Đằng sau cuộc đảo chính kịch tính như phim ảnh ở Zimbabwe

Đằng sau cuộc đảo chính kịch tính như phim ảnh ở Zimbabwe

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 3, 21/11/2017 19:00

Người ta sẽ còn nhắc đến cuộc chính biến năm 2017 ở Zimbabwe như một câu chuyện nhiều bước ngoặt và kỳ quặc nhất sau nhiều thập kỷ.

Tiêu điểm - Đằng sau cuộc đảo chính kịch tính như phim ảnh ở Zimbabwe

Cuộc gặp gỡ giữa các tướng lĩnh quân đội và Tổng thống Mugabe diễn ra yên ả

Ngay từ lúc bắt đầu, phát ngôn viên của lực lượng quân đội Zimbabwe khẳng định, ông không có mặt trên truyền hình để tuyên bố về một cuộc đảo chính.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng chính trị ở Zimbabwe đã không diễn ra giống như bất kỳ cuộc đảo chính thông thường nào trong quá khứ. 

Ngay cả giới lãnh đạo quân sự dường như cũng cố gắng để giải thích với dân chúng cũng như với thế giới rằng, họ không hề muốn đảo chính xảy ra.

Không có lệnh giới nghiêm trên đường phố, không có sự trấn áp bạo lực nào diễn ra và không có chính quyền quân sự nào đứng lên kiểm soát quyền lực.

Thay vào đó, Tổng thống Zimbabwe lại được nhìn thấy cùng trò chuyện với những người đang muốn mình rời bỏ chiếc ghế cầm quyền, trong khi những người biểu tình chụp ảnh tự sướng với binh lính.

Đó là cách mà “cuộc đảo chính mà không phải đảo chính” ở Zimbabwe diễn ra vài ngày qua.

Cuộc đảo chính kỳ lạ

Tiêu điểm - Đằng sau cuộc đảo chính kịch tính như phim ảnh ở Zimbabwe (Hình 2).

Phát ngôn viên quân đội Zimbabwe tuyên bố không có cuộc đảo chính nào diễn ra.

Xuất hiện trên sóng truyền hình với bộ quân phục, mũ bê rê – Tướng Moyo mang đến loạt thông tin khiến nhiều người tin chắc rằng một cuộc chính biến đã nổ ra trên đất nước họ.

Phát ngôn viên quân đội cho hay, họ đã nắm quyền kiểm soát đài truyền hình Nhà nước ZBC ở Harare, binh lính đã phong tỏa sân bay quốc tế của thành phố và Tổng thống Robert Mugabe không còn làm việc ở văn phòng.

Nhưng đó không phải là điều mà Tướng Moyo muốn chia sẻ.

"Gửi tới cả công chúng trong nước và nước ngoài, chúng tôi muốn làm cho rõ rằng đây không phải là sự tiếp quản Chính phủ của giới quân sự", ông Moyo nói.

"Ngay sau khi hoàn thành sứ mệnh, chúng tôi mong đợi tình hình trở lại bình thường".

Hiếm khi có một nhân vật đảo chính quân sự nào lại tuyên bố một điều đi ngược lại mục đích của một cuộc chính biến như thế, CNN mô tả.

Một linh mục, một vị tướng và hai người Nam Phi

Mọi chuyện diễn ra theo cách ngỡ ngàng hơn, khi một cuộc họp bất thường diễn ra ở phủ Tổng thống Mugabe.

Hình ảnh được phương tiện truyền thông công bố cho thấy, ông Mugabe đang ngồi trò chuyện thân mật với Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga, hai phái viên Nam Phi và linh mục Công giáo Fidelis Mukonori. Các nhân vật có mặt trong phòng đảm nhiệm vai trò trung gian đàm phán chấm dứt quyền lực giữa hai nhân vật chính Mugabe và Chiwenga.

Sự kiện này diễn ra một ngày sau khi quân đội nắm quyền kiểm soát ở Thủ đô. Tuy nhiên, thay vì bắt giữ ông Mugabe với chiếc còng trên tay, các nhà lãnh đạo quân sự cho thấy họ nói chuyện rất lịch sự với nhân vật mà họ đang quản thúc.

Tiếp tục công việc

 

Tiêu điểm - Đằng sau cuộc đảo chính kịch tính như phim ảnh ở Zimbabwe (Hình 3).

