh. Nó lại còn sinh sau đẻ muộn, tức là vào giữa những năm của thế kỷ XX, vì vậy, lực lượng giáo viên không đủ để dạy cho con em đồng bào mình, hơn nữa nếu có muốn dạy thì cũng không có đủ kinh phí". Với tâm huyết của một người làm nghề "trồng chữ, trồng người”, thầy giáo về hưu vẫn tiếp tục ấp ủ nguyện vọng làm sao cho người Bru - Vân Kiều phải biết được chữ của dân tộc mình.
Thầy giáo Hồ Xuân Long kể lại hành trình học chữ và truyền chữ của mình: "Chữ Bru - Vân Kiều ra đời khi đất nước chia thành hai miền. Cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời nên các hoạt động chính trị của ta bắt đầu được thông báo, tuyên truyền cho đồng bào bằng tiếng Vân Kiều (đảm bảo sự bí mật). Chính lúc này, sáng kiến dạy tiếng Vân Kiều cũng được đưa ra. Tuy nhiên ban đầu hình thức dạy không rộng rãi, và chỉ được ghi theo năng lực vốn có của họ mà chưa có một sự đầu tư, lẫn tài liệu nghiên cứu nào. Nhưng không lâu sau đó, một cặp vợ chồng người Mỹ đã tìm và xây dựng nên cuốn ngôn ngữ Bru. Thế nên, ngay từ buổi đầu khó khăn của ngôn ngữ dân tộc mình, tôi là một trong những người may mắn được học và nắm tương đối về nó".
Đến năm 1982, Ủy ban dân tộc tỉnh Bình - Trị - Thiên (cũ) đề nghị Viện ngôn ngữ học xây dựng, phục chế chữ viết Bru - Vân Kiều. Thời gian này, thầy Hồ Xuân Long đã tham gia làm cộng tác viên trong công tác phục chế ngôn ngữ Bru - Vân Kiều nên ông càng nắm kỹ, nắm rõ hơn về ngôn ngữ này.
Năm 2006, sở Nội vụ và ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị đã triển khai giảng dạy tiếng Bru nhằm giúp cán bộ, công chức, trong đó có không ít người đã có học vị tiến sĩ từ xuôi lên các bản làng dễ dàng tiếp xúc với đồng bào nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và truyền đạt khoa học kỹ thuật cho đồng bào. Nhiệm vụ rất nặng nề, nhân lực thì hạn chế do số người am hiểu tiếng Bru hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhưng bằng tất cả những nỗ lực cùng tâm huyết của mình, thầy Hồ Xuân Long cùng các đồng chí Hồ Gô, Hồ Chư... đã biên soạn thành công cuốn sách "Tài liệu tiếng Bru - Vân Kiều" - giáo trình chuẩn cho chương trình đào tạo ngôn ngữ Bru - Vân Kiều cho cán bộ.
Người Vân Kiều phải biết chữ Vân Kiều
Chân dung người lính dạy chữ Thầy giáo Hồ Xuân Long (SN 1945, tại xã Hướng Tân, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Từ năm 1966-1978, thầy tham gia giảng dạy tại vùng giới tuyến dọc bờ sông Bến Hải, trường Dân tộc nội trú huyện Vĩnh Linh. Từ năm 1978-2006, ông chuyển công tác về trường THCS Hướng Hiệp rồi trường Dân tộc nội trú huyện Hướng Hoá. Từ tháng 1/2006, thầy nghỉ hưu, chuyển sang công tác nghiên cứu và giảng dạy tiếng Bru - Vân Kiều cho cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ông vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục... |
Đã gần mười năm, kể từ ngày đầu tiên ông giáo về hưu đứng lớp, bằng kinh nghiệm và vốn hiểu biết của mình thầy Long để truyền cho hàng ngàn "học trò", với ngành nghề và vị trí xã hội khác nhau những con chữ tưởng chừng như rất khó học, khó viết nhất. Suốt bao năm "trèo đèo, lội suối" đi truyền con chữ, chưa một ngày thầy bỏ lớp, bỏ trò, dạy ngày không được thầy dạy đêm, thậm chí là thứ bảy, chủ nhật. Bởi "học sinh" của thầy đều là những người đã có gia đình, có địa vị xã hội và đều rất bận rộn đặc biệt là trong những ngày gần lễ, tết hay cuối năm.
Khi được hỏi, có bao giờ thầy cảm thầy chán nản, và muốn bỏ cuộc không? Thầy cười và chia sẻ: "Nếu có ước muốn làm kinh tế thì tôi đã không chọn nghề giáo. Nhiều khi tôi cảm thấy như mình đang "đơn phương độc mã" trên hành trình tìm lại ngôn ngữ cho quê hương, tuy nhiên được sự ủng hộ của gia đình, của đồng nghiệp tôi không hề thấy chán, bởi cái gì cũng có khởi đầu. Một điều an ủi tôi nhất lúc gần đất xa trời này là tinh thần học tập của anh em cán bộ tỉnh rất hăng hái, trong đó có người là thạc sĩ, tiến sĩ nhưng gặp tôi vẫn chào hỏi tử tế, tay bắt mặt mừng, đó là niềm tự hào của một thầy giáo chưa hề có một tấm bằng cao học nào như tôi".
"Hiện nay, truyền thống văn hóa của người Bru - Vân Kiều đang bị mai một một cách tự nhiên, chỉ có chữ viết, văn bản thì mới có thể bảo tồn và lưu giữ được", thầy Long khẳng định. Đến tận bây giờ, người Vân Kiều vẫn còn giao tiếp với nhau bằng thứ "ngôn ngữ thứ 3", không phải tiếng Bru, càng không phải tiếng Kinh. Sự pha tạp này được thầy Long ví như sự lai căng trong ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh nên vô cùng nguy hiểm. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này thì chỉ trong chục năm nữa, ngôn ngữ Bru của người Vân Kiều sẽ hoàn toàn biến mất.
Lật giở từng trang giáo trình, thầy Long cho biết: "Toàn tỉnh Quảng Trị chỉ có khoảng 10 đến 15% người có khả năng đọc, viết thành thạo tiếng Bru - Vân Kiều nhưng từ lúc tôi mở mắt đến bây giờ thấy rơi rụng đi gần 2/3 rồi, số còn lại hầu hết đều đã già như tôi. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã xây dựng thêm một chương trình đào tạo cán bộ là giảng viên tại chỗ, người dân tộc, bởi họ đã có vốn ngôn ngữ nhất định, thời gian học sẽ nhanh hơn, với mục đích là tạo ra một lực lượng để giảng dạy trực tiếp cho con em đồng bào mình. Tôi cũng tham gia trong chương trình đào tạo này, và sẽ tham gia đến khi nào không cố gắng được nữa".
Làm sao cho tiếng Vân Kiều sớm được triển khai cho con em dân tộc được biết, được viết; mà đầu tiên là viết được cái tên, cái họ của chính mình, cao hơn nữa là phát huy những truyền thống tốt đẹp, theo chủ trương của Đảng là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là điều tâm niệm của thầy Hồ Xuân Long trong suốt cuộc đời "trồng người" của mình. Sắp đến cái tuổi mà nhiều người vẫn gọi là "thất thập cổ lai hi" nhưng hằng ngày, thầy vẫn đều đặn bám lớp để truyền con chữ, truyền cả tấm lòng của một người thầy, một người "giữ hồn ngôn ngữ dân tộc" cho bao thế hệ học trò.
Phương Hưng