Cú ngã nguy cơ liệt tứ chi
PV Người Đưa Tin tìm đến bệnh viện 175 (TP.HCM) để tìm hiểu thông tin về vụ việc. Lúc này, người nhà anh Nguyễn Văn Trạch (34 tuổi, tạm trú tại tỉnh Bình Phước) đang chuẩn bị đồ đạc xuất viện cho anh, sau những ngày nằm điều trị tại bệnh viện để thay cột sống cổ C5 bằng titan và phẫu thuật đặt xương cổ C1. Trên từng khuôn mặt người thân gia đình anh Trạch đều rạng rỡ niềm vui, vì anh Trạch vừa thoát khỏi tai nạn có nguy cơ bại tứ chi, nay có thể đi lại được bình thường. Anh Trạch vui mừng nói về sức khỏe của mình sau cú ngã: "Tôi đã thay đổi số mạng nhờ bàn tay và y đức của các bác sỹ tại bệnh viện".
Theo ghi nhận của PV, cổ anh Trạch vẫn còn phải đeo khung Halo-vest (khung cố định cổ - PV) cố định thêm một tháng nữa để giữ phần đầu, do anh vừa được thay lắp một cột sống xương cổ C5 bằng titan cho vững cũng như cố định cột sống xương C1. Anh Trạch cho hay: "Tuy cái khung nẹp này hơi khó chịu chút nhưng tôi rất mừng vì nó giúp tôi vẫn đi lại, cử động, nhìn ngó được mọi người mà không lo sẽ bị lúc lắc cái đầu khi bể xương như ban đầu. Nghĩ đến lúc nhập viện, phải nằm bất động trên cán để di chuyển, tôi không tin nổi mình sẽ may mắn như vậy".
Anh M.V.C. (em họ anh Trạch) cho biết: "Anh Trạch bị ngã lao đầu xuống bể bơi khi đang làm việc tại công viên Mỹ Lệ. Lúc đó, những người đồng nghiệp báo tin cho người nhà, chúng tôi nhanh chóng có mặt tại bệnh viện tỉnh Bình Phước. Nhưng các bác sỹ bệnh viện Bình Phước xét thấy chấn thương cổ có thể gây hậu quả nguy hiểm không lường trước, nên động viên gia đình nhanh chóng chuyển gấp anh Trạch lên bệnh viện 175 để phẫu thuật lắp lại xương cột sống cổ".
Được biết thêm, hai vợ chồng anh Trạch quê ở Thanh Hóa, do kinh tế khó khăn nên bỏ quê vào tỉnh Bình Phước đều làm công nhân. Lúc anh Trạch bị tai nạn cũng là lúc rất khó khăn về kinh tế của gia đình vì chưa lấy được lương. Chị M. cũng phải nghỉ việc làm công nhân để lên thành phố chăm sóc chồng nên càng khó khăn về tiền bạc. Hơn nữa, hàng tháng hai vợ chồng vẫn phải chắt chiu, góp nhặt ít tiền gửi về quê cho ông bà nội nuôi con ăn học.
Chị T.T.M. (vợ anh Trạch) tâm sự: "Gia đình ở quê và tôi rất lo lắng khi nghe kết luận của bệnh viện là chồng tôi bị vỡ trật cột sống C1 và C5, ngoài ra còn bị thêm chèn ép tủy, phù nề tủy cấp. Nếu không kịp thời mổ cứu chữa sẽ dẫn đến bại tứ chi trở thành người thực vật. Nghe tin chồng phải mổ phẫu thuật thay xương bằng titan, khiến tôi rất buồn, lo sợ khi nghĩ đến việc không có tiền cứu chữa cho chồng. Cũng nhờ các y bác sỹ ở đây đã tận tình giúp đỡ, nên chồng tôi mới có thể đi lại được".