Tổng thống Mugabe đến chủ trì lễ tốt nghiệp của một trường đại học trong lúc ông bị quân đội quản thúc.

Tiếp tục một trong những điều bất thường khác sau khi cuộc chính biến diễn ra, Tổng thống Mugabe bất ngờ rời khỏi địa điểm bị quản thúc để thực hiện nốt công việc được sắp xếp trước đó: Dự một buổi lễ tốt nghiệp đại học ở Thủ đô.

Hai ngày sau khi Zimbabwe rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị, “triều đại” cai trị 37 năm của ông dường như sắp kết thúc.

Nhà lãnh đạo kỳ cựu đến tại đại học Mở Zimbabwe trong chiếc áo màu xanh và vàng, đi kèm với lực lượng bảo vệ và chủ trì buổi lễ ra trường của sinh viên.

Sự kiện này rõ ràng được sắp đặt để chuyển tải một thông điệp mọi hoạt động ở Harare tiếp tục diễn ra bình thường, dù thực tế ông Mugabe không được phép làm điều gì ngoài sự cho phép của các chỉ huy quân sự.

Chụp ảnh với binh lính

Tiêu điểm - Đằng sau cuộc đảo chính kịch tính như phim ảnh ở Zimbabwe (Hình 4).

Những người biểu tình xuống đường nhảy múa và chụp hình cùng binh lính.

Thông thường, các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính có xu hướng áp đặt lệnh giới nghiêm và tiến hành những cuộc đàn áp công cộng nhằm phô trương quyền lực của họ trong những ngày đầu tiếp quản.

Thay vào đó, các nhà lãnh đạo quân sự ở Harare cho phép một cuộc biểu tình lớn vào ngày thứ ba của cuộc khủng hoảng.

Hàng chục ngàn người biểu tình chống Mugabe đã xuống đường, ca hát, nhảy múa và chụp ảnh cùng những người lính, cũng như máy bay trực thăng quân sự bay vòng trên đầu.

Trước khi hoạt động tiếp quản của quân đội diễn ra hôm 15/11, các cuộc biểu tình chống Chính phủ tại Zimbabwe dù diễn ra quy mô nhỏ, cũng bị dập tắt thẳng tay bằng hơi cay, đạn cao su và dùi cui.

Sự khác biệt hiện tại chính là việc người biểu tình và quân đội đều có chung mục tiêu: Phế truất Tổng thống Mugabe.

Lời tạm biệt

 

Tiêu điểm - Đằng sau cuộc đảo chính kịch tính như phim ảnh ở Zimbabwe (Hình 5).

Đến giờ phút cuối, Tổng thống Mugabe vẫn khiến nhiều người bất ngờ khi ông không từ chức.

Đến tận bốn ngày sau tiếp quản quân sự, người đàn ông mà quân đội tìm cách lật đổ vẫn còn trên danh nghĩa là Tổng thống.

Vào buổi chiều Chủ nhật, đảng cầm quyền Zanu-PF mới ra quyết định chính thức loại bỏ ông Mugabe trong vai trò lãnh đạo đảng và đưa ra một tối hậu thư: Từ bỏ quyền lực hoặc bị luận tội trước trưa 20/11.

Vì vậy, khi xe của đài truyền hình ZBC được triệu tập đến phủ Tổng thống một giờ sau đó, tất cả đều mong đợi ông Mugabe cuối cùng sẽ chấp nhận đề nghị của các tướng lĩnh và từ chức.

Cả đất nước nín thở theo dõi ông Mugabe thể hiện một bài phát biểu rời rạc với hai bên là các chỉ huy quân đội. Một trong số đó thậm chí còn chỉnh lại tài liệu cho ông.

Thuận lợi hơn, ông Mugabe còn đóng dấu xác nhận và tuyên bố tiến trình tiếp quản Chính phủ của quân đội là hợp pháp.

Nhưng không! Khi bài diễn văn kết thúc, 30 phút sau, ông Mugabe vẫn chưa bước xuống. "Tạm biệt", ông nói lời cuối cùng và không có tuyên bố từ chức nào.

Giống như mọi điều bất thường khác xảy ra trong cuộc đảo chính lần này, sự từ chối rời bỏ chiếc ghế quyền lực trong giờ phút cuối cùng của nhà lãnh đạo Zimbabwe vẫn khiến nhiều người cảm thấy mông lung, kỳ lạ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.