Liên quan đến vấn đề CSGT có quyền mời lái xe hoặc chủ phương tiện gây ách tắc, cản trở giao thông lên làm việc hay không, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với Đại tá Đỗ Văn Huyền, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (PC67) Công an tỉnh Bắc Giang để hiểu rõ hơn về những quy định này.
Theo Đại tá Huyền, cảnh sát giao thông chỉ xử lý những hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đến mức phải xử lý hành chính, còn nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển cơ quan điều tra.
“Với những hành vi cố tình gây ách tắc, cản trở giao thông thì phòng Cảnh sát Giao thông có thể gửi giấy mời tài xế lên làm việc để giải thích, nhắc nhở, yêu cầu họ không vi phạm. Chứ cũng không có quyền cưỡng chế họ”, Đại tá Huyền nói.
Trên thực tế, tại một số tỉnh thì Cảnh sát Giao thông đã phối hợp với lực lượng cảnh sát hình sự hoặc công an phụ trách địa bàn để giải tỏa ách tắc ở khu vực các trạm BOT, đồng thời đã mời những người có hành vi cố tình cản trở, gây ách tắc giao thông lên làm việc.
Trưởng phòng PC67 Công an tỉnh Bắc Giang phân tích thêm: “Nếu anh cố tình có hành vi quá khích hoặc hành vi cản trở nghiêm trọng đến mức phải xử lý hành chính thì sẽ xử lý hành chính và nếu anh tiếp tục tái phạm, đến mức phải xử lý hình sự thì mới xử lý hình sự. Những hành vi về cản trở, gây rối trật tự công cộng thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan điều tra. Nếu anh gây rối trật tự công cộng mà đến mức phải xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự thì lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội sẽ xử lý theo quy định”.
C.Công