Động thái mới nhất mà dư luận biết được đến giờ này là Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” đã bỏ trốn.
Điều đáng nói là không phải đến khi cơ quan chức năng khám nhà Vũ “nhôm”, người ta mới chú ý đến nhân vật này. Tôi nhớ không dưới một lần, cử tri, người dân Đà Nẵng đặt câu hỏi với ĐBQH Đà Nẵng, các nhà chức trách của TP về nhân vật Vũ “nhôm”.
Các câu hỏi xoay quanh việc Vũ “nhôm” là ai mà lại có thể thao túng, làm khuynh đảo Đà Nẵng. Đến nay, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi đã xuất hiện từ lâu đó. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, không thể một sớm một chiều Vũ “nhôm” có thể lộng hành được như vậy. Và thời gian càng dài thì Vũ “nhôm” càng làm tha hóa nhiều cán bộ.
Điều đáng buồn là một nhân vật được cử tri và nhân dân “để mắt” từ lâu nhưng lại không được cơ quan chức năng “để ý” khiến nhân vật tai tiếng này biến mất một cách đầy nghi ngờ.
Dư luận lo ngại Vũ “nhôm” không phải là trường hợp cá biệt của riêng TP.Đà Nẵng mà còn nhiều Vũ “nhôm” ở các địa phương khác đang tồn tại nhưng chưa bị bại lộ. Bởi ở đâu đó, người dân, các doanh nghiệp vẫn ì xèo về doanh nghiệp “sân sau”, doanh nghiệp “ruột” của lãnh đạo địa phương. Những phi vụ trúng thầu đầy mờ ám hoặc các dự án được phê duyệt mang đầy tính ưu ái. Đó là những cái bắt tay chỉ vì nhóm lợi ích thân hữu mà thôi.
Trịnh Xuân Thanh cũng từng bỏ trốn trước giờ G và cuối cùng vẫn phải ra đầu thú chịu sự trừng phạt của pháp luật. Vũ “nhôm” sớm hay muộn cũng phải chịu sự phán xét công bằng của luật pháp. Tuy nhiên, việc quan trọng hơn là lúc này là làm gì để các đại gia, để những cái bắt tay giữa doanh nghiệp và chính quyền không kèm theo những thỏa thuận lợi ích hai bên kiểu "ông mất chân giò bà thò chai rượu".
Doanh nghiệp dám can thiệp vào nhân sự, doanh nghiệp dám dọa cách chức giám đốc sở này, sở kia… là có thật. Điều đó cho thấy đã đến lúc cần phải có bàn tay sắt lập lại kỷ cương phép nước, để không xuất hiện thêm một Vũ "nhôm" thứ hai.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả