Trước đó, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến địa phương để tìm hiểu sự việc và đưa ra kết luận ban đầu, có thể 3 trẻ sơ sinh tử vong vì mũi tiêm viêm gan B do sốc phản vệ. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho rằng, sốc phản vệ không rõ nguyên nhân chỉ là kết luận bạn đầu.
Ông Hiển nói: "Một số chuyên gia y tế nghĩ đến giả thiết, có thể trong mũi thuốc tiêm cho 3 nạn nhân có chất lạ nên dẫn đến tình trạng trẻ bị sốc phản vệ với những triệu chứng rất giống nhau. Cả 3 ca tử vong về lâm sàng đều diễn biến rất nhanh như tím tái, khó thở, lịm đi trong vòng 10 phút sau tiêm; kết quả mổ tử thi đại thể có biểu hiện xuất tiết, xung huyết, xuất huyết đa phủ tạng (phổi, tim, gan, thận lách, não, màng ruột)".
Tuy nhiên, ông Hiển lưu ý: "Mọi kết luận cuối cùng cần phải chờ kết quả kiểm nghiệm vắc xin và mẫu bệnh phẩm mà Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Trị đang gửi đi xét nghiệm tại Viện pháp y quốc gia (kiểm định chất lạ) và Viện kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế (kiểm định chất lượng, tính an toàn của vắc xin). Theo tôi, sau khoảng 1 tháng nữa thì có thể sẽ có kết quả cuối cùng về vụ việc này”.
Trả lời PV, TS Nguyễn Văn Bình, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Tiêm vắc xin liên quan đến tính mạng con người nên cần quan tâm chặt chẽ. Khi đã tổ chức tiêm chủng thì các cơ sở phải ghi chép, báo cáo, trường hợp nặng, tử vong thì phải điều tra kỹ xem có liên quan vắc xin hay không".
Theo ông Bình, việc tiêm chủng tại BV huyện Hướng Hóa đã có nhiều sai sót (tiêm ngay tại phòng đẻ, không có tủ bảo quản vắc xin, bỏ chung với các sinh phẩm khác)… những khuyết điểm này phải rút kinh nghiệm, đề nghị chương trình tiêm chủng mở rộng tập huấn, tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Ông Bình cũng lưu ý: "Chất lượng vắc xin cũng cần kiểm tra kỹ, đề phòng trường hợp rủi ro có thể xảy ra".
Lan Ngọc