Y học "bó tay"
Đầu năm 2010, người dân ở Ấn Độ cũng như khắp nơi trên thế giới được dịp kinh ngạc khi một cụ ông có tên Prahlad Jani, khi đó 83 tuổi tuyên bố rằng mình đã 70 năm không ăn uống.
Ông Prahlad Jani
Và theo ông cụ thì khả năng siêu phàm của ông bắt nguồn từ việc nữ thần Amba đã ban cho ông một liều thuốc tiên vào năm ông lên 8 tuổi. Hiện tượng siêu phàm này “nóng rẫy” lên khi bác sĩ Sudhir Shah, người chuyên nghiên cứu khả năng siêu nhiên tuyên bố rằng mình đã tiến hành một cuộc thử nghiệm trong vòng 10 vào năm 2003 và xác nhận cụ Jani không ăn uống cũng như đi vệ sinh trong 10 ngày đó mà vẫn khỏe mạnh.
Giới khoa học Ấn Độ cũng như thế giới “sôi sùng sục”, bắt tay ngay vào việc nghiên cứu hiện tượng “không thể có” trong lịch sử y học này.
Cụ ông Prahlad Jani sinh ngày 13 tháng 8 năm 1929 tại vùng Charada, huyện Mehsana, Ấn Độ. Năm lên 7 tuổi, cụ Prahlad Jani đã rời nhà để đi phiêu bạt khắp nơi. Đến năm 11 tuổi, cụ Prahlad Jani trở thành một trong những tín đồ của nữ thần Hindu Amba. Từ đó, cụ Jani bắt đầu gắn với hình ảnh là một người đàn ông mặc bộ sari màu đỏ của nữ giới, có gắn trang sức.
Và đến năm 1970, cụ Jani đến sống như một ẩn sĩ trong những đền thờ thần Amba. Cụ dành phần lớn thời gian để thiền và tập yoga. Theo như những gì cụ Jani tuyên bố với báo chí thì cụ đã không ăn uống bất cứ thứ gì trong suốt 70 năm qua. Không những thế, cụ cũng không đi đại tiểu tiện như những người bình thường khác.
Lí giải cho khả năng siêu phàm của mình, cụ Prahlad Jani nói rằng đó tất cả là nhờ vào phép thuật của nữ thần Amba. Cụ nói chính nữ thần đã ban cho cơ thể của cụ một liều thuốc tiên khi cụ lên 8 tuổi để có thể sống mà không cần tới thức ăn nước uống.
Khi thông tin cụ Jani đưa ra đang gây một sự ngạc nhiên lớn thì bác sĩ Sudhir Shah lại “bồi” thêm cho nó “một lực hấp dẫn” nữa. Bác sĩ Shah tuyên bố ông đã nghiên cứu trường hợp của cụ Jani vào năm 2003.
Bác sĩ Shah nói rằng khi nghe về trường hợp của cụ Jani vào năm 2003, ông cũng đã vô cùng ngạc nhiên. Chính bởi vậy, ông quyết định tiến hành một cuộc nghiên cứu để kiểm tra sự thực. Và một cuộc thử nghiệm trong vòng 10 đã được triển khai.
Cũng theo bác sĩ Shah, sau 10 ngày trong phòng kín, được theo dõi, không ăn, không uống và không đi đại tiểu tiện, cụ Jani vẫn sống khỏe mạnh, tỉnh táo, minh mẫn. Cụ không có dấu hiệu của sự mệt mỏi dù trọng lượng cơ thể có giảm đi một chút ít.
Bác sĩ Shah còn đưa ra một kết quả nữa của cuộc nghiên cứu là cơ thể của cụ Jani có khả năng hấp thụ nước tiểu ngược lại ngay sau khi nó xuất hiện trong bàng quang. Tuy nhiên, mặc dù bác sĩ Shah đã công nhận khả năng siêu phàm của cụ Prahlad Jani song rất nhiều người cho rằng đó đơn giản chỉ là một trò bịp bợm.
