Ông có suy nghĩ gì trước tin đồn nhằm vào một cá nhân là lãnh đạo của một ngân hàng như trường hợp của ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), vừa qua?
Tôi nghĩ, trong chính trị và xã hội có những vấn đề mang yếu tố tuyệt mật, hoặc có những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm thì các cơ quan báo chí chỉ được đưa tin khi có ý kiến của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ như những vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng, những vấn đề thiết yếu của đời sống xã hội, những vấn đề có yếu tố kinh tế. Hoạt động của các tổ chức tín dụng là một vấn đề nhạy cảm, vì vậy trong Luật Ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng cũng đã có những chế định trong việc cung cấp thông tin. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Văn hóa -Thể thao trước đây đã có thông tư liên ngành về việc đưa tin về các tổ chức tín dụng. Vấn đề cơ bản ở đây, thông tin phải chính xác, có kết luận rõ ràng và kết luận có được công khai hay không thì trên cơ sở đó báo chí mới đưa tin.
Vì sao lại phải quy định như vậy? Bởi vì hoạt động của các ngân hàng nói riêng và của các tổ chức tín dụng nói chung là hoạt động vay để cho vay. Khi thông tin liên quan đến hoạt động của một tổ chức tín dụng, liên quan đến lãnh đạo của ngân hàng hay liên quan đến khả năng thanh toán, thu nợ của tổ chức tín dụng mà nếu chúng ta đưa lên công luận hoặc tạo ra dư luận không tốt sẽ tác động vào tâm lý của người gửi tiền. Lúc đó, những người gửi tiền không cần cân nhắc kỹ mọi yếu tố và sẽ tạo nên hội chứng ồ ạt đến rút tiền. Thứ hai, những người vay tiền của các tổ chức tín dụng đó sẽ cố tình ỳ đi, không trả nợ, dẫn đến ngân hàng mất khả năng thanh toán. Trong hệ thống ngân hàng có hội chứng đô-mi-nô, từ ngân hàng này sẽ tác động sang ngân hàng khác.
Luật sư Trần Đình Triển.
Việc tung tin đồn thất thiệt này không chỉ xảy ra với ông Trần Bắc Hà và BIDV mà trong những năm qua, nó từng xảy ra với một số tổ chức tín dụng khác như Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng TMCP Phương Nam và Ngân hàng CP Nông thôn Ninh Bình trước đây. Khi sự việc xảy ra như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã phải bảo hiểm tiền gửi kịp thời, các ngân hàng khác cùng đứng ra gánh vác sự ổn định của hệ thống tín dụng.
Có thể thấy, đấy là tin đồn về một ngân hàng, chứ nếu là nhiều ngân hàng cùng rơi vào tình cảnh như thế thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những tin đồn không có thật.
Vậy theo ông, tại sao vẫn có tình trạng xuất hiện tin đồn như vậy và nó lại không chỉ xảy ra một lần, dù trước đó nó đã gây hoang mang dư luận?
Trong lịch sử những năm qua cũng từng xuất hiện trong dư luận những luồng thông tin thất thiệt như thế, nhưng việc điều tra thì chưa làm rõ ra vụ nào cả để trừng trị nghiêm minh, có tác dụng phòng ngừa chung. Đấy là điểm yếu từ phía Nhà nước.
Thứ hai, chúng ta chưa tuyên truyền phổ biến tốt pháp luật để cho người dân được an tâm khi gửi tiền vào các tổ chức tín dụng. Cần để họ thấy mình có chỗ dựa vào Nhà nước. Đặc biệt, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải có chế định rõ ràng về bảo toàn tiền gửi. Như vậy, dù người dân có nghe tin đồn thế nào về tổ chức tín dụng thì họ vẫn yên tâm, không rút tiền ồ ạt.
Mặt khác, nếu những người đứng đầu tổ chức tín dụng có những sai phạm hoặc mất uy tín thì chúng ta phải xử lý ngay, phải chuyển họ làm công việc khác, thậm chí là cách chức. Và nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì công tác tổ chức phải làm trước. Ví dụ cách chức khỏi chủ tịch HĐTV, chủ tịch HĐQT hoặc tổng giám đốc. Nghĩa là, tiến hành cơ cấu bộ máy trước rồi mới khởi tố sau, nếu có sai phạm.
Theo ông, trong trường hợp có tin đồn thất thiệt, sẽ có lợi cho ai?
Chẳng có lợi cho ai cả. Người dân rút tiền về cất đi sẽ mất lãi suất hoặc găm vàng, ngoại tệ về cất thì cũng mất lãi suất. Còn phía Nhà nước thì mất đi nguồn tiền để cho các doanh nghiệp vay nhằm phát triển kinh tế.
Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà phản pháo "Đây là dấu hiệu cho thấy việc tung tin đồn là có chủ ý đầu cơ. Có người nói với tôi, trong ngày hôm nay, dân đầu cơ đã có thể kiếm hàng trăm tỷ đồng nhờ thông tin đồn thổi này". |
Do đó, từ vấn đề nguồn dư luận như vậy thì cơ quan bảo vệ pháp luật cần khởi tố vụ án, lập án truy xét để điều tra xem nguồn dư luận này xuất phát từ đâu và từ ai, rồi sẽ khởi tố bị can và xử lý thật nghiêm khắc. Trong tương lai, nó sẽ hạn chế được tối đa những tin đồn thất thiệt kiểu như thế này. Nếu không, có thể từ phía nội bộ, từ phía cơ quan nhà nước sẽ tự rò rỉ thông tin, cứ thế một đồn mười, mười đồn trăm, ảnh hưởng rất lớn đến các tổ chức tín dụng mà chính là ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay.
Trước đây, ở những tin đồn thất thiệt nhằm vào các ngân hàng khác (ngoài BIDV) thì cơ quan có thẩm quyền cũng đã vào cuộc, nhưng không làm rõ được hoặc chưa làm rõ được thủ phạm tung tin đồn. Chúng ta cũng cần thông cảm với cơ quan tố tụng vì án truy xét là loại án vô cùng phức tạp và khó khăn. Tuy vậy, khó đến mấy cũng vẫn phải làm để xử lý nghiêm minh.
Vậy theo ông, có đủ yếu tố để khởi tố vụ án hay không?
Một tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhân dân và gây hậu quả nghiêm trọng thì đã đủ yếu tố để khởi tố vụ án. Cơ quan tiến hành điều tra phải lập án truy xét để đi tìm nguồn gốc của tin đồn đó. Khi đã xác định được ai là người đưa ra tin đồn thì cũng sẽ đủ yếu tố để khởi tố bị can.
Cảm ơn ông!
Trong ngày 21/2/2013, khi xuất hiện tin đồn thất thiệt về việc ông Trần Bắc Hà, chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV bị bắt, Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức điều tra, xác minh truy tìm thủ phạm tung tin bịa đặt trên. |
Nhóm phóng viên