Chưa hết ốc bươu vàng lại đến đỉa
Một sự thật là bấy lâu nay thương lái Trung Quốc luôn tung ra những chiêu mua bán đầy bí ẩn về các loại động thực vật tại nhiều vùng miền như râu ngô non, rễ cây sim, ốc bươu vàng, móng chân trâu.... Với cái giá thu mua cực cao mà họ đưa ra, nhiều người dân không kìm nổi máu kiếm tiền.
Cẩn thận với chiêu trò thu mua đỉa giá cao của thương lái Trung Quốc
Một hậu quả nhãn tiền mà chính người nông dân Việt Nam đang phải hứng chịu suốt nhiều năm qua đó là đại dịch ốc bươu vàng tràn lan phá hoại mùa màng và làm mất cân bằng sinh thái. Và liên tiếp trong thời gian qua, tại huyện Từ Liêm lại tái xuất hiện tình trạng người dân ngoại tỉnh kéo về bắt đỉa để bán cho thương lái Trung Quốc. Không ai biết các thương lái này thu mua đỉa nhằm mục đích gì? Các cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo về tác dụng ngược khi người dân đổ xô đi bắt đỉa, rồi tự đứng và làm các đầu mối thu gom đỉa để bán lại kiếm lời. Đã có một thời gian nhiều hộ nông dân tại vùng đồng bằng Bắc bộ tổ chức nuôi đỉa để bán làm giàu và coi như một hướng để thoát nghèo.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, ban đầu các thương lái Trung Quốc luôn đẩy giá ngất ngưởng cho những chuyến hàng đỉa, họ yêu cầu người dân phải gom số lượng lớn cho mỗi lần ăn hàng. Sau nhiều lần mua bán thuận lợi, tạo được lòng tin của người dân, thương lái Trung Quốc tiếp tục tạo giá cao hơn nữa rồi đột ngột…biến mất. Đến lúc này người bán đỉa, kẻ thu gom đỉa mới ngã ngửa chẳng biết xử lý kiểu gì đành phải lén lút đổ đỉa vào những nơi có thể đổ được. Và có lẽ đại dịch đỉa cũng bắt nguồn từ đây chăng?.
Đấy là chuyện mấy năm về trước bàn lại. Còn thực tế hiện nay, ngay tại thời điểm này, Hà Nội lại xôn xao bởi tình trạng thương lái Trung Quốc mua đỉa với giá 900 đến 1 triệu đồng/kg đỉa. Hầu hết những người đi bắt đỉa tại khu vực huyện Từ Liêm đều là những người lao động nghèo ngoại tỉnh. Một số người từ các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Nguyên kéo xuống hoặc là các lao động đang trú ngụ tại Hà Nội làm các công việc thường ngày như phu hồ, đồng nát, tào phớ. Thấy đỉa bán đắt nên họ cũng rủ nhau đổ xô đi bắt để bán.
Cùng thời điểm khi Hà Nội rộ lên phong trào bắt đỉa để bán thì tại các huyện Bình Xuyên, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cũng tái xuất hiện hiện tượng người dân thu gom đỉa để bán cho thương lái mà họ chưa hề biết mặt, biết tên. Theo những người dân tại thôn Trầm Mai, xã Quất Lưu (Bình Xuyên) thì họ được mấy người quen dưới Hà Nội là đi tìm đỉa để bắt cứ khoảng 2 đến 5kg thì sẽ có người trực tiếp xuống mua. Để ngăn chặn tình trạng trên, chính quyền các huyện đã và đang tích cực tuyên truyền và có biện pháp xử lý nếu như người dân tiếp tục lén lút thu gom đỉa trên địa bàn.
