Cô nữ sinh thay mẹ chèo lái gia đình

Cô nữ sinh thay mẹ chèo lái gia đình

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Lên lớp 6 mẹ bị ung thư máu và phải lên Hà Nội điều trị thường xuyên, cũng từ đó mà Lương Thị Kiều Ngân (SV năm thứ 3, học viện Tài chính) phải quán xuyến việc nhà và chăm sóc 2 em.

Không có thời gian để buồn chán

Tại căn phòng trọ chật chội trong một con ngõ nhỏ trên đường Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội, Lương Thị Kiều Ngân vừa mời chúng tôi vào nhà vừa thu dọn đồ đạc, đồ chơi của đứa em trai học lớp 7 bày ra bừa bãi. Nếu không nghe kể về Kiều Ngân từ trước thì ít ai nghĩ rằng cô gái xinh xắn, tươi cười, lạc quan này đaã̈ phải trải qua biết bao vất vả, khó khăn từ những ngày còn nhỏ cho đến khi bước chân vào đại học.

Dù biết mẹ bị bệnh hiểm nghèo và cũng đã chuẩn bị tâm lý rằng ngày nào đó mẹ sẽ vĩnh viễn ra đi, nhưng không vì thế mà Ngân sao nhãng chuyện học hành. Những năm cấp hai rồi cấp ba, em liên tiếp là học sinh của đội tuyển học sinh giỏi Toán, Hóa, đạt được nhiều giải thưởng của huyện và tỉnh.

Với kết quả, thành tích đáng nể của mình, học xong cấp ba, Kiều Ngân thi đỗ vào học viện Tài chính, chuyên ngành Kiểm toán với số điểm khá cao.

Pháp luật - Cô nữ sinh thay mẹ chèo lái gia đình

Dù vừa đi học, vừa thay phiên em gái và các bác lên Hà Nội trông nom mẹ nằm viện, nhưng mọi việc ở nhà đều một tay Kiều Ngân quán xuyến. Em thay bố mẹ, chăm lo cho các em từ bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành. Năm 2011 mẹ Ngân đổ bệnh ngày một nặng, căn bệnh ung thư quái ác đã khiến cho mẹ em không thể đi lại được và phải nằm tại chỗ.

Nhà neo người nên bố Ngân đã để hai em ở nhà rồi đưa mẹ lên viện Huyết học truyền máu Trung ương (Hà Nội) điều trị. Khi bệnh tình của mẹ đã thuyên giảm, bố xin làm bảo vệ cho một cơ quan để phần nào trang trải việc thuốc men, còn việc chăm sóc mẹ do Kiều Ngân đảm nhận.

Kiều Ngân kể: "Buổi chiều, khoảng 17h30’ em tan học, về phòng trọ nấu cơm. Ăn cơm xong em đạp xe mang cơm cho bố mẹ trong bệnh viện. Em ở luôn trong bệnh viện chăm sóc mẹ đến sáng. Hồi đó hai chân của mẹ em sưng vù lên, không cử động được. Đến 5h sáng em dậy dọn dẹp, vệ sinh cho mẹ rồi đi chợ mua thức ăn về cho mẹ. Trên đường đạp xe về phòng trọ để chuẩn bị đi học, em mua luôn rau quả ở cổng chợ sinh viên (đối diện đại học Quốc Gia Hà Nội), ở đấy rau quả rẻ hơn nhiều các chỗ khác. Ngày nào cũng thế nên dần dần em cũng quen.

Nhiều người ái ngại thấy em vất vả, nhưng em nghĩ được chăm sóc cho mẹ là mình vui rồi, vì ít ra em vẫn còn mẹ lúc ấy. Mẹ mất rồi có muốn chăm sóc cho mẹ nữa cũng không còn cơ hội".

Pháp luật - Cô nữ sinh thay mẹ chèo lái gia đình (Hình 2).

Lương Thị Kiều Ngân và em trai út đang học lớp 7 tại phòng trọ

Hết mình vì gia đình

9 năm ròng, cả gia đình Kiều Ngân chống đỡ vất vả với căn bệnh ung thư máu của mẹ em. Cuối cùng người mẹ cũng ra đi để lại người chồng và 3 đứa con còn đang ở tuổi ăn học. Sau khi mẹ qua đời và làm lễ 49 ngày cho mẹ, bốn bố con Kiều Ngân cùng lên kế hoạch cho những ngày tháng tiếp theo sẽ thế nào? Khi đứa em gái cận kề cũng chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học và dự định cũng thi và học tại Hà Nội, đứa em trai út quen được bố mẹ chiều chuộng, có phần ngỗ nghịch đang học lớp 6, ai sẽ quản lý và dạy dỗ?

