Theo quy định của Luật Hải quan, các doanh nghiệp khi nhập khẩu phải làm tờ khai về hàng hóa và phương tiện của mình. Sau đó, cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận hồ sơ rồi thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa và thông quan đối với lô hàng phải kiểm tra.
Chiếc xe này đã qua cửa khẩu, chờ trời tối mới chạy
Sau khi có kết luận kiểm tra thì xử lý kết quả kiểm tra và xác nhận thủ tục hải quan. Bước tiếp theo là thu thuế, lệ phí hải quan, đóng dấu hoàn thành thủ tục hải quan, trả tờ khai cho người khai hải quan và phúc tập hồ sơ.
Quy định là thế, nhưng theo quan sát của chúng tôi, các chủ hàng ở đây chỉ một lần vào, đi một cửa và được nhận luôn các giấy tờ liên quan để thông quan.
Công việc này, có người phải chờ cả buổi, nửa ngày nhưng cũng có người chỉ làm trong vòng 30 phút. Bên ngoài, các lái xe như thường lệ đã ngồi sẵn trong khoang lái và chờ hiệu lệnh của ông chủ để thông quan.
Tại cửa khẩu, chúng tôi chỉ thấy có vài người ăn bận đồ hải quan còn lại là các anh mang bận đồ xanh biên phòng. Nói là kiểm tra nhưng công việc của các nhân viên này chủ yếu là hướng dẫn, phân luồng cho các xe hàng theo thứ tự thông quan.
Chúng tôi đã ghi lại hình ảnh hàng chục chiếc lớn nhỏ đi vào cửa khẩu nhưng tất cả đều giữ nguyên bạt che phủ. Không có một cán bộ hải quan nào trực tiếp đến gần xe, dỡ bạt để kiểm tra thực tế hàng hóa.
Có chăng, tất cả quy trình kiểm tra này đều được diễn ra ở một địa điểm khác?
Một người đi áp tải hàng cho biết: “Thời buổi này các ông đi buôn mà thật thà thì chỉ có mà ăn cám. Hải quan ở cửa khẩu này thường không kiểm tra hàng hóa nên khi vào làm tờ khai, mình phải khai giảm bớt đi khối lượng thực chở của mình để đỡ tiền thuế. Làm thế mới có cái mà ăn chứ!
Hàng “con” (động vật hoang dã - PV) nếu thích cũng có, đi cả xe cũng chẳng ai để ý đâu vì họ không kiểm tra mà, miễn không có ai báo là qua được tất”.
Ông Hoàng Kim Đồng, phó chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Cha Lo cho biết: “Hàng hóa từ đầu năm đến nay khi qua cửa khẩu này đều được chúng tôi kiểm tra thường xuyên."
"Theo quy định mới của luật Hải quan thì các phương tiện qua cửa khẩu chia ra 2 loại là miễn kiểm tra và kiểm tra (kiểm tra 5%, 10% hoặc toàn bộ). Sau khi máy tính phân luồng trên cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp tự khai tự chịu trách nhiệm thì mới thực hiện việc kiểm tra hay không", ông Đồng nói.
Cũng theo ông Đồng, thông thường, nếu có tin báo hay phát hiện thấy dấu hiệu khả nghi, mới kiểm tra còn không thì thực hiện theo sự phân luồng của máy tính ngành hải quan. Cũng có trường hợp doanh nghiệp cho xe chở các loại hàng cấm nhưng họ gia cố quá kỹ nên vẫn có những rủi ro trong nghề nghiệp xảy ra.
Còn việc các nhà xe, doanh nghiệp kê khai khối lượng nhập khẩu thấp hơn khối lượng thực tế thì ông Đồng không giải thích.
Thượng tá Phan Thanh Tâm, đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cha Lo khẳng định: “Lực lượng biên phòng mà cụ thể là Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cha Lo luôn túc trực và làm tốt công tác xuất nhập cảnh đối với người, hàng hóa và các phương tiện qua khu vực mình quản lý. Chúng tôi chỉ phối kết hợp, còn bên hàng hóa là trách nhiệm của Hải quan”.
Cũng theo ông Tâm, hàng ngày sau khi Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cha Lo làm thủ tục xong, anh em biên phòng luôn kiểm tra đầy đủ theo quy định của ngành, đặc biệt chú trọng đến công tác rà soát các loại hàng hóa như chất cháy nổ, ma túy...
Là cửa khẩu quốc tế non trẻ nhưng Cha Lo đang nổi lên là cửa khẩu sầm uất náo nhiệt nhất khu vực miền trung nhờ cơ chế “thông thoáng”.
Nguồn thu ở Cha Lo có thể tăng hơn đáng kể so với cùng kỳ. Nhưng rõ ràng, với cách làm này, Nhà nước đã và đang bị thiệt hại rất nhiều về nguồn thuế có thể thu được.
Phan Hồng - Cương Ngọc