Một người dân bắt đỉa để bán
Cần định hướng dư luận
Do trời mưa liên tục, đất ẩm đỉa chui ra và sinh sôi tại các đầm sình, các ao tù, vũng nước đọng. Khi những lao động này được một mối thu gom đỉa đã bỏ công việc thường nhật để bắt đỉa tăng thu nhập. Anh Nguyễn Văn Bình và con trai (quê tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) hành nghề bán tào phớ tại Hà Nội thật thà cho biết: "Mấy ngày mưa tào phớ chẳng bán được, may quá được mấy anh bạn rỉ tai đi bắt đỉa về bán vừa nhàn lại sẵn tiền nên tôi và con trai cũng đi bắt. Tuy nhiên, mấy ngày đầu còn bắt được tầm một kg, nhưng giờ nhiều người đi bắt quá nên cũng chẳng được bao nhiêu". Khi được hỏi, ai là người đứng ra mua đỉa và họ thu mua vào những thời điểm nào thì anh Bình lắc đầu tỏ ra bí mật.
Cấm nhập khẩu đỉa Theo quy định, đỉa được xếp vào danh mục sinh vật ngoại lai phải kiểm soát nên không được phép nhập khẩu. Nếu đỉa được gom lại một nơi mà không kiểm soát tốt, lây lan ra các vùng khác và đặc biệt sinh vật sống có thể mang theo các mầm bệnh sẽ rất nguy hại. |
Khảo sát của PV Người Đưa Tin cho thấy hầu hết những người dân đi bắt đỉa đều cho rằng họ bắt đỉa bán cho Trung Quốc để làm thuốc, và họ bắt đỉa cũng là tốt cho mùa màng?. Tuy nhiên, khi được hỏi về người thu mua đỉa, những người này đều trả lời chưa biết mặt biết tên người mua, chỉ nghe người này bảo người kia, thấy có cơ hội kiếm tiền mà không mất vốn nên ai cũng tranh thủ tận dụng cơ hội. Nói là làm, từng nhóm người mang theo túi vải, túi lưới, người thì mang vôi tỏa, tiết lợn lùng sục tại các đầm sình, các khu ruộng muống, vụm nước tìm cách bẫy đỉa. Theo những người bắt đỉa thì những chỗ nhiều đỉa nhất là những ao tù, nhiều trằm, người bắt đỉa chỉ cần thả ít tiết hoặc vãi vôi tỏa xuống là đỉa nổi lên. Người dân chỉ cần dùng vợt hoặc rá nhựa để xúc hoặc hớt đỉa cho vào túi, buổi chiều sẽ có đầu mối thu gom và trả tiền ngay.
Bàn về tác dụng của đỉa trong y học, các chuyên gia đều khẳng định đỉa và các chế phẩm từ đỉa tốt cho bệnh khớp, tim mạch, bởi trong tuyến nước bọt của loài hút máu này chứa chất chống viêm sưng, chống đông máu. Tuy nhiên, thương lái Trung Quốc mua số lượng đỉa lớn với giá cao như hiện nay sẽ là rất nguy hiểm bởi nó sẽ tạo ra hàng loạt các hiệu ứng, khiến người người, nhà nhà tại các vùng sẽ đi bắt đỉa. Và đến một thời điểm nhất định khi thương lái đột ngột không thu mua nữa thì hậu quả thực sự rất khó lường bởi khi ấy đỉa sẽ tràn lan ra môi trường tự nhiên.
Một vấn đề đặt ra hiện nay đó là chính quyền địa phương không dễ ngăn chặn tình trạng bắt đỉa diễn ra tràn lan trên địa bàn bởi không bắt đỉa chỗ này thì người dân có thể bắt đỉa chỗ khác. Cũng như chưa có một chế tài nào xử lý người dân đi bắt đỉa, do vậy công tác tuyên truyền vẫn là chủ yếu.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, lương y Trần Văn Quảng, hội Đông y Việt Nam cho biết, trong đông y con đỉa còn gọi là thanh điệt, một trong những vị thuốc giúp thông máu, làm tan vết bầm, sưng, giải máu ứ đọng. Tuy nhiên, dùng loại thuốc này rất nguy hiểm, bởi trong quá trình đốt, tán đỉa không làm chết hết các tế bào. Cũng bởi vậy hiện trong Đông y cũng ít dùng loại thuốc này, trừ những trường hợp hết thuốc mới dùng thay thế nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ.
Thiết nghĩ các cấp chính quyền địa phương cần có phương án xử lý dứt điểm tình trạng thu gom, buôn bán đỉa trên địa bàn, tránh các hiểm họa tiềm tàng từ đỉa.
Phạm Dương