> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây
Lớp học tình thương cô Ba Đỏ
Tếng con trẻ đánh vần bi bô, thì thầm trao đổi những bài toán đố vọng ra từ căn chòi lá chưa đầy 20m2 ở số 316 (khu vực 2, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), dường như làm dịu bớt cái nắng gay gắt. Có khách thăm, lớp học bất đắc dĩ nghỉ ít phút, trong tiếng cười đùa rộn rã của lũ trẻ, cô Ba Đỏ vui vẻ trải lòng kể về mình.
Cô Ba Đỏ tận tình kèm cặp học sinh. (Ảnh Nguyên Việt)
Cô Ba Đỏ sinh ra trong một gia đình 10 người con ở phường Lái Hiếu. Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Vĩnh Long năm 1965, cô lập gia đình và đi dạy tại một trường Tiểu học thuộc tỉnh Phong Dinh (một tên gọi cũ của thành phố Cần Thơ - PV). Năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, gia đình cô Ba Đỏ chuyển về vùng kinh tế mới quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) sinh sống. Đến năm 1986, gia đình cô Ba Đỏ quay trở lại quê nhà sinh sống.
Ngày đó, mấy đứa trẻ trong xóm nghèo đi mò cua bắt ốc, mỗi lần ngang qua nhà thấy cô Ba Đỏ dạy học chúng thích thú đứng xem hàng giờ. Một lần, có đứa trẻ chạy đến nói: "Tụi con rất muốn học chữ, cô Ba Đỏ mần ơn dạy tụi con nghe. Tới mùa lúa tụi con nói ba má đem lúa trả ơn cô Ba Đỏ". Cô Ba Đỏ vui vẻ nhận lũ trẻ ham học vào lớp dạy miễn phí. Vài tháng sau, chúng biết chữ mừng quá chạy khoe khắp xóm và rủ thêm những đứa trẻ khác xin học cô Ba Đỏ. Từ đó, căn chòi lá ven sông trở thành lớp học rổn rảng tiếng cười của trẻ nhỏ.
Còn nhớ những ngày đầu lũ trẻ tới lớp, cô Ba Đỏ cảm động nói: "Tôi không sao quên được lúc tụi nhỏ đến học. Cầm những bàn tay chai sần, vì cực nhọc của lũ trẻ tội nghiệp lắm. Không có tiền mua bảng, tôi tháo cánh tủ làm bảng viết. Lớp học thiếu thốn đủ bề, nhưng giáo viên hạnh phúc vì lũ trẻ chăm chỉ học. Mưa cũng như nắng, ngày nào chúng cũng không bỏ lớp". Bằng tấm lòng cảm thương với những đứa trẻ nhà nghèo, cô Ba Đỏ xem học trò như con cháu trong nhà, mỗi bài giảng, là những trăn trở thấm đẫm yêu thương "người thầy" dành cho lũ trẻ. Tiếng lành về lớp học tình thương cô Ba Đỏ đồn xa, học trò nghèo tìm đến xin học mỗi lúc một đông. Học sinh lên tới cả trăm em, vì lớp học không đủ sức chứa, cô Ba Đỏ chia lớp thành hai nhóm dạy hai buổi sáng, chiều.
Xoá mù chữ cho hàng ngàn trẻ em nghèo
Gần 30 năm dạy chữ "không lương", cô Ba Đỏ đã xóa mù chữ cho hàng ngàn trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường. Em Lê Minh Dũng, 15 tuổi (ngụ khu vực 1, phường Lái Hiếu) cho biết: "Do nhà em quá nghèo, ham học chữ, nhưng 15 tuổi em vẫn không có điều kiện tới trường. Nhờ ơn cô Ba Đỏ dạy dỗ, 4 tháng qua em đã biết chữ, đọc thông viết thạo". Trong số các học trò của cô Ba Đỏ có em Võ Duy Khang (9 tuổi, ngụ khu vực 6, phường Lái Hiếu) là một trường hợp khá đặc biệt. Trước đây, Khang học 3 năm liền mà chưa biết đọc, biết viết. Cha mẹ giận quá, đã cho Khang nghỉ học ở trường. Được cô Ba Đỏ mở rộng vòng tay, sau 3 tháng kèm cặp, Khang không chỉ biết đọc, biết viết mà còn giải toán thành thạo.
Dành hết sức lực, tâm huyết cho cái nghề "gõ đầu trẻ" không lương. Tuổi cao, sức khỏe mỗi ngày một kém, nhưng cô Ba Đỏ vẫn không chọn sự nhàn hạ. Cứ thời gian rảnh, cô Ba Đỏ lại tranh thủ tìm mua sách tham khảo, nâng cao kiến thức truyền giảng cho học trò mà không đòi hỏi một khoản thù lao nào. Cô Ba tâm sự: "Chỉ cần thấy tụi nhỏ vui là tui mãn nguyện lắm rồi". Quý trọng tấm lòng của cô, nên thỉnh thoảng bà con lối xóm hay biếu cô chút gạo, bánh trái hoặc chút tiền để bày tỏ tấm lòng biết ơn.
Đứa con trai út là người cô Ba Đỏ thương yêu nhất. Anh được vợ chồng cô lo cho ăn học đầy đủ và đã thành tài sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở TP.HCM. Nhưng nghiệt ngã thay, mấy năm trước, anh đã qua đời sau một vụ tai nạn. Ngày đó, cô Ba Đỏ lâm vào khủng hoảng, cô khóc rất nhiều và tỏ ý định thôi dạy học. "Thấy vậy, mấy đứa nhỏ nói với tui rằng: "Cô Ba Đỏ đừng nghỉ dạy, nếu cô nghỉ dạy tụi con không biết học ở đâu, suốt đời sẽ dốt mãi". Nghe tụi nhỏ nói, tui không sao kiềm được xúc động. Tui nghĩ, mình không thể sống như thế mãi được, nên hôm sau, tui quyết định dạy học trở lại", cô Ba Đỏ chia sẻ. Rồi ngày qua ngày, tiếng cười của trẻ thơ đã giúp cô Ba Đỏ dần nguôi ngoai nỗi đau để tiếp tục "cõng chữ, đưa đò"...
Suốt 30 năm vượt chặng đường gian khó, có người nói thành quả dạy học của cô Ba Đỏ là một kỳ tích. Nghe xong, cô giáo tóc bạc tuổi 69, xua tay cười hiền từ: "Không có tụi nhỏ, tôi cũng đâu có niềm vui hôm nay".
Nghĩa cử cần được nhân rộng Ông Nguyễn Hoàng On, Bí thư Chi bộ khu vực 2 (phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cho biết: "Nghĩa cử của cô Ba Đỏ khiến ai cũng thán phục. Mọi người dành cho cô không chỉ sự quý mến mà tất cả lòng quý trọng. Vừa qua, cô Ba Đỏ được tuyên gương người tốt việc tốt, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ông Dương Quang Khương, Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng phường Lái Hiếu cho biết: "Qua khảo sát của địa phương cho thấy, những em nhỏ theo học cô Ba Đỏ, học lực khá, giỏi lên rất nhiều. Lớp học của cô Ba có thể xem là một điển hình cần được nhân rộng". |
Nguyên Việt