Vừa qua, tại một hội nghị về khắc phục ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu thực trạng: Hiện, Hà Nội có khoảng 1.400 Cảnh sát giao thông (CSGT). Nhưng dù áp dụng các biện pháp đa dạng, tung hết lực lượng, tăng cường thêm nhân lực hỗ trợ, thì lực lượng đảm bảo an toàn giao thông của Hà Nội vẫn thiếu trầm trọng.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Công an TP. Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác phân luồng, xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn, theo ông, để đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc trong dịp Tết sắp tới, những yếu tố nào là quan trọng nhất?
Đây là sự quan tâm chung của toàn xã hội chứ không chỉ riêng Hà Nội. Nếu hạ tầng không được cải thiện, mật độ phương tiện giao thông gia tăng về mặt cơ học, thì đây là bài toán khó. Hà Nội là nơi tập trung đông dân cư, dễ dẫn đến ùn tắc có thể kéo dài. Nếu không dự báo, có biện pháp cụ thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân.
Người tham gia giao thông nếu không có việc cần kíp thì nên tránh các khung giờ cao điểm, nhất là ở một số tuyến đường độc đạo từ ngoại thành vào nội thành. Thêm nữa, ý thức của người tham gia giao thông khi không chấp hành luật lệ là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc không đáng có.
Do vậy, người dân cần tuyệt đối tuân thủ quy tắc giao thông, đi đúng làn đường, phần đường quy định, chấp hành sự phân luồng của các lực lượng chức năng. Không vì vội một chút xíu mà gây cản trở cho người khác, càng làm ùn tắc thêm.
Trong dịp lễ, Tết rất cần tăng cường thêm lực lượng, kể cả huy động lực lượng sinh viên tình nguyện cho những nút giao chưa có đèn tín hiệu. Như vậy sẽ rất hiệu quả cho việc phân luồng, giảm ùn tắc.
Tôi nghĩ, các biện pháp phải thực hiện đồng bộ, không nên chỉ trông chờ vào lực lượng CSGT. Quan trọng nhất là mỗi người cần có tự trọng khi tham gia giao thông, tức là phải tôn trọng các luật lệ giao thông cơ bản, đáp ứng mong muốn tránh ùn tắc đáng tiếc.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, lực lượng CSGT trên địa bàn đang thiếu trầm trọng. Ông có suy nghĩ thế nào về điều này?
Nếu tính trên bình quân đầu người so với mặt bằng chung của thế giới thì đúng là lực lượng CSGT Hà Nội đang rất thiếu. Thêm vào đó, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được gia tăng cơ học. Sinh viên tốt nghiệp đại học quay lại địa phương rất ít mà hầu như ở lại Hà Nội tiếp tục công tác. Dân số thực sự của Hà Nội và dân số trên lý thuyết khác nhau nhiều.
Tôi thấy nhận định của Chủ tịch TP. Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn. Trong khi chưa thể đáp ứng kịp thời vì nhân sự còn liên quan đến ngân sách, công tác tổ chức cán bộ, thì cần đẩy mạnh các giải pháp, để cả xã hội vào cuộc như tôi đã nói ở trên. Nếu người dân không tự giác chấp hành, cố tình vi phạm thì phải xử phạt nghiêm. Bởi việc ùn tắc giao thông dễ dẫn đến tai nạn không đáng có.
Nhiều năm làm công tác an ninh của thành phố, tôi nghĩ Chủ tịch Nguyễn Đức Chung quá thấu hiểu vấn đề giao thông Thủ đô. Tôi rất đồng thuận với ý kiến của Chủ tịch.
Có ý kiến cho rằng, ở một số thành phố như Đà Nẵng, dù lực lượng giao thông vắng bóng trên đường nhưng việc ùn tắc cũng không ám ảnh như ở Hà Nội. Nếu Hà Nội không thay đổi hạ tầng mà "tung" thêm lực lượng liệu có hiệu quả?
Tôi nghĩ, dù lực lượng CSGT có tăng thêm quân số vài nghìn người nữa mà hạ tầng không thay đổi, phương tiện giao thông gia tăng thì không giảm được ùn tắc.
Do vậy, tôi nhấn mạnh lại, song song với việc tăng cường lực lượng thì ý thức tham gia giao thông của người dân và hạ tầng phải được cải thiện. Tôi tin rằng, các lãnh đạo cũng như nhà khoa học sẽ có những phương án cụ thể, ví dụ như di chuyển bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại ra khỏi khu trung tâm…
Nếu chung cư vẫn không ngừng mọc lên, hạ tầng không thay đổi, xe cá nhân ngày một gia tăng thì không giải quyết được vấn đề ùn tắc.
Khi hạ tầng thay đổi tốt lên, các phương tiện công cộng phục vụ tốt lên, người dân sẽ tự có ý thức hạn chế dùng xe cá nhân, điều đó góp phần rất lớn giảm thiểu ùn tắc cho nội đô.
Điều đó có nghĩa người dân phải hết sức chia sẻ với lực lượng CSGT qua việc nâng cao ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông, thưa ông?
Đúng vậy, tôn trọng CSGT cũng chính là tôn trọng pháp luật. Người dân phải nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông. CSGT có thể phải gồng mình lên với 200% sức lao động để đảm bảo an toàn và giảm thiểu ùn tắc cho người tham gia giao thông. Bởi vậy mong rằng, trong dịp cuối năm này, bình yên trên các tuyến phố sẽ được giữ vững, ùn tắc giảm thiểu tối đa. Khi người dân tham gia giao thông an toàn cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với gia đình và xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Dương Thu (thực hiện)