Ngay sau khi báo chí đưa tin về Bí thư Huyện ủy trẻ tuổi nhất tỉnh Quảng Ngãi – ông Nguyễn Viết Vy (33 tuổi), cư dân mạng lập tức “dậy sóng”, đặt ra nhiều nghi vấn về “gia phả” của ông.
Phản ứng này của cư dân mạng âu cũng là điều dễ hiểu. Có lẽ sự ám ảnh của “con ông cháu cha” từ hai vụ "cả họ làm quan" ở Hà Giang và "chồng bổ nhiệm vợ đúng quy trình" ở Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa nguôi ngoai trong tiềm thức của họ. Nên ông Vy được bổ nhiệm vào đúng thời gian nhạy cảm như thế này cũng khiến cư dân mạng không khỏi chú ý và nghi ngờ.
Ngay lập tức, một loạt bài báo với cách giật tít gợi mở, "nửa nạc nửa mỡ" kiểu như: Bí thư Huyện ủy 33 tuổi là con "ông lớn" nào?, Gia thế của Tân Bí thư huyện trẻ nhất tỉnh Quảng Ngãi như thế nào?
Tôi dám đảm bảo rằng, ngay sau khi đọc tít báo, người đọc sẽ “ba máu sáu cơn” ngay lập tức. Vì theo đúng phương trình phản ứng của cư dân mạng sẽ là: Trẻ tuổi + lãnh đạo + báo chí chú ý = con ông cháu cha = bất công xã hội. Và giải pháp của những kẻ núp sau bàn phím sẽ là lên tiếng để lên án những bất công, hòng lấy lại bình đẳng cho những thân phận "không làm quan".
Tuy nhiên, trong trường hợp này, cư dân mạng được một phen ê chề khi vị Bí thư Huyện ủy trẻ tuổi kia chẳng phải con ông lớn, cũng chẳng có gia thế khủng như mọi người đồn đoán mà ông chỉ là con của một vị “công chức quèn”.
Thôi thì chuyện Bí thư Huyện ủy là là con ai, cháu ai, gia đình như thế nào chúng ta không bàn luận đến. Điều đáng chú ý ở đây chính là thái độ của người dân nói chung hay cư dân mạng nói riêng dành cho những vị lãnh đạo các cấp.
Dường như ở xã hội này, “làm quan” đã là một tội nên dù già hay trẻ, lớn hay bé, một khi “lên quan” đều phải chấp nhận mức án thị phi cùng ánh mắt nghi hoặc mà xã hội dành cho người đó.
Người già thì dân không phục vì cho rằng những người lớn tuổi sẽ không bắt kịp sự phát triển của địa phương, đất nước, khiến họ thụt hậu. Thậm chí, người ta còn lên án rằng nhiều người ngồi ở vị lãnh đạo chỉ đơn giản theo công thức “sống lâu lên lão làng”. Và theo như tâm lý bình thường thì khi họ bất mãn với thế hệ già, họ sẽ phải mong đợi một thế hệ lãnh đạo trẻ hơn.
Nhưng với lớp lãnh đạo trẻ tuổi thì người ta lại bất bình thay cho những cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đầy rẫy chỉ bởi “nghi án con ông cháu cha” chất chứa trong từng chi tiết.
Và nếu cứ theo tư duy, định kiến như hiện nay thì có lẽ thật bất hạnh cho những ai có cha mẹ, họ hàng làm lãnh đạo. Con đường quan lộ của họ sẽ trải đầy gạch đá, nghi kị thay vì hoa hồng thảm nhung như chúng ta vẫn tưởng. Công việc của họ thay vì cống hiến hết tuổi trẻ, sự đam mê, nhiệt thành thì sẽ là những lời phân bua, e dè khi làm việc bởi những con mắt soi mói không ngừng.
Ôi, chẳng lẽ cứ cán bộ trẻ tuổi thì cha mẹ họ phải làm quan mà nếu có cha mẹ làm quan thì người con phải đi làm ruộng để đổi lấy sự yên bình? Cứ tư duy như thế thì bao giờ chúng ta mới có một đầu tàu cống hiến hết mình để kéo những toa tàu đã quá ì ạch đây?
Văn Chính
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả