|
Ở Chuyện nghề 1, chúng tôi đã giới thiệu đến độc giả bài viết Chàng trai 8X ‘giấu’ bằng cử nhân đi bán trà đá. Trong số này, chúng tôi tiếp tục mời độc giả cùng theo dõi về những khó khăn, vất vả trong công việc bán trà đá mà không phải ai cũng hình dung được.
Tiếp tục cuộc trò chuyện với PV, anh Duy và người vợ của mình chia sẻ: “Nghề nào cũng có sự vất vả riêng, nghề bán trà đá của vợ chồng tôi thoạt nhìn ai cũng nói là chả mất gì cũng kiếm được tiền trăm hàng ngày, nhưng họ đâu biết rằng để “chiều” lòng khách chúng tôi đã bỏ ra biết bao công sức. Nhiều người nghĩ chỉ dọn vài cái bàn là kiếm được tiền nhưng họ đã nhầm”.
Theo lời anh Duy, hàng ngày anh và vợ dậy từ 4h30 sáng để chuẩn bị nước, chè, và các vật dụng đến khoảng sáng sớm anh dọn hàng ra để bán. Đối tượng mà anh bán hàng chủ yếu là sinh viên của các trường đại học lân cận. Không những thế, cốc chén lúc nào cũng phải sáng bóng, nhìn bắt mắt.
“Tôi bán trà đá nhưng có làm thêm đồ ăn sáng, ăn trưa như bánh bao, bánh mỳ, xôi, xúc xích...nên đồ đạc lỉnh kỉnh. Nhà có hai vợ chồng cùng làm nên ban đầu cũng rất vất vả, dần dà rồi cũng quen”, chị Ánh vợ anh Duy cho biết.
Nhiều người nói bán trà đá lãi gấp nhiều lần số vốn bỏ ra nhưng anh Duy cho biết vợ chồng anh làm, có bán kèm các thứ khác nữa cũng chỉ đủ trang trải, kiếm sống như bao nghề khác chứ không phải quá khá giả.
“Mỗi một cốc trà nóng, trà đá tôi bán 3.000 đồng/cốc, đồ ăn bán với giá sinh viên thì cũng chỉ lãi được vài nghìn, chứ đâu nhiều nhặn gì. Nói bán trà đá mà thu nhập khủng cũng không hẳn đúng. Cũng phải tùy địa điểm, nếu bán ở những nơi đông đúc, trên phố có lẽ là cũng có người kiếm được”, anh Duy cho biết thêm.
Chia sẻ về những khó khăn trong suốt 7 năm làm nghề bán trà đá, anh Duy cho hay: “Suốt 7 năm bán trà đá, điều khó khăn ái ngại nhất trong những ngày đầu mới vào nghề đó là thường mọi người thấy chỉ có con gái hay các bà bán trà đá, còn mình là con trai nhưng lại đi bán trà đá. Khi đó ai hỏi mình cũng ngại trả lời. Nhưng sau đó, dần dần mình cũng đã thu hút được lượng khách đáng kể”.
Với anh Duy, bán hàng cũng cần phải có cái duyên nhất định và bước đầu anh đã cảm thấy hài lòng với công việc của mình.
Ngoài khó khăn trên, anh Duy cho hay những hôm mưa gió giật mạnh, anh và vợ nhanh tay nhanh chân dọn dẹp lại hàng, có những hôm trời lạnh căm căm, anh vẫn ngồi ngoài quán để bán hàng.
“Ngoài thời tiết, trà muốn được ngon cũng phải chọn mua hãng chuẩn rồi học cách pha để rút kinh nghiệm dần dần”, anh Duy chia sẻ.
Nhìn đôi vợ chồng trẻ nhanh tay pha nước, mời chào khách chủ yếu là đối tượng sinh viên, họ còn trêu đùa cùng các bạn sinh viên...mới thấy họ phải yêu thích công việc ấy lắm thì mới được đông đảo khách hàng vào ra tấp nập đến như vậy.
Khi hỏi, có khi nào anh muốn thôi không bán trà đá nữa, anh Duy tâm sự: “Tôi coi bán trà đá cũng chỉ là công việc thời vụ, cho đến thời điểm hiện tại công việc này vẫn đang phù hợp với chúng tôi, nhưng đến một độ tuổi nào đấy tôi cảm thấy nghề này không còn phù hợp và cần chuyển hướng khác thì khi ấy tôi sẽ bàn bạc lại cùng vợ”.
Mời quý độc giả đón đọc Chuyện nghề 3: “Những hiểm nguy rình rập người bán trà đá” vào 7h ngày 19/2.
Xem thêm:
>> Chuyện nghề 1: "Giấu" bằng cử nhân đi bán...trà đá
Thanh Lam – M.Thu