Ca phẫu thuật phức tạp
Trao đổi với PV, bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Sơn (Phó chủ nhiệm khoa B15), cho biết: "Ngay sau khi bệnh nhân Trạch nhập viện vào khoa chúng tôi, các bác sỹ tiến hành ngay việc khám nghiệm, kiểm tra vết thương cổ và thấy nguy hại đến tính mạng nếu không tiến hành phẫu thuật ngay. Hậu quả chính sẽ dễ dàng nhận rõ đó là nguy cơ bại liệt tứ chi, không cử động, đi lại được; và nặng hơn là liên quan đến não và trở thành người thực vật. Xét hoàn cảnh bệnh nhân nghèo khó, hai vợ chồng đều làm công nhân mà vết thương lại rất nặng nên tôi đã đề nghị lên cấp trên hỗ trợ".
Bác sỹ Sơn cho biết thêm: "Ngay sau khi bác sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bệnh viện xem xét hoàn cảnh anh Trạch liền quyết định cho tôi bảo lãnh phẫu thuật lắp xương cổ trước rồi thu viện phí sau. Khi tiến hành ca mổ, tôi cùng ba bác sỹ chuyên khoa nữa phụ trách phẫu thuật cho anh Trạch. Tính đến nay, bệnh nhân phải trải qua hai lần phẫu thuật phức tạp, cam go. Nhất là lần phẫu thuật đầu tiên, tôi phải mổ thay toàn bộ thân cột sống C5 bằng titan cộng với nẹp vít cột sống cổ phía trước. Lần thứ hai, chúng tôi phải đặt khung Halo-vest cố định cột sống cổ C1".
Giải thích về tình trạng bệnh của anh Trạch, bác sỹ Sơn cho hay: "Thông thường, khoa chúng tôi cũng tiếp nhận những bệnh nhân bị chấn thương các cột sống cổ, nhưng đa phần do té ngã, tai nạn họ cũng chỉ bị chấn thương 1 trong 7 cột sống cổ thôi. Đối với các cột sống có tên C1 đến C7, khi bị thương mà dẫn đến dập tủy bên trong hay bị tử hoại thì bệnh nhân phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Nếu bị hoại cột sống C1 thì sau một ngày, bệnh nhân sẽ tử vong…".
Trong khi đó, anh Trạch là trường hợp đặc biệt và hiếm có mà tôi gặp. Bởi lẽ, bệnh nhân này lại bị vỡ dập cột sống C1 và C5. Riêng cột sống C5 không chỉ bị dập vỡ mà còn hư hỏng, cần thay gấp toàn bộ khung cột sống bằng titan mới bảo đảm được tính mạng và giúp xương cổ giữ được đầu cho nạn nhân. Không những thế, chỉ cần chậm trễ vài tiếng đồng hồ cũng có thể làm cho chấn thương ảnh hưởng nặng tới tứ chi, vì các cột sống này và tủy là nơi vận hành thần kinh não đến toàn cơ thể.
Trong quá trình phẫu thuật lần thứ nhất, các bác sỹ phải tiến hành trong vòng bốn tiếng đồng hồ ròng rã. Quả là ca phẫu thuật rất phức tạp, nếu không cẩn thận sẽ làm cho bệnh nhân có di chứng về não, thần kinh và tứ chi. Bác sỹ Sơn cho biết: "Cho đến bây giờ, tôi và các bác sỹ trong khoa rất mừng khi nói về sự thành công ca phẫu thuật thay cột sống C5 cho anh Trạch bằng titan. Có thể nói, y học đang ngày một thành công hơn với các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu tai nạn bệnh phức hợp. Nếu đặt trường hợp trình độ khoa học trong bảy năm về trước thì có lẽ anh Trạch rất khó qua khỏi…".
Ca phẫu thuật có tính bước ngoặt của bệnh viện Bác sỹ Nguyễn Sơn chia sẻ: "Tôi có thể nói rằng, ca phẫu thuật lắp xương titan cho anh Trạch thành công có tính chất bước ngoặt về y học của Việt Nam; đồng thời đánh giá được chuyên môn nghề nghiệp cho chính bản thân tôi và các bác sỹ chuyên khoa B15. Ngoài các yếu tố liên quan giúp bệnh nhân mau bình phục và khoẻ khoắn, tấm lòng, tình cảm của giám đốc bệnh viện - bác sỹ Nguyễn Hồng Sơn và toàn thể các bác sỹ trong bệnh viện cũng là những nhân tố tích cực cứu sống nạn nhân". |
Thu Trần