Thêm vào đó, nhiều tín đồ đạo Jain, Hindu tại Ấn Độ có thể nhịn ăn và uống tới 8 ngày mà cơ thể vẫn hoàn toàn bình thường bởi đó là một trong các nghi lễ tôn giáo của họ. Do đó, nhiều người cho rằng rất có thể cụ Jani đã rèn luyện được khả năng này và chịu đựng được một cuộc thử nghiệm ngắn trong vòng 10 ngày mà không xảy ra vấn đề nào về sức khỏe.
Trước tất cả những điều đó, các nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quân sự của Ấn Độ (DRDO) đã quyết định tìm hiểu khả năng của cụ Prahlad Jani. Các nhà khoa học đưa cụ vào một phòng biệt lập trong bệnh viện Sterling tại thành phố Ahmedabad, bang Gurjarat. Tại đây người ta đã đặt ra một chế độ theo dõi chặt chẽ cụ Jani với 35 bác sĩ và nhà khoa học thường trực giám sát suốt 24 giờ trên ngày.
Ngoài ra, còn có hai chiếc máy ghi hình được lắp trong căn phòng nơi cụ Jani sống trong cuộc thử nghiệm. Một chiếc camera di động thứ ba sẽ ghi hình mỗi khi cụ Jani cần ra ngoài căn phòng, đảm bảo quá trình quan sát diễn ra liên tục. Không những thế, nhà vệ sinh cũng sẽ được niêm phong kín, để đảm bảo không thể sử dụng. Cuộc nghiên cứu dự kiến sẽ được tiến hành trong vòng 15 ngày, từ ngày 22/4 đến ngày 6/5/2010.
Các bác sĩ đã dự đoán rằng trong khoảng thời gian đó cơ thể cụ sẽ có những triệu chứng tiêu cực như teo cơ, mất nước, giảm cân, mệt mỏi, các cơ quan nội tạng ngừng hoạt động nên cũng đã chuẩn bị một đội ngũ y bác sĩ cùng các phương tiện chăm sóc sức khỏe nhằm đối phó với trường hợp có các vấn đề nguy hiểm về sức khỏe của cụ.
Mọi diễn biến trong cơ thể Jani đều được giám sát chặt chẽ. Não bộ, tim và các phần quan trọng của cơ thể được dán điện cực theo dõi nhằm ngăn chặn nguy cơ ông bị suy cơ, suy tim, rối loạn chức năng nội tạng.
Cuộc thử nghiệm diễn ra, các bác sĩ hồi hộp theo dõi kết quả. Báo chí Ấn Độ và thế giới cũng hồi hộp theo dõi và cung cấp nhất cứ nhất động diễn tiến của cuộc thử nghiệm. Tuy nhiên, thông tin không có nhiều. Các ngày dần trông qua, và người ta chỉ nhận được kết quả là cụ Jani không ăn, không uống, không đi vệ sinh và vẫn khỏe mạnh. 15 ngày nghiên cứu kết thúc, các bác sỹ tại bệnh viện Sterling tuyên bố rằng trong suốt thời gian đó, cụ Jani không ăn, không uống thậm chí không đi vệ sinh.
Cụ chỉ tiếp xúc với nước khi súc miệng và tắm trong suốt quá trình giám sát. Các bác sĩ cũng không tìm thấy bất cứ ảnh hưởng nào trên cơ thể của cụ Jani bởi việc đói hay khát.
Trong suốt 15 ngày giám sát cụ Jani, các bác sỹ cũng đã chụp cơ quan, não, mạch máu cũng như kiểm tra hoạt động của tim, phổi và khả năng trí nhớ của cụ. Những cuộc kiểm tra đã cho thấy bộ não của Jani giống như não bộ của một người mới 25 tuổi và sức khỏe của cụ sau 15 ngày nhịn ăn uống giống với một người đàn ông ở tuổi … 40.
Giải thích khả năng kỳ lạ này của cụ Jani, các bác sỹ cho rằng rất có thể những bài tập yoga đã khiến cho cơ thể cụ Jani bị thay đổi về mặt sinh học. Một số nhà khoa học khác thì cho rằng có thể cơ thể cụ Jani sở hữu một loại gen đặc biệt cho phép cụ có khả năng nhịn ăn uống và đi vệ sinh.
