Một ngày làm việc của chị Vân thường khá dài so với các đồng nghiệp khác. Sau khi kết thúc giờ làm việc tại trường mầm non, chị lại nhanh chóng di chuyển đến điểm hẹn để can thiệp cá nhân cho trẻ tự kỷ tại gia đình. Chị vừa cười vừa nói: “Đồng nghiệp của tôi thường trêu đùa rằng, sao mà tôi lại khỏe thế...”. Những lúc như thế chị Vân chỉ cười nói: “Tôi cũng có lúc mệt chứ, song đó vừa là lao động, vừa là niềm đam mê”.
Chị bộc bạch thêm: “Chỉ cần nhìn các con tiến bộ là tôi vui lắm rồi. Chính sự nỗ lực và kết quả của các con đã khích lệ tôi tiếp tục hăng say, yêu nghề hơn”.
Với dáng người thanh mảnh, nhưng toát lên sự mạnh mẽ, nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Vân cứ thế nói về công việc của mình. Xen lẫn những câu chuyện là nụ cười hạnh phúc: “Mỗi trẻ đều có điểm mạnh khác nhau kể cả trẻ có nhu cầu đặc biệt. Thế nên làm nghề giáo viên phải thực sự hiểu và cần nắm bắt được điều đó để có định hướng giáo dục phù hợp nhất cho trẻ.
"Là giáo viên dạy những trẻ có nhu cầu đặc biệt có những khó khăn đặc biệt hơn. Nó đòi hỏi ở người giáo viên không chỉ dừng lại ở chữ “Tâm”, tình yêu thương mà đôi khi ta phải sống thực như “một đứa trẻ con” để hòa mình vào những trò chơi của các em thì mới có sự hợp tác hiệu quả thực sự về sau”. Đó chính là cảm nhận của chị Vân, một cảm nhận của những người trong ngành bởi như chị nói: “Tôi đã yêu nghề mất rồi”.
Cũng là giáo viên dạy trẻ tự kỷ, cô giáo Thủy bồi hồi nhớ lại: “Còn nhớ, cách đây vài năm tôi có can thiệp, hướng dẫn một học trò tự kỷ. Ngày đó, bé kém đến mức không biết tính toán, cộng trừ mặc dù đã học lớp 1, không những thế bé rất bẩn, thường hay mút tay. Nhưng sau một tháng tôi hướng dẫn bé đã biết làm tính toán, hành vi nghịch bẩn không còn nữa. Đó là kỷ niệm mà cả đời tôi không thể nào quên được”.
Khi PV hỏi việc giáo dục trẻ tự kỷ dạy chuyên biệt các cô sẽ có ngày lễ 20/11 như thế nào? Chị Thủy xúc động nói: “Đối với chúng tôi, không như các thầy cô giáo khác được nhận những bó hoa tươi thắm từ các học trò, món quà mà chúng tôi nhận được đó chính là sự tiến bộ hàng ngày của các em.
Nếu các em tiến bộ hơn so với trước chỉ một chút thôi thì tôi coi đó như một món quà vô giá, cảm thấy ngày nào cũng là ngày 20/11 rồi”.
Làm công việc nuôi dạy trẻ thế nhưng khi nhắc về tổ ấm nhỏ của mình, thì chị Vân lại lặng người, chị bảo: “Con gái tôi năm nay đã được 5 tuổi nhưng vì tôi bận rộn đi làm cả ngày không có thời gian chăm sóc con nên đành gửi về cho ông bà ngoại.
Đôi khi tôi nhớ và thương con vô cùng. Dù thế, tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc hiện tại của mình. Tôi cảm ơn gia đình, những người luôn ở bên và ủng hộ công việc của tôi”.
Suốt cuộc trò chuyện với PV, chúng tôi nhận thấy ở chị Thủy hay chị Vân đều toát lên tình yêu nghề sâu sắc, cả hai cô giáo này chẳng có ước mong gì cho riêng mình. Họ chỉ mong những học trò của mình không bị những ánh mắt kỳ thị của mọi người và họ cũng mong có một môi trường nghề để sau này những đứa trẻ ấy tự nuôi sống được bản thân mình.