Nức tiếng ăn chơi
Trần Dụ Tông (1336 - 1369), tên thật là Trần Hạo; là vị vua thứ bảy của nhà Trần (sau anh là Trần Hiến Tông và trước Hôn Đức Công) trong lịch sử Việt Nam. Ông sinh tại kinh đô Thăng Long, cai trị từ năm 1341 đến 1369. Trần Hạo là con trai thứ 10 của Trần Minh Tông và là em của Trần Hiến Tông. Mẹ ông là Hiến Từ Hoàng hậu.
Năm 1341, vua anh Trần Hiến Tông qua đời khi mới 22 tuổi nhưng không có con nối dõi. Thượng hoàng Trần Minh Tông lập Trần Hạo lên nối ngôi, tức là Trần Dụ Tông. Khi đó ông mới lên 5 tuổi. Những năm đầu quyền binh đều do Thượng hoàng Minh Tông điều khiển. Bởi thế, dù có mất mùa dân đói nhưng việc chính trị vẫn được đánh giá là có nền nếp.
Phía tây, Ai Lao sau nhiều lần thua trận không sang cướp phá nữa. Phía bắc, nhà Nguyên đã suy yếu. Do có thượng hoàng thu xếp mọi việc trong triều, tới khi đã lớn Trần Dụ Tông vẫn chỉ hưởng lạc không chú ý tới việc cai trị. Một số cuộc khởi nghĩa của nông dân bùng phát như Ngô Bệ năm 1344, Tề năm 1354. Ngoài ra còn có những cuộc nổi dậy khác của người Lạng Sơn và Thái Nguyên năm 1351. Trừ cuộc nổi dậy của Ngô Bệ tới năm 1360 mới bị dẹp, các cuộc nổi dậy khác đều nhanh chóng bị trấn áp.
Năm 1357, Thượng hoàng Minh Tông mất. Khi đó Dụ Tông đã 22 tuổi, tự mình nắm quyền chính. Các cựu thần như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Mặc Đĩnh Chi đã qua đời, triều đình bắt đầu rối loạn. Các gian thần kéo bè kết đảng lũng đoạn triều chính. Danh nho Chu Văn An dâng Thất trảm sớ xin chém 7 gian thần nhưng ông không nghe, liền bỏ quan về dạy học.
Các vị quan khác như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát tuy có năng lực nhưng không can gián được vua bớt hưởng lạc. Vua Dụ Tông ham chơi bời, mê đàn hát, thường sai các vương hầu và công chúa bày tiệc đóng trò hát tuồng cho vui, ai diễn hay thì được thưởng. Mặc dù phép tắc nhà Trần rất nghiêm khắc với tội đánh bạc nhưng Trần Dụ Tông lại thích trò này, triệu tập các nhà giàu vào cung đánh bạc cùng vua.
Trần Dụ Tông nghiện rượu, thích rủ các quan cùng uống thi. Ai uống thắng được ông thăng chức. Chính chưởng phụng ngự cung Vĩnh An là Bùi Khoan dùng mẹo uống dối được trăm thăng, Dụ Tông tin là thật, thưởng tước hai tư để dự thăng trật. ông sai phu xây cất nhiều cung điện, đào hồ ở vườn trong hậu cung, trong hồ xây đá làm núi, trồng nhiều cây cỏ lạ và nuôi chim thú quý; sau đó ông lại sai làm hồ con, lệnh cho dân ra biển chở nước mặn đổ vào hồ và thả cá biển, đồi mồi vào nuôi.
Vua thích chơi bời, các quý tộc cũng hưởng ứng theo vua khiến triều đình rối nát. Bên ngoài xảy ra mất mùa trong nhiều năm. Trần Dụ Tông chỉ có các biện pháp khắc phục tạm thời như sai các nhà hào phú bỏ thóc lúa chu cấp cho người nghèo để chống đói và thưởng chức tước cho họ để trả công; ông không chú trọng việc đắp đê và làm thủy lợi để phát triển nông nghiệp lâu dài. Bị sưu cao thuế nặng, dân trong nước oán thán, nổi lên làm loạn. Mặc dù các cuộc nổi dậy bị dẹp nhưng nhân tài vật lực trong nước bị hao tổn, kho tàng trống rỗng. Triều Trần ngày càng suy.
Bất lực vì tai nạn thuở nhỏ?
Tuy là ăn chơi vô độ, nhưng Vua Trần Dụ Tông lại mắc chứng bệnh khó nói, nên rất buồn mỗi khi đụng chạm đến thú vui này. Sử gia Phan Phu Tiên đã phê phán thú vui này của Vua Trần Dụ Tông trong sách Đại Việt sử ký toàn thư: "Dụ Tông công nhiên làm bậy, gọi những nhà giàu vào cung đánh bạc, rồi sau người trong nước bắt chước cái dở ấy, không thể ngăn cấm được nữa. Cuối cùng vì tệ đánh bạc mà mất nước. Trong khi đó, Việt sử tiêu án ghi: "Làm vua một nước mà mở sòng đánh bạc để lấy hồ thật đáng bỉ".
