Ông Huỳnh Văn Thanh, chuyên gia dược liệu của ĐH Y dược TP.HCM cho biết, loại cây ấu Tàu thường phân bố ở một số vùng cao biên giới của Việt Nam như Lào Cai, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… Trước đây, người ta chỉ thấy loại củ này chỉ xuất hiện ở một số phiên chợ vùng cao và người dân tự mách nhau đây là vị thuốc quý nên nhiều người mua về rồi cứ thế tự ngâm rượu uống, nấu cháo với thịt hay ninh với xương.
Củ ấu Tàu được bày bán rất nhiều ở TP. HCM
Đồn thổi công dụng chữa bách bệnh
Trên nhiều tuyến đường tại TP. HCM như Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), quốc lộ 1A đi qua quận Thủ Đức, đường Đinh Bộ Lĩnh, Hoàng Văn Thụ (quận Bình Thạnh)… các loại rượu Ấu Tàu được đóng thành những hũ lớn nhỏ khác nhau bày bán tại các cửa hàng. Ở một số quán nhậu các chai rượu ngâm củ ấu Tàu được trưng bày ngang hàng với một số loại rượu khác. Mỗi bình rượu ấu Tàu rẻ nhất cũng có giá từ vài chục ngàn, đắt lên đến cả triệu đồng tùy theo chai lớn hay chai nhỏ.
Không rõ công dụng của củ ấu Tàu, nhưng hiện nhiều người dân tại TP.HCM vì nghe theo lời đồn thổi đây là “thần dược” chữa bách bệnh nên đã vội vàng mua về tự chế theo những phương pháp thủ công để sử dụng. Nhiều người sẵn dịp lên vùng cao công tác hay đi du lịch đã không ngại ngần tậu về hàng chục kg củ ấu Tàu mang về thành phố vừa để nhà dùng vừa làm quá biếu.
Anh Phạm Văn Khoa (34 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), cho hay: “Không rõ lấy thông tin từ đâu, nhưng nhiều người tự khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng củ ấu Tàu không chỉ ngâm rượu để xoa bóp mà đây còn là một món ăn lạ miệng được nhiều người ưa chuộng”.
Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi được nhiều người kể lại rằng, củ ấu Tàu là “thần dược” bổ dưỡng. Người ốm yếu, suy dinh dưỡng ăn củ ấu Tàu này vào sẽ trở nên khỏe mạnh và da dẻ sẽ hồng hào hơn. Vào mùa đông, với tiết trời se lạnh, nếu có bát canh ấu Tàu nấu nhừ thì sẽ ấm cả người. Chị Hoàng Thị Hiền (ngụ quận 5), chia sẻ: “Món canh ấu Tàu nấu nhừ rất tốt cho phụ nữ vừa mới sinh, nhờ vị thuốc này các bà mẹ sẽ nhanh chóng khỏe mạnh và có nhiều sữa cho con bú.
Ngoài ra, chúng tôi còn được biết, củ ấu Tàu tươi vừa mới thu hoạch xong đem nấu sẽ giữ được mùi thơm và không bị mất các chất bổ. Trừ trường hợp nhiều quá không thể dùng hết người ta mới đem phơi khô để cất. Một khi đã phơi khô thì giữ được rất lâu, ít nhất là vài năm. Anh Trần Thế Thông (ngụ quận Thủ Đức), giãi bày: “Củ ấu Tàu chỉ được trồng trên vùng núi cao, có khí hậu mát mẻ, khoảng 2 năm mới cho thu hoạch một lần, đây là một loại củ vừa có giá trị về mặt y học vừa có giá trị về kinh tế. Mỗi một cân củ ấu Tàu tươi có giá cả trăm ngàn đồng. Cả nhà tôi vẫn thường dùng rượu ngâm ấu Tàu để xoa bóp chân tay khi nhức mỏi và xoa vết thương bị bầm tím. Loại rượu này rất công hiệu, nếu ai bị đau khớp dùng thường xuyên sẽ nhanh lành”.
