Tuổi thơ cay đắng
Cụ Hoàng Thị Mưu hiện đang sống tại xóm 6, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Cụ không hề hay biết quê quán hay anh em họ hàng của mình ở đâu bởi tuổi thơ của cụ đầy những bất hạnh. Cụ bị cha mẹ vứt bỏ ở đầu chợ làng khi mới được sinh ra được vài ngày. Khi ấy, trên người cụ chỉ có tấm vải mỏng che thân. Cứ vậy hết gia đình này rồi đến gia đình khác nhận cụ về nuôi rồi làm con ở trong nhà.
Đầu tiên là một gia đình không con nhận về làm con nuôi. Nhưng đến năm 7 tuổi cô bé Mưu phải chịu cảnh mồ côi vì bố mẹ nuôi bị mất do dịch bệnh hoành hành. Gần 1 tháng sau, cô bé Mưu may mắn lại được một người đàn bà góa chồng, mang về nuôi. Hàng ngày 2 mẹ con đi mò cua, bắt tép và sống với nhau rất hạnh phúc suốt 3 năm trời. Thế nhưng người đàn bà bạc phận đó đã ra đi đột ngột để lại cô bé bất hạnh một mình trong căn nhà tồi tàn.
Dù cả đời không ăn thịt cá nhưng cụ vẫn khỏe mạnh.
Năm 1918, cô bé Mưu bị một nhà địa chủ ở huyện Diễn Châu bắt về làm đầy tớ. Công việc suốt ngày của cụ lúc bấy giờ chỉ đi cắt cỏ cho trâu, bò và đi cấy. Sau những giờ làm việc vất vả cô bé chỉ được ăn đồ thừa của gia chủ, có khi là bát cơm nguội từ mấy ngày trước. Sau đó cô bé Mưu lại bị bán cho một nhà địa chủ khác trong huyện.
Tại nhà địa chủ mới, tên Cao Xuân Dục, cô bé vẫn không thoát khỏi bi kịch, hàng ngày cô bé phải làm việc liên tục, giống như con trâu, con ngựa trong nhà. Mãi đến sau Cách mạng tháng 8 (năm tròn 40 tuổi), người con gái địa chủ thấy cô bé Mưu làm việc chăm chỉ, tốt tính nên đã xin cha mai mối, kết duyên với anh thợ cày thông minh, hiền lành tên là Hoàng Công Đệ (chồng cụ sau này).
Ông bà đến với nhau do mai mối, tưởng chừng hạnh phúc sẽ mỉm cười nhưng hai đứa con nhỏ đầu tiên đã bị chết do nạn đói kinh hoàng năm đó. Với hy vọng số phận sẽ thay đổi khi có những đứa con nên ông bà đã quyết định sinh hạ những đứa con khác. Và rồi 4 người con lần lượt ra đời trước hạnh phúc của ông bà.
20 năm sau, khi trên đầu tóc đã điểm bạc, vợ chồng bà Mưu lại nghẹn ngào tiễn đứa con trai lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ngày con ra trận, hàng đêm ông bà thức trắng, chắp tay khấn lạy tổ tiên và thần phật cho con bình an, hòa bình lập lại còn sống sót trở về. Thế nhưng, số phận dường như đã an bài, vào một buổi chiều năm 1972, trời mưa tầm tã, tiếng sấm chớp hòa lẫn với tiếng bom đạn ầm ĩ, một người lính đã mang đến cho ông bà hung tin: "Liệt sĩ Hoàng Công Tuân, đã hi sinh tại chiến trường miền Nam". Niềm mong ước có đứa con nối dõi tông đường đã dập tắt khi người con trai duy nhất của ông bà đã ra đi không một lời từ biệt.
Hiện nay cụ Mưu đang sống tại nhà cô con gái út của mình. Mặc dù hằng ngày con cháu dọn thịt cá cho nhưng cụ không bao giờ ăn, nhiều khi con ép quá cụ cũng chỉ nhúng đũa rồi bỏ đó. Đề cập đến chuyện sống ở nhờ nhà con rể, cụ Mưu rầu rĩ: "Là người sống lâu năm nhất nhì trên khắp đất nước, nhưng cuộc đời tôi chưa một lần được thảnh thơi. Tuổi thơ nghiệt ngã, bị bố mẹ vứt ở chợ, không có ai thân thích. Lớn lên đi làm đầy tờ, làm ôsin, bị đày đọa phục vụ cho các nhà giàu. Đến khi được làm mẹ, niềm vui chưa được bao lâu thì lần lượt phải tiễn chồng, con cái ra đi. Lúc về già, con gái lấy chồng, sống neo đơn, buồn bã nên tui đành ngậm ngùi đi ở nhờ nhà con rể!”. Cũng nhục thật đó nhưng đời mà, chữ đời được bà nói cách chua xót.
