Ngôi nhà độc nhất vô nhị
Cụ tên là Huỳnh Hộ (SN 1932), ngụ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). 30 năm qua, người dân nơi đây đã quen với hình ảnh ông cụ kéo xe bò luôn chở những viên gạch, hòn đá về nhà. Cùng với thời gian, người dân địa phương nhìn thấy một ngôi nhà đang được ông cụ xây dựng.
Cụ Huỳnh Hộ đang đọc báo ĐS&PL
Anh Quang, hàng xóm của cụ Hộ cho biết: “Ban đầu tôi cứ tưởng ông cụ lấy gạch, đá về để đổ lên khu đất trống phía sau ngôi nhà gỗ cho đỡ ẩm ướt. Chỉ đến khi tôi thấy trên chiếc xe bò của ông cụ còn có những cột bê tông, sắt và cả xi măng thì lúc đó tôi và bà con dân phố mới biết ông cụ tự xây nhà. Ông cụ đã góp gạch, đá xây nhà suốt 30 năm qua”.
Ngôi nhà tự xây của cụ Hộ độc đáo tới mức ai đi qua cũng phải ngước nhìn. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu vừa cổ điển lại vừa hiện đại. Cách “thiết kế” của ngôi nhà cũng chẳng giống ai, chỗ cao, chỗ thấp, gạch, đá đan xen lồi lõm trên những bức tường đã cũ kĩ qua thời gian.
Cụ Hộ vui vẻ dẫn chúng tôi đi tham quan ngôi nhà của mình. Đó là một ngôi nhà 2 tầng đổ mái bằng với những bức tường để nguyên lớp gạch xây thô. Khi chúng tôi thắc mắc về sự an toàn của ngôi nhà, cụ Hộ nói chắc như định đóng cột: “Các trụ của tầng hầm này tôi đổ bê tông và ở trong đều có sắt, nên rất an toàn và trần nhà phía trên lớp tre, gỗ kia được đổ bê tông cẩn thận. Cụ Hộ cho biết việc khó khăn nhất trong quá trình xây ngôi nhà chính là đổ trần. Cụ tâm sự: “Từ khâu chuẩn bị đến lúc đổ trần, tôi phải mất hơn một tháng, sắt thì tôi mua ở của hàng họ uốn sẵn, còn lại tôi cứ đổ một bao xi măng một bao cát trộn lẫn đá sỏi…”.
Được biết, để xây dựng được ngôi nhà này, cụ Hộ là vừa là người thiết kế vừa là người thu gom, vận chuyển nguyên vật liệu. Hàng ngày đi kéo xe thuê được đồng nào, cụ mua nguyên vật liệu rồi chở về nhà. Do vậy, phải mất 30 năm, ngôi nhà của cụ mới hoàn thiện xong phần thô.
Cụ Hộ bộc bạch: “Mỗi ngày, tôi chỉ ăn uống hết 10 - 15 ngàn đồng và mua báo đọc hàng ngày, số còn lại tôi mua xi măng để xây nhà, nhưng mấy tháng nay tôi bị ốm nên chưa xây tiếp được”.
Chị B, sống ở gần đó cho biết: “Con cái của cụ Hộ đều thành đạt, nhưng ông cụ không chịu ở với ai. Khi biết ông cụ tự xây nhà, bà con khu phố ai cũng khuyên can, con trai ông cụ cũng đến tận nơi khuyên ngăn, nhưng ông cụ vẫn quyết tâm. Tội cho ông cụ, giá như ông cụ cứ bán miếng đất này đi ít cũng được 5 tỷ đồng rồi về ở với con cái phải sướng không? Đằng này cứ một mình lủi thủi”.
Ngôi nhà xây 30 năm mới hoàn thiện
Cụ ông mê giải toán
Thấy chúng tôi mải mê ngắm nghía ngôi nhà độc đáo, cụ Hộ lấy ra một xấp giấy. Đó là các bài toán cấp II đã được ông cụ giải sau khi xin đề từ các em học sinh trường Sào Nam của huyện mỗi lần kéo xe qua đó. Cụ Hộ nói: “Tôi ngày xưa chỉ học lớp xóa mù chữ hai năm ở trường Sào Nam vào buổi tối những năm 1961-1962 mà bây giờ tôi giải được những bài toán này đây”.
Không chỉ vậy hàng ngày, ông cụ ra bưu điện gần nhà mua báo, đọc xong, cụ bán lại cho quán cà phê bên cạnh với giá 2.000 đồng/tờ.
Đã hơn 30 năm qua, hình ảnh người đang ông kéo xe bò với dáng người nhỏ bé hàng ngày đứng ở ngã ba đã trở nên quen thuộc với người dân ở thị trấn Nam Phước. Năm nay, tuy đã bước đã bước sang tuổi 80 nhưng cụ Hộ vẫn không chịu nghỉ ngơi. Hàng ngày, cụ vẫn kéo chiếc xe bò bằng gỗ đã cũ xuất hiện trên các tuyến đường của thị trấn để kiếm tiền mưu sinh…
Quang Huy