Duyên với nhạc Trịnh
Đối lập với sự ồn ào và náo nhiệt của những hàng quán nằm trên phố Tô Hiệu, quán café Du ca của ông chủ Trịnh Sơn Truyền như một điểm lặng cho sự yên tĩnh và thanh bình nơi thủ đô. Ấn tượng đầu tiên khi khách hàng ghé vào quán nhạc Trịnh này có lẽ là không gian thanh lịch nhưng có nét hoài cổ của Hà Nội những ngày xưa cũ và sự hồ hởi, nhiệt tình của ông chủ quán đã ngoại tứ tuần. Ngồi trong một góc nhỏ của quán café Du ca, câu chuyện giữa chúng tôi và anh Truyền thỉnh thoảng lại bị ngắt nhịp bởi khách đến quán vào buổi sáng khá đông, khiến ông chủ phải luôn chân luôn tay nhưng vẫn không quên giữ nụ cười thường trực trên môi.
Mở đầu câu chuyện, Truyền nói rằng anh chỉ là người hát nhạc Trịnh lãng du. Anh yêu và phiêu lưu với nhạc Trịnh như kẻ du ca lang thang giữa cuộc đời. Lần đầu tiên anh nghe nhạc Trịnh vào năm 1979, khi mới 12 tuổi và lúc đó cứ ngỡ bài hát Hạ trắng của Trịnh Công Sơn mang tên Gọi nắng. Có lẽ ngay từ những ngày còn thơ ấu, tình yêu với nhạc Trịnh đã ngấm vào tâm hồn của cậu bé lớn lên nơi góc phố chùa Láng. Anh bảo mình nghe nhạc Trịnh một cách vô thức và tình cờ, cứ nghe rồi yêu và say mê từ lúc nào không hay, chứ không hề có sự chủ định, như người yêu nghe theo sự dẫn lối của trái tim. Khi còn làm lái xe cho Công ty du lịch Viettravel, lúc chu du trên những con đường và mảnh đất khác nhau, nhạc Trịnh luôn là liều thuốc tinh thần giúp anh vực dậy sau những phút giây hoang mang và mệt mỏi với những ngang trở cuộc đời.
Nhớ có lần lên nghĩa trang Yên Kỳ (Bất Bạt, Ba Vì, Hà Nội), khi vừa lái xe vừa nghe nhạc phẩm Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn, anh không khỏi suy ngẫm và lặng người vì sự phù phiếm của cuộc đời. Rồi lại có lần khác khi đi về Bắc Ninh, anh suy tư và chìm trong những ca từ của nhạc Trịnh đến nỗi quên cả lối rẽ. Sau những sự việc ấy, anh quyết định bỏ việc ở công ty du lịch để đi theo niềm đam mê dành cho nhạc Trịnh và mở quán café Du ca, nơi để anh vừa kinh doanh kiếm sống, vừa thoả tình yêu với thứ nhạc tinh tế và kén người nghe này.
Nhiều người yêu nhạc Trịnh, thích hát nhạc Trịnh nhưng yêu và say mê đến điên cuồng như Trịnh Sơn Truyền thì có lẽ chẳng có mấy ai làm được. Chỉ riêng chuyện anh mượn chứng minh thư của người khác để đi thi Tiếng hát truyền hình (năm 2004) hay đặt tên con trai đầu là Trịnh Công Sơn cũng đủ thấy tình yêu với nhạc Trịnh của anh lớn đến mức nào. Anh bảo rằng, ngẫm ra mới thấy anh có duyên với nhạc Trịnh đến lạ lùng. Một chữ duyên đủ giúp anh thêm tin yêu cuộc sống và đủ bản lĩnh vượt qua mọi ngang trở của cuộc đời. Và cũng chữ duyên với nhạc Trịnh giúp anh tìm kiếm được một nửa yêu thương của cuộc đời mình.