Không những thế, Vua Trần Dụ Tông còn ăn chơi tới độ bị các sử gia đương thời nhận xét là "Vua phương Bắc ăn chơi cũng không bằng". Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Tháng 10 năm Quý Mão (1363), Trần Dụ Tông sai đào hồ ở vườn ngự trong hậu cung. Trong hồ xếp đá làm núi, bốn mặt đều khai ngòi cho chảy thông nhau. Trên bờ hồ trồng tùng, trúc, thông, tre và các thứ hoa thơm cỏ lạ. Lại nuôi chim quý, thú lạ trong đó. Phía tây hồ trồng hai cây quế, dựng điện Song Quế, lại gọi tên điện là điện Lạc Thanh, tên hồ là hồ Lạc Thanh. Lại đào riêng một hồ nhỏ khác, sai người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào đó, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá nuôi ở trong hồ. Lại sai người Hóa Châu chở cá sấu đến thả vào. Lại có hồ Thanh Ngư để thả cá thanh phụ (cá diếc). Đặt chức khách đô để trông coi.
Còn sách Việt sử tiêu án bình rằng: "Chứa nước mặn, nuôi cá sấu lại là kỳ tưởng; vua Tùy Dưỡng Đế, Tống Huy Tông cũng có núi, có biển nhưng không được cái chân thú này như vua ta... Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: "Vào đêm trung thu năm Khai Hựu thứ 11, vua Trần Minh Tông đi thuyền chơi trên Hồ Tây, hoàng tử Hạo mới lên bốn tuổi cũng được đi theo. Hoàng tử vô ý rơi xuống nước. Mọi người hoảng hốt nhảy xuống mò tìm, mãi hồi lâu mới mò được xác hoàng tử kẹt ở lỗ cống đơm cá. Khi vớt lên thì Hoàng Tử đã chết. Thượng Hoàng sai thầy thuốc Trâu Canh cứu chữa. Trâu Canh tâu rằng: Có thể cứu được nhưng phải dùng kim châm vào các huyệt, Hoàng tử có thể sống nhưng chỉ sợ sau này sẽ bị liệt dương...".
Thời gian trôi qua, không ai còn nhớ câu nói cuối cùng của Trâu Canh khi cứu hoàng tử Hạo. Đến năm lên 14 tuổi, Thượng Hoàng cưới vợ cho Dụ Tông. Hoàng hậu là công chúa Y Từ, con gái thứ tư của Bình Chương Huệ Túc Vương. Lúc đó, lời nói năm xưa của thần y Trâu Canh trở nên ứng nghiệm. Vua Dụ Tông nhận ra mình không có khả năng làm chồng...
Toa thuốc "quái"... khỏi bệnh
Để trị bệnh cho vua, bấy giờ Trâu Canh dâng phương thuốc, nói rằng: "... phải giết một bé trai, lấy mật hòa với dương khởi thạch mà uống. Ngoài ra, phải thông dâm với chị hay em ruột mình thì mới hiệu nghiệm..." (Đại Việt Sử ký toàn thư viết). Toa thuốc nghe cực kỳ quái đản, phản đạo đức và bất nhân làm cả triều đình bối rối. Lịch sử không nói lời chi tiết chỉ ghi rằng: "Vua làm theo, thông dâm với chị ruột của mình là Thiên Ninh Công Chúa và quả nhiên có công hiệu".
Thế nhưng, theo Công Dư Tiệp Ký Tiền Biên của Vũ Phương Đề: Trâu Canh thuở hàn vi một lần đi bắt cá dưới ao do dây buộc giỏ cá bị đứt nên đã bứt đại sợi dây leo để buộc giỏ ngang lưng, không ngờ thấy dương vật tự nhiên trỗi dậy khiến ông không dám lên bờ. Khi cởi sợi dây ra thì hiện tượng này biến mất... Sau khi ông về nhà, mẹ ông hỏi vì cớ gì mà phải ở lại dưới ao. Ông cứ thực thưa với mẹ. Mẹ ông bèn lấy dây mây phơi khô để lên gác bếp rồi thỉnh thoảng sai ông lấy dây ấy đeo thử vào người thì thấy dương vật cương cứng. Lần nào cũng hiệu nghiệm như thế.
Lại nói, bấy giờ vua Trần Dụ Tông bị bệnh liệt dương, các thầy thuốc chữa mãi không khỏi. Vua cho sứ giả đi rao khắp trong nước, hứa người nào chữa khỏi thì vua sẽ cho ăn một nửa dân lộc thiên hạ. Sứ giả đến làng Trâu Canh. Mẹ ông gọi sứ giả vào hỏi: Liệt dương là bệnh gì? Sứ giả cứ thực nói cho bà biết. Bà nói: Nhà tôi có một vật có thể chữa khỏi được cho vua. Rồi hai mẹ con đem dây mây theo sứ giả vào Kinh dâng vua. Vua đeo sợi dây mây, quả nhiên dương vật hoạt động trở lại.
Các nhà khoa học thời nay cho rằng, việc dùng cây dây leo kia cũng có một phần cơ sở khoa học, giống như một cách chữa rối loạn cương mà thời hiện đại sử dụng: kích thích làm cương dương vật, sau đó thắt ở gốc dương vật để máu từ đấy không rút đi(?) Hình ảnh sợi dây buộc ngang lưng trong câu chuyện có thể là cách nói bóng gió rằng, Trâu Canh đã giúp Trần Dụ Tông giao hợp được bằng cách hướng dẫn buộc như vậy...
Theo nhiều nhà nhiên cứu hiện đại, chính Trâu Canh là người gây ra căn bệnh bất lực của Dụ Tông vì lời tiên đoán đã ám ảnh vua từ bé đến trưởng thành, khiến "không bệnh thành bệnh"...
Thành Văn