Trong số danh sách các đơn vị sử dụng người lao động nợ đọng BHXH từ 6 tháng trở lên được Bảo hiểm Xã hội TP.Hà Nội công khai, đứng đầu danh sách là công ty Cổ phần LILAMA 3, có địa chỉ tại lô 24-25, KCN Quang Minh, Mê Linh (Hà Nội), với số lao động là 183 người, số tiền nợ 27,9 tỷ đồng với 59 tháng nợ.
Đứng thứ hai là công ty TNHH May mặc XK VIT Garment (khu Công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) với số lao động là 889 người, số nợ hơn 22 tỷ đồng và số tháng nợ là 20 tháng.
Tiếp theo là Chi nhánh công ty CP ô tô Xuân Kiên Vinaxuki – NM SX ô tô số 1, Mê Linh, Hà Nội với số lao động là 18 người, số tiền nợ 16,7 tỷ đồng và số tháng nợ là 64 tháng.
Công ty CP Cầu 12 Cienco 1 (số 463, Nguyễn Văn Linh, P. Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) cũng nợ số tiền hơn 15 tỷ đồng với số lao động là 664 và số tháng nợ là 17.
Ngay sau đó là công ty CP 116 – CIENCO 1 tại số 521 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội có số lao động là 46, số tiền nợ là 15 tỷ đồng với 101 tháng nợ.
Một số doanh nghiệp khác như công ty CP Cầu 14, công ty CP Sông Đà – Thăng Long cũng nợ tới hơn 14 tỷ đồng tiền BHXH. Tiếp đến là các đơn vị như công ty Cơ khí & Xây lắp số 7, công ty CP Cơ khí xây dựng 121 CIENCO 1, công ty CP Xây dựng công trình giao thông 1 – Hà Nội có số nợ hơn 13 tỷ đồng.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp có hơn 100 tháng nợ BHXH được “bêu” tên trong danh sách này như công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Sông Đà với số tháng nợ lên tới 102, số nợ là hơn 6,9 tỷ đồng.
Công ty CP Xây dựng số 2 Thăng Long có số tháng nợ lên tới 107, với số nợ hơn 5,8 tỷ đồng.
Có số tháng nợ “bền” nhất là công ty CP LISOHAKA có địa chỉ tại tầng 4, tòa nhà GAMI 11 Phạm Hùng, Từ Liêm, Hà Nội là 119 tháng, với số nợ là 4,7 tỷ đồng và số lao động là 12.
Công ty TNHH Hoài Nam có số tháng nợ BHXH lên tới con số 107, số lao động là 12 và số nợ hơn 2 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 128 CIENCO 1 cũng có số tháng nợ lên tới 111 tháng với hơn 11,2 tỷ đồng và số lao động là 15.
BHXH TP.Hà Nội nhận định: “500 doanh nghiệp trong danh sách này đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 2 vạn lao động, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô”.
Hiện nay, vấn đề nợ đọng BHXH, chây ỳ của các doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động: ốm đau, thai sản, thất nghiệp không được giải quyết, về hưu không được lấy sổ, chuyển công tác không được chốt sổ... mà còn ảnh hưởng tới niềm tin và tính nghiêm minh của pháp luật.
Những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT cần được xử lý kịp thời và có tính răn đe để chính sách an sinh xã hội ngày càng phát triển bền vững.