Theo các chuyên gia, thực tế tình trạng buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng phức tạp với số lượng lớn, từ loại thuốc phổ biến thông thường (như kháng sinh, cảm cúm) đến loại đặc trị (như ung thư, tim mạch).
Thống kê của WHO, đã có sự bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu. Thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới với doanh thu 45 tỉ euro/năm, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả.
Tại Việt Nam, theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, năm 2011, trong số hơn 31.000 mẫu thuốc được kiểm tra gần đây thì đã có hơn 1.000 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng như nhiễm khuẩn, không đủ độ hòa tan, không đủ định lượng.
Thuốc giả trôi nổi trên thị trường bị bắt giữ. (Ảnh: internet)
Tại TP.HCM qua thanh tra công tác hành nghề y-dược-mỹ phẩm năm 2011 trên địa bàn TP đã phát hiện 808 cơ sở, trong đó hơn 50% là lĩnh vực dược vi phạm các hành vi như: kinh doanh thuốc quá hạn sử dụng, không nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh phóng xạ-vô khuẩn…
Nguồn tin từ Bộ Y tế cũng cho biết, trong hơn 10 ngày đầu tháng 2/2012, hầu như ngày nào Bộ cũng phát hiện thuốc dỏm, thuốc kém chất lượng.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã liên tục phát lệnh đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy hàng loạt thuốc giả, thuốc kém chất lượng, đồng thời ban hành đình chỉ lưu hành, rút số đăng ký cả trăm loại thuốc khác nhau. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn diễn ra tràn lan và ngày càng tinh vi. Bên cạnh những giải pháp mạnh tay của các cơ quan chức năng, có lẽ những người bệnh chỉ còn biết trông chờ vào lương tâm, y đức của những người kinh doanh mặt hàng lien quan trực tiếp đến sinh mạng con người này.
Nói về tác hại của việc dùng thuốc dỏm, thuốc kém chất lượng, trao đổi trên Dantri, PGS. TS Trương Văn Tuấn- phó chủ tịch Hội Dược học TPHCM, cho biết: Thuốc giả gây ra tác hại lớn cho sức khỏe người bệnh như phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, dễ kháng thuốc. Nguy hiểm hơn, thuốc giả còn gây ra tình trạng vô hiệu các giải pháp điều trị để cứu sống người bệnh.
Hồng Thanh