Theo nhiều chuyên gia dược liệu, củ ấu Tàu là một vị thuốc được giới Đông y thường dùng, nó có tên gọi là Ô đầu để chữa nhức mỏi, tê bại, co quắp nhưng là loại thuốc cực kì độc nên trong quá trình sử dụng phải rất cẩn thận, chỉ xoa bóp bề ngoài nhưng chỉ được dùng với liều lượng nhỏ và phải theo sự chỉ định của thầy thuốc. Thế nhưng, có nhiều người đã lầm tưởng đây là một vị thuốc bổ cho phép mình uống quá nhiều nên đã xảy ra một số vụ ngộ độc, thậm chí là tử vong. Điều đáng nói, sự cố này không chỉ xảy ra ở vùng sâu, vùng xa mà lại xuất hiện phổ biến ngay tại TP.HCM nơi được mệnh danh là một trong hai thành phố lớn của cả nước vừa có điều kiên tiếp cận với kiến thức và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Vì thiếu thông tin về y học rất nhiều người đã xem củ ấu Tàu như một bài thuốc “thần dược” để rồi sau khi sử dụng đã xảy ra những câu chuyện đáng tiếc.
Củ ấu Tàu cực độc
Theo các tài liệu y học dân tộc, củ ấu Tàu có vị cay tê, tính rất nóng, rất độc, có tác dụng trợ dương bổ hỏa, trừ phong hàn, táo thấp. Trong Đông y, củ ấu Tàu được dùng để chữa các chứng phong tê, chân tay nhức mỏi, tê bại... Tuy nhiên, điều cần chú ý là củ ấu Tàu rất độc. Thành phần hóa học của ấu Tàu chủ yếu là aconitin, một ancaloit có độc tính cao, thuộc loại thuốc độc bảng A. Độc tính của aconitin rất mạnh: Chỉ cần một liều 0,02 – 0,05mg cho 1kg thể trọng là có thể gây chết người. Do cực độc nên trước đây một số người đã dùng nước của loại củ này tẩm vào đầu mũi tên khi săn thú rừng, kể cả voi. Tuyệt đối không được uống rượu ngâm ô đầu, hoặc nấu cháo ăn sẽ bị ngộ độc chết người.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Đức Định, trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E Trung ương, cho biết: “Nguy cơ bị ngộ độc thường là trong những trường hợp tưởng rượu xoa bóp là rượu thuốc mà uống nhầm, trẻ em lấy uống, dùng quá liều chỉ định của thầy thuốc. Nếu món ăn có củ Ấu Tàu chế biến chưa đúng cách sẽ gây ngộ độc. Sau khi ăn, aconitin ngấm rất nhanh qua niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu gây nên các triệu chứng tê miệng lưỡi, nói khó, tê mỏi chân tay, chuột rút, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, loạn nhịp tim, hạ huyết áp… Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong”.
Cách đây không lâu nhiều người dân đã hết sức hoang mang trước sự việc anh Nguyễn V.C. ở Lâm Đồng bị ngộ độc nặng do uống thang thuốc Nam có chứa một loại thuốc có tính độc rất mạnh với tên gọi là củ ấu Tàu. Theo người nhà bệnh nhân cho biết, anh C. đã uống thuốc này được xay thành bột có màu như bột ca cao do một người bạn ở Đà Lạt tặng dùng để chữa trị bệnh nhức mỏi. Sau khi pha thuốc uống được khoảng 30 phút thì anh C. thấy khó thở và loạn nhịp tim. Thấy nguy cấp, gia đình đã đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, ông C. đã không qua khỏi và tử vong ngay sau khi nhập viện. Bên cạnh đó, tại nhiều vùng khác nhau trên cả nước đã xảy ra những vụ ngộ độc và chết người đáng tiếc do không hiểu hết công dụng của củ ấu Tàu.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, muốn khẳng định tác dụng của một loại đồ ăn hay thức uống nào đó, có lợi hay có hại cho sức khỏe của con người cần phải thông qua sự đánh giá, nghiên cứu khoa học trên một nhóm người thì mới có thể khẳng định được. Còn việc nhiều người dân tự đồn thổi tác dụng của củ ấu Tàu và thậm chí còn tự chế ra công thức để làm rượu ấu Tàu bằng phương pháp thủ công là vô căn cứ. Do đó, khi ta dùng sản phẩm chưa rõ nguồn gốc cần thận trọng, không khéo tiền mất tật mang.
Toàn thân cây ấu Tàu đều có độc Cây ấu Tàu thường có hai củ, một củ lớn (rễ mẹ) mang cây đang có hoa và một củ nhỏ (rễ phụ) sẽ phát triển khi cây tàn. Trong dược thư Việt Nam, củ nhỏ được gọi là Phụ tử, còn củ lớn được gọi là Ô đầu. Phụ tử có độc tính kém hơn Ô đầu. Ô đầu là cây thuốc có độc, tất cả các phần của cây đều chứa chất gây độc, nhiều nhất là ở củ. |
Quyên Triệu