Trong khi đó, chuyên gia thần kinh học Sudhir Shah, người đã từng làm thử nghiệm cho cụ vào năm 2003 thì cho rằng nếu cụ Jani không lấy năng lượng từ thực phẩm và nước thì chắc chắn cụ ấy phải lấy năng lượng từ những thứ trong môi trường xung quanh, chẳng hạn như ánh sáng.
Mặc dù đưa ra các giả thuyết như vậy, song các nhà nghiên cứu vẫn hoàn toàn bó tay trong việc kiến giải một cách rõ ràng và khoa học hiện tượng vốn được xem rằng “không thể có” trong y học. Bởi theo nghiên cứu khoa học thì phần lớn con người có thể sống sót mà không cần ăn trong 50 ngày.
Trường hợp nhịn đói lâu nhất từ trước tới nay mới xác định được là trong 74 ngày còn trong 70 năm là điều xưa nay không có. Nhất là khi các kết quả kiểm tra lâm sàng, sinh hóa, đo đạc điện tử và các kiểm tra khác đều đã được tiến hành và cho kết quả nằm trong mức an toàn. Các nhà khoa học đã kết luận trường hợp của cụ Jani là một hiện tượng vô cùng kì lạ của cơ thể con người.
Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quân sự của Ấn Độ còn cho rằng cụ Jani có thể dạy các binh sĩ cách kéo dài thời gian sống sót mà không cần thức ăn. Những bí mật của cụ cũng có thể giúp những nạn nhân của thảm họa tăng khả năng sống sót trong lúc chờ lực lượng cứu hộ. Sau cuộc thử nghiệm, cụ Jani lại trở về làng vùng phía bắc Gujarat, tiếp tục luyện yoga và thiền.
Và những nghi vấn
Những tuyên bố của giới khoa học Ấn Độ về trường hợp cụ Jani sau cuộc thử nghiệm 15 ngày thực sự đã gây sốc cho giới khoa học cũng như những người dân trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tuyên bố này lại cũng khiến không ít người nghi ngờ về độ chính xác của nó.
Bởi thông thường con người ta có thể nhịn ăn tương đối lâu song không thể sống mà thiếu nước. Do đó, việc cụ Jani không ăn uống trong 70 năm là quá khó tin. Báo chí thế giới cũng lập tức “nhảy vào” phân tích trường hợp của cụ.
Một hãng tin lớn cho rằng việc các nhà nghiên cứu để cho cụ Jani thi thoảng tiếp xúc với nước tỏng quá trình tắm và súc miệng có thể đã dẫn đến sự sai lệch về kết quả. Đồng quan điểm, tiến sĩ Michael Van Rooyen, một bác sĩ chuyên cấp cứu tại Bệnh viện Brigham, kiêm trợ lý giáo sư tại Trường Y Harvard, kết luận rằng cụ Jani có thể nhân cơ hội này để uống nước vào người. Không những thế, vị bác sĩ này còn cho rằng với bộ râu đó, cụ Jani có thể giữ lại được rất nhiều nước. Và ông khẳng định, chắc chắn, cụ Jani phải uống nước.
Trong khi đó, một tờ báo của Anh lại đặt nghi vấn vào tiến sĩ Sudhir Shah, người đã tiến hành cuộc nghiên cứu thử nghiệm với cụ Jani.
Theo tờ báo này thì bác sĩ Shah là người thường xuyên tiến hành các thử nghiệm sống không cần ăn uống kiểu này và cụ Prahlad Jani không phải là nhân vật đầu tiên được Shah “nhào nặn” thành người siêu phàm.
Tờ báo cũng đưa ra dẫn chứng là vào năm 2000 - 2001, bác sĩ Shah cũng đã từng tiến hành thử nghiệm tương tự trên cụ ông Hira Manek trong vòng hơn một năm trước khi ông Hira tuyên bố rằng ông sống bằng khí trời và nước lọc. Theo tờ báo này, có vẻ như bác sĩ Shah và các cộng sự đang chứng minh cho một giải thuyết rằng con người có thể sống sót nhờ các nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng mặt trời hay năng lương dạng siêu việt kiểu tinh thần thay vì đồ ăn và thức uống.
Lâm Linh
* Bài đăng trên ấn phẩm phụ báo ĐSPL