Tuần trước, Trung Quốc đã công bố chiến lược Bắc Cực chính thức của mình mà trọng tâm trong đó là cam kết xây dựng “Con đường tơ lụa Bắc Cực” trên vùng rìa phía Bắc của Canada.
Động thái của Trung Quốc sẽ lần đầu tiên cho thấy cái nhìn kỹ càng về tham vọng trỗi dậy của quốc gia này tại nhiều điểm nóng trên thế giới.
“Thật thú vị khi họ đã công bố. Chiến lược của Trung Quốc kể từ năm 2008 vẫn luôn được giấu kín và tránh gây ra sự rùm beng thái quá”, Heather Exner-Pirot - chủ bút tờ Arctic Yearbook, nói.
Mặc dù không phải là quốc gia cận cực, nhưng theo tài liệu chính thức được phát hành, Trung Quốc tự nhận mình là một “Nhà nước gần Bắc Cực” và đưa ra những tham vọng trở thành một cường quốc hàng hải lớn trên vùng biển nơi đây.
“Trung Quốc rất coi trọng đối với an ninh hàng hải ở các tuyến đường vận tải biển Bắc Cực”, tài liệu nhấn mạnh.
Theo National Post, chính sách này vốn được lấy cảm hứng từ sáng kiến “Vành đai Con đường” với những nỗ lực mở ra hành lang thương mại, đường giao thông và các thỏa thuận hợp tác Á-Âu.
Với việc Trung Quốc cam kết đầu tư con số hơn 1 nghìn tỷ USD, đây được coi là một trong những chủ trương kinh tế lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Giống như Trung Quốc, các quốc gia không gần cực như Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp cũng phát hành chính sách Bắc Cực chính thức. Tuy nhiên, chính sách của Trung Quốc gây chú ý hơn cả khi táo bạo đề nghị có quyền tự do hoạt động ở Bắc Cực tương tự như Na Uy, Canada và Mỹ.
Trong đó, Bắc Kinh nhấn mạnh đến sự phát triển bền vững, quyền bản địa, bảo vệ động vật hoang dã và sự tôn trọng của luật pháp quốc tế. Trong đó sự hiện diện của Trung Quốc ở Bắc Cực sẽ chào đón sự “chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên”.
Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng khéo léo lưu ý rằng nước này không có chủ quyền lãnh thổ đối với tài nguyên dầu, khí đốt hoặc khoáng sản của khu vực.
“Tôn trọng là cơ sở quan trọng đối với sự tham gia của Trung Quốc trong vấn đề Bắc Cực”, bản tài liệu cho hay.
Theo Joël Plouffe - học giả tại viện Các vấn đề Toàn Cầu ở Canada, tài liệu được viết bằng ngôn ngữ hòa nhã, khiêm tốn của Trung Quốc cho thấy nước này đang cố gắng thể hiện mình là một quốc gia có trách nhiệm trong khu vực và không ham hố tài nguyên.
Tuy nhiên, ông lưu ý vài trang tài liệu là chưa đủ để hiểu về động cơ thực sự của Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng chính sách Bắc Cực của quốc gia tỷ dân vẫn còn “nhiều mục đích và tham vọng hơn”.
Những "vũ khí" trong tay Trung Quốc
Trung Quốc đã từng bước cố gắng để có chỗ đứng ở Bắc Cực ít nhất là từ những năm 1990. Vài năm trở lại đây, đất nước này ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các hội nghị ngoại giao về Bắc Cực.
Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã có tư cách quan sát tại Hội đồng Bắc Cực, một diễn đàn liên Chính phủ giúp giải quyết các vấn đề đang đối mặt ở khu vực này. Tháng 11, Trung Quốc cũng trở thành tiếng nói quan trọng khi ký vào thỏa thuận cấm đánh bắt cá thương mại trong vùng biển quốc tế ở Bắc Cực.
Song song với các hoạt động trên, Trung Quốc không ngại ngần bổ sung các tàu phá băng mới vào đội tàu ở vùng cực, mặc dù còn thiếu tàu phục vụ ở các cảng đóng băng trong nước.
Trong năm 2016, hải quân Trung Quốc cho ra mắt tàu tuần tra băng đầu tiên. Trung Quốc cũng có Xuelong (Tuyết Long), một tàu phá băng hạng nặng sử dụng cho mục đích nghiên cứu. Năm tới, một xưởng đóng tàu Thượng Hải sẽ ra mắt Xuelong-2.
Mùa hè năm ngoái, Xuelong trở thành tàu chính thức đầu tiên của Trung Quốc đi qua Hành lang Tây Bắc của Canada. Đáng chú ý, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu sự cho phép của Canada trước khi thực hiện cuộc hành trình.
Điều này trái ngược hẳn với quan điểm của Mỹ, trong đó khẳng định Hành lang Tây Bắc là một eo biển quốc tế có thể tự do đi qua mà không cần Ottawa cho phép.
Tuy nhiên, chính sách Bắc Cực mới của Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, một dấu hiệu tiềm năng cho thấy, Bắc Kinh đang ủng hộ lập trường của Mỹ rằng: Canada không có quyền kiểm soát đơn phương Hành lang Tây Bắc.
Bắt tay và dè chừng
Bất chấp tình trạng đóng băng quanh năm và thời tiết khắc nghiệt, Bắc Cực vẫn là tụ điểm tập trung “nghìn tỷ đô la” cho mục đích khai thác tài nguyên và thương mại trên thế giới. Nhiều quốc gia bắt đầu nhăm nhe đến vùng đất băng giá phía Bắc quả địa cầu để cố gắng chiếm lĩnh tầm ảnh hưởng.
Sự chật chội ngày càng tăng cũng khiến cho sự có mặt mới nhất của Trung Quốc không phải ai cũng chào đón. Mặc dù vậy, Bắc Cực đã được chứng minh là một nơi khá lịch sự để tiến hành các chính sách ngoại giao.
Đầu năm nay, Hội đồng Bắc Cực đã được cân nhắc đề cử cho giải Nobel Hòa bình. Trong thời điểm những hạn chế về khoa học công nghệ khiến cho các nước chưa thể tận thu lợi ích ở Bắc Cực, các quốc gia không còn cách nào khác ngoài việc vừa bắt tay vừa dè chừng nhau.