Giấy tờ chứng minh năm sinh của cụ bà
Chỉ ăn muối vừng vì "sướng không quen"
Thức ăn nuôi sống cụ hằng ngày chỉ là lọ muối trắng trộn vừng mà cụ tự làm cho mình. Như để chứng minh điều đó, bà Hoàng Thị Tư, người con gái út của cụ đã chỉ tay vào cái túi vừng treo trên nhà để dự trữ cho cụ làm món muối vừng. Trước kia sống khổ quen rồi, lúc đó đến cơm nguội cũng không có mà ăn, lâu dần thành quen. Nên giờ mỗi bữa ăn tuy có thịt hay cá nhưng tôi vẫn không hề động đũa, mà cũng không thấy thèm gì cả, cụ Mưu tâm sự. Cũng có lần cụ bà thử ăn miếng cá nhưng mấy ngày sau đó cụ đã bị tiêu chảy nên cụ đành phải từ bỏ ngay. Mỗi ngày cụ chỉ ăn lưng bát cơm với lọ muối lạc vừng do chính tay mình làm.
Lý giải điều thú vị trên, cụ Mưu chia sẻ thêm: "Ngày xưa nghèo khó, tôi bị bắt đi làm đầy tớ, phải làm lụng tối ngày còn khốn khổ hơn con vật thì lấy đâu cơm mà ăn, huống chi là cá, thịt. Ở với bố mẹ nuôi tốt tính thì không có mà ăn; ở với nhà giàu, nhà địa chủ thì bị đánh đập, ép làm việc liên tục suốt ngày nên không được ăn uống cũng thành quen. Cứ lúc nào đói, tôi lại vặt tạm mấy cọng rau, bới củ khoai ăn lót dạ hay chạy xuống bếp xem có hạt cơm nguội nào thừa không để bỏ bụng cho đỡ đói thôi. Cho đến khi đến ở nhờ nhà con gái, lúc nghèo cũng như lúc giàu có, không để con cái bận lòng, tôi vẫn chỉ ăn cơm với muối lạc, muối vừng, ăn cho đến bây giờ nên thành thói quen không thể bỏ được”.
Cụ Mưu cho biết rằng, sinh ra, cụ cũng là một con người nhưng tuổi thơ bị hành xử không khác gì là con vật. Có lần, sơ ý làm vỡ cái bát cơm, nhà địa chủ đã cho người lôi cụ ra đánh đập rồi nhốt cụ vào một chuồng lợn ở 2 ngày mới tha. Nhiều lần cụ ngồi thu mình lại, khóc và tự hỏi rằng: "Mình là con người hay là con vật? Sao mình cũng như nó?". Vì vậy, với cụ sát sinh con vật là sát sinh bản thân mình. Hơn thế, cụ là một người tín ngưỡng phật, hay đi lễ chùa và sống có đức hạnh. Hàng đêm cụ thường chắp tay lạy Phật cho linh hồn người chồng mà cụ hằng cung phụng, và đứa con trai xấu số được siêu thoát. Cụ luôn tâm niệm không bao giờ được sát sinh, phải ăn chay, tìm đến cửa Phật và làm thật nhiều điều phúc hậu cho cuộc đời. Do vậy, cho đến bây giờ cụ bà vẫn luôn giữ đúng lời thề của mình.
Lọ muối lạc vừng đã nuôi sống cụ Mưu.
Một điều đặc biệt nữa là cụ Mưu chỉ uống nước lạnh ngoài giếng chứ không bao giờ uống nước chè do con cháu nấu. Ngày còn khỏe mạnh, cứ mỗi khi ăn cơm cơm xong là cụ Mưu lại ra giếng làm ngụm nước lạnh tráng miệng chứ không bao giờ dùng đến nước sôi. Cụ hóm hỉnh: "Chắc cái bụng của tôi chỉ hợp với việc ăn khổ thôi, giờ muốn sướng một chút nhưng cũng đành chịu”. Kể cả bây giờ, sức khỏe đã yếu nhưng cụ vẫn uống nước lạnh và xem đó là thức uống duy nhất của cuộc đời.
"Mẹ tôi hiện giờ là người sống thọ nhất ở cái làng này đấy (107 tuổi). Tuy chỉ ăn uống như vậy nhưng cụ hầu như rất ít bị bệnh. Trừ những khi trái gió trở trời nên tuổi già hay đau nhức thì cụ mới chịu nằm một chỗ, còn không lại loay hoay làm những việc vặt trong gia đình giúp con cháu”, bà Hoàng Thị Tư cho hay. Lúc chúng tôi đang trò chuyện với bà Tư thì cụ Mưu một mình ngồi ngoài sân phơi lạc giữa trời nắng chang chang. Nhiều lần con cháu gọi vào nhưng cụ không chịu, có khi còn quát lên bởi không cho cụ làm việc. Thói quen siêng năng làm việc từ nhỏ đã ăn sâu vào cụ cho nên mỗi khi rảnh rỗi không được làm gì là cụ lại cảm thấy ngứa ngáy chân tay.
Ông Phạm Xuân Hòa, một người hàng xóm của cụ Mưu cho biết, đúng là cụ Mưu có một cách ăn và sinh hoạt rất kỳ lạ. Cụ chỉ ăn cơm và muốn vừng, ai cho cái gì cũng không ăn. Vì sự khác người đó nên cụ trở nên nổi tiếng ở cái vùng này. Thậm chí nhiều người cũng tìm đến học hỏi bí quyết mong được sống thọ như cụ.
Kim Long - Hà Hằng