Kiều Ngân bàn tính với bố và các em nếu xin được cho đứa em út học ngoài Hà Nội thì cả nhà sẽ cùng thuê nhà ở luôn cho tiện. Hơn nữa, bố sức khỏe yếu không thể làm được những việc nặng nhọc, ở nhà vất vả mà không có thu nhập nên ra Hà Nội làm bảo vệ cũng được mấy triệu đồng một tháng.

Đặc biệt, Kiều Ngân rất lo cho cậu em út vốn đã khó bảo và học lực trung bình, giờ đây thiếu bàn tay mẹ, Ngân càng lo em sa ngã và hư hỏng. Việc hương khói cho mẹ và nhà cửa thì nhờ các bác hai bên nội ngoại trông nomá.

Biết không thể và không đủ khả năng xin cho em học trong các quận nội thành nên Ngân chọn ngay ngôi trường cấp hai Cổ Nhuế (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cũng gần trường của Ngân. "Em đến gặp thầy phó hiệu trưởng, em trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng của gia đình. Mới đầu thầy không đồng ý vì sức học của em trai em không được khá sẽ không theo kịp các bạn ở đây, nhưng sau thấy hoàn cảnh gia đình em như thế nên thầy đã đồng ý. Biết chuyện, cô hiệu trưởng nhà trường cũng đồng ý giúp đỡ cho em trai em vào học, không những thế em còn được miễn giảm học phí", Kiều Ngân cho biết.

Khi đã xin được cho em trai đi học, Ngân cùng bố lại tất bật đi tìm phòng trọ khu vực Cổ Nhuế để bốn bố con cùng ở. Ngân thuê được một căn phòng nhỏ nằm ngoài mặt đường của một ngõ nhỏ rất thuận tiện cho việc bán hàng. Cô sinh viên năm 3 học viện Tài chính tươi cười cho biết: "Mới đầu em thuê phòng này vừa để ở và vừa để bán thêm cái gì đó để kiếm thêm thu nhập trong lúc rảnh.

Hiện, việc học hành cũng khá nặng và mất nhiều thời gian nên em chưa nghĩ ra sẽ bán gì. Mỗi tháng tiền phòng, cộng với tiền điện, tiền nước cũng khoảng 1,6 - 1,7 triệu đồng. Phòng nhỏ nhưng có gác xép nên bốn bố con ở cũng không đến nỗi chật chội lắm, em và em gái ngủ trên gác xép, còn bố và em trai ngủ ở dưới".

Ngoài tiền phòng, tiền điện, tiền nước, tiền học phí của mấy chị em cũng khá tốn kém, trong khi đó thu nhập của bố làm bảo vệ không đủ chi trả. Riêng tiền học thêm của cậu em út cũng mất 500.000 - 600.000 đồng mỗi tháng để theo kịp các bạn. Cô em gái học rất khá nhưng năm vừa rồi chịu nhiều áp lực và đúng lúc ôn thi tốt nghiệp thì mẹ mất, đến kỳ thi đại học do bị ảnh hưởng tâm lý đã bị trượt. Hiện, em gái Ngân đang ôn thi chờ năm sau thi.

Còn bố Ngân xin làm bảo vệ cho một siêu thị điện máy, mỗi tháng được hơn 3 triệu đồng. Ngoài thời gian học trên lớp, Kiều Ngân đi gia sư, mỗi tháng được gần 1 triệu đồng. Nhẩm tính tổng thu nhập của bốn bố con Ngân khoảng 4 triệu đồng cho bốn người từ tiền học của ba chị em, tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền sinh hoạt... Ngân là chị cả nên mọi việc đều đến tay, một tay em thu vén, dọn dẹp nhà cửa, lo ăn uống cho các em và kèm cặp, chỉ bảo các em học bài khi có thời gian rảnh thay bố, bởi tính chất công việc nên hầu như bố đi vắng suốt ngày.

Thiên Vũ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.