“Công nhân đàn” là cách gọi vui mà giới nhạc công tự nhận khi được hỏi về mình. Họ là những người được học hành bài bản tại các trường chuyên nghiệp: Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Học viện Âm nhạc Quốc gia… Ban ngày họ là những nhân viên mẫn cán ở các nhà văn hóa, đoàn văn công hoặc giảng dạy tại các trường nghệ thuật. Buổi tối họ sẽ đi làm thêm bằng cách họp nhau lại và lập nên một ban nhạc chơi cho các khách sạn, câu lạc bộ lớn: Fotuna, Daiwoo, Hale club… Số còn lại là lớp nhạc công tự do (nhạc công nghiệp dư) phần lớn là sinh viên các trường đại học và những người chơi khá.
Nhạc công ghép bài cùng ca sĩ trước giờ biểu diễn
Cũng tùy nơi thuê nhạc công mà đẳng cấp cũng được vạch ra. Đối với những ban nhạc chơi ở những tụ điểm lớn thường là các khách sạn sang trọng: Fotuna, Daiwoo, sofitel… còn lại những nhạc công bình dân thì tạm bằng lòng với các tụ điểm nhỏ hoặc các quán cà phê ca nhạc phục vụ cho sinh viên. Ở các khách sạn lớn luôn có từ 1 - 2 ban nhạc “ruột” để thay nhau phục vụ vào tất cả các buổi tối trong tuần. Trưởng ban là người đứng ra lo toàn bộ công việc liên quan đến ban nhạc: Lên chương trình, lo ca sỹ, lương, sắp xếp lịch làm việc… Đối với các tụ điểm nhỏ thường chỉ cần một vài tay đàn cơ bản nên chủ quán kiêm luôn việc điều phối hoạt động trên sân khấu.
Anh Vũ là một nhạc công tại khách sạn Foutuna (Láng Hạ, Hà Nội). Anh cho biết mình đang thuộc quân số của đoàn ca múa nhạc Thăng Long. Tính đến nay Vũ đã làm thêm ở khách sạn này đã 4 năm và có khá nhiều mối quan hệ với các đồng nghiệp.
Anh Vũ cho biết chỉ cần nhìn vào sự xuất hiện của các thành viên trong một ban nhạc có đầy đủ hay không là biết được đẳng cấp của quán thế nào. Đối với các tụ điểm đẳng cấp cao thì ban nhạc đủ cả cây chơi live bao gồm: 1 bass, 1 guitar, 1drum, 2 keyboard. Đối với những tụ điểm bình dân hơn như quán café Cuối Ngõ (Cầu Giấy), Hà Nội em và tôi (Hồ Đắc Di), Vọng (Phố Vọng)… do quy mô nhỏ nên nguồn tài chính để chi phí cũng hạn hẹp hơn. Tại những nơi này quán này chỉ cần 1 keyboad, 1 ca sỹ hoặc phổ biến nhất là 1 guitar, 1violon nhạc Trịnh, nhạc mới hoặc vài bài cổ điển hòa tấu.
Một nguồn nữa là từ các mối quan hệ với MC chuyên đi dẫn tiệc cưới. Cùng với MC là đội ngũ các ca sỹ, nhạc công… hoạt động theo hình thức là một ekip chuyên đi nhận xô diễn tại các đám tiệc.
Do tính chất công việc nên sự thay đổi ban nhạc, ca sỹ cũng thường xảy ra. “Đôi khi những người làm nghề như chúng tôi cũng có chút ghen tỵ đối với các ca sỹ cùng ê kíp bởi một buổi tối họ có thể chạy sô 2, 3 tụ điểm nhưng người nhạc công phải biểu diễn từ đầu buổi đến cuối buổi nên thu nhập vì thế cũng thấp hơn. Khoảng 200 - 250 nghìn/đêm đối với những nhạc công chuyên nghiệp và 80 - 120 nghìn/đêm đối với những nhạc công bình dân. So với Sài Gòn thì ở Hà Nội không phổ biến hình thức “boa” thêm cho nhạc công mà dân trong nghề quen gọi đó là tiền tips. Nếu có thì người ta chỉ tips cho ca sỹ chứ ít ai nghĩ đến nhạc công bọn mình”, Minh Ngọc hài hước nói thêm.
Đối với những nhạc công chuyên nghiệp thì họ có những thuận lợi khi chủ động chuẩn bị công việc của mình như: Ban ngày mang bài về nhà nghe, buổi chiều sẽ sắp xếp công việc để ghép với ban nhạc và ghép với ca sỹ vào sát giờ diễn. Các chương trình thường được lên sẵn kịch bản tuy nhiên cũng không tránh khỏi việc khán giả yêu cầu hát bài hát ngoài chương trình. Đ
ối phó với những trường hợp này anh Vũ bật mí: “Không phải trường hợp nào yêu cầu cũng đáp ứng. Làm nghề phục vụ như bọn mình luôn phải cố gắng vừa làm chủ sân khấu lại vừa phải biết khéo léo để né đi những bài khách yêu cầu mà không có sự chuẩn bị trước bởi những trường hợp phát sinh rất dễ gặp sự cố.
Với những nhạc công tự do đánh ở quán nhỏ thì họ lại phải đối mặt với thực tế là sự thay ngôi đổi chủ diễn ra như cơm bữa. Nếu chủ quán thuê được người khác với giá thấp hơn mình thì việc sa thải cũng là điều “tất lẽ dĩ ngẫu”.
Phạm Huấn, một nhạc công khác của quán P.V (Khu ĐH Bách Khoa Hà Nội) cũng tiết lộ: Có khi quán sập tiệm đồng nghĩa là mình mất việc. Xô bồ hơn là những nhóm nhạc chuyên nhận ở các tiệc cưới. Thù lao của nhóm này khá bèo bọt (khoảng 60 – 150 ngàn/bài) chưa kể đến việc phải để lại hoa hồng cho người giới thiệu, thường là 10 - 20% của thù lao.
Đôi khi thấy chạnh lòng Minh Dũng, một nhạc công chuyên đi đệm nhạc thuê cho các tiệc cưới tâm sự: “Hồi mới làm, thấy người ta ăn uống, cười nói rổn rảng bên dưới mình cũng thấy chạnh lòng nhưng mãi rồi cũng thành quen. Chỉ ngại nhất có những người bia rượu quá chén chạy lên sân khấu thử làm ca sỹ khiến bao phen nhạc công không biết nên đánh thế nào cho phải” |
Tuệ Linh