Những lúc mệt mỏi và muốn kiếm tìm niềm vui cho mình, anh lại lặng lẽ ôm cây đàn ghitar ngồi ở một góc quán và cất lời hát những bài ca bất hủ bằng tất cả tâm hồn mình. Sự chân thành, mộc mạc trong giọng hát và phong cách thể hiện của anh khiến những ai đã từng một lần đến Du ca, từng được nghe ông chủ quán café phiêu du với các ca từ đều cảm thấy yêu hơn những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Anh tâm sự: "Tôi đến với nhạc Trịnh tự nhiên như hơi thở và hát bằng tất cả những cảm nhận của riêng mình. Nhạc Trịnh như một tôn giáo giúp tôi kiếm tìm sự yên bình và cân bằng mọi thứ xảy ra trong cuộc đời. Nhạc Trịnh không buồn, bi lụy mà ngược lại rất tươi vui và rất đời đấy chứ. Tôi muốn gửi những cảm nhận của mình đến tất cả mọi người khi đến quán. Đối với tôi đó là điều thành công nhất".
Để có tình yêu phải chấp nhận đánh đổi
Khách tìm đến quán café Du ca của anh Truyền đa phần đều là khách quen và rất yêu nhạc Trịnh. Ở Hà Nội, những quán café hát nhạc Trịnh không ít, nhưng những nơi có phong cách độc đáo và riêng biệt như Du ca thì không nhiều. Người ta đến quán không chỉ để uống một tách café, để thưởng thức không gian và nghe ông chủ hát nhạc Trịnh mà còn để nghe anh chia sẻ, giãi bày về người và đời. Chẳng thế mà cái quán nhỏ chỉ chứa được khoảng 30 khách nhưng lúc nào con số cũng bị đẩy lên đến 50, thậm chí là 80 người. Những nhạc phẩm nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như: Dấu chân địa đàng, Tình nhớ, Diễm xưa, Cho một người nằm xuống, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui… qua giọng hát mộc mạc, ấm áp của anh trở nên sâu lắng và vô cùng cuốn hút người nghe. Anh hát tự nhiên như hơi thở và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu từ khán giả.
Khi gã du ca ấy biểu diễn, khán giả phải tập trung và lắng nghe anh mới có thể hát được trọn vẹn. Vì thế khách đến quán Du ca không có kiểu vừa nghe nhạc vừa nói chuyện ồn ào hay chỉ chú tâm vào điện thoại và laptop. Anh tâm sự rằng điều đó có thể khiến nhiều người thấy anh hơi khó tính nhưng sự khó tính đó là điều tốt bởi chỉ khi người nghe có ý thức thì nghệ thuật mới có thể đạt đến cái đích của nó.
Để chiều lòng mình và chiều lòng người, anh đã tự làm 2 album nhạc Trịnh. CD của anh không bán mà chỉ dành để tặng bạn bè, người thân và cách mà anh làm ra nó cũng rất ngẫu nhiên. Sản phẩm được ra đời trong giây phút ngẫu hứng của anh và một người bạn với chỉ một cây đàn ghitar và một phòng thu. Anh tâm sự rằng, hát nhạc Trịnh đã khó nhưng để cảm nhận đựơc chiều sâu trong ca từ và giai điệu thì còn khó hơn. Khi hát, anh thường nhắm mắt để cảm nhận và mọi thứ ồn ào dường như lắng lại, chỉ có giọng ca êm ái, thẳm sâu và phiêu theo từng ca từ của anh là còn in dấu trong lòng người nghe.
Năm 2009, anh Truyền đã đứng ra tổ chức đêm nhạc tại Thiền quán và dùng toàn bộ số tiền thu được trao lại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2 (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) để giúp những trẻ em bất hạnh bị nhiễm HIV và bỏ rơi ở nơi đây. Đối với anh, dùng âm nhạc để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh và giúp con người đến gần với nhau hơn bằng một tâm hồn đồng điệu là cách anh giúp đời và cũng là giúp mình thêm yêu cuộc sống. |
Loan Thanh