Cuộc diệt sói đẫm máu giữa đại ngàn Sơn La (Kỳ 1)

Cuộc diệt sói đẫm máu giữa đại ngàn Sơn La (Kỳ 1)

Thứ 6, 10/05/2013 13:57

Khi mọi người vào đến nơi, một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trước mắt: 6 con trâu, 4 con nghé, 7 con bò mất mạng, con nào cũng bị mất một mảng thịt ở mông. Máu chảy nhoe nhoét, vung vãi khắp bìa rừng.

Trong chuyến ghé thăm “bảo tàng các loại thú nhồi bông” của ông Điêu Chính H. ở Sơn La và trong cuộc trò chuyện về những ngày vào rừng sát hại thú quý của ông, chúng tôi phát hiện ra rằng, ở một số cánh rừng Sơn La vẫn còn chó sói, loài động vật quý hiếm trong sách đỏ, song vẫn đang bị giết hại hàng ngày.

Việt Nam Xanh - Cuộc diệt sói đẫm máu giữa đại ngàn Sơn La (Kỳ 1)
Đàn sói đỏ. Ảnh internet 

Theo ông H., hai khu rừng còn nhiều chó sói nhất là rừng Sốp Cộp giáp Lào và rừng Huổi Luông, cánh rừng giáp 3 huyện, gồm Quỳnh Nhai (Sơn La) và Sìn Hồ, Than Uyên (Lai Châu). Trước đây, ông H. cũng từng giết hại rất nhiều chó sói. Tuy nhiên, vài năm nay ông không vào rừng săn thú nữa.

Ông H. kể rằng, chỉ thích dùng những loại súng săn truyền thống của người Thái, ấy là súng kíp. Tư gia của ông chứa hàng chục khẩu kíp. Có loại bắn một phát ra một viên bằng hạt lạc, đủ sức giết hổ, có loại bắn một phát ra hàng trăm viên, chỉ to như hạt đậu, hạt đỗ, hạt gạo. Loại này bắn chim, bắn sóc thì chết cả đàn.

Việt Nam Xanh - Cuộc diệt sói đẫm máu giữa đại ngàn Sơn La (Kỳ 1) (Hình 2).
Đầu thú treo trên tường do ông H. sát hại. 

Chỉ khi nào săn các loại thú lớn, như hổ, trâu rừng, bò rừng, ông mới dùng đến những khẩu như Tán-mã, CKC, Cạc-bin. Mấy khẩu này là tài sản của cha ông để lại từ thời Pháp, Mỹ. Nó vốn được dùng để giết giặc, nhưng khi ác thú hoành hành, quẫy nhiễu cuộc sống người dân, thì ông đem ra sử dụng.

Tuy nhiên, mấy năm trước, ông đã đem nộp hết cho chính quyền. Vài khẩu súng cũ quá thì ông tháo rời ra, để nó không còn là súng nữa, rồi treo lên tường làm đồ kỷ niệm.

Việt Nam Xanh - Cuộc diệt sói đẫm máu giữa đại ngàn Sơn La (Kỳ 1) (Hình 3).
 

Trong số các loài ác thú, thì thợ săn Điêu Chính H. tiêu diệt nhiều nhất là chó sói. Theo ông, xưa kia, loài thú này là ác mộng của dân bản, vì nó giết hại quá nhiều trâu, bò. Giết sói là cách ông bảo vệ đồng bào. Nhưng giờ chúng đã bị tiêu diệt nhiều, chúng lại là loài trong sách đỏ, nên ông không dám giết hại nữa.

Theo ông H., so với hổ, thì sói là kẻ phá hoại khủng khiếp hơn nhiều. Có gia đình thiệt hại hàng trăm triệu vì sói xơi mất cả đàn trâu, bò.

Tôi đã quá ngạc nhiên vì đại ngàn Huổi Luông còn hổ, thì lại càng ngạc nhiên hơn khi nơi đây còn rất nhiều chó sói.

Việt Nam Xanh - Cuộc diệt sói đẫm máu giữa đại ngàn Sơn La (Kỳ 1) (Hình 4).
Người dân khiêng thịt trâu từ rừng ra do đàn sói sát hại. 

Theo anh Điêu Chính Pâng (Trưởng bản Púm, xã Pha Kinh, Quỳnh Nhai, Sơn La), hầu như năm nào người dân trong bản cũng “cúng” khoảng 20 trâu, bò cho bọn sói. Năm nào nhiều thì mất đến 50 con. Hầu như nhà nào cũng từng bị thiệt hại trâu bò vì bọn sói hung dữ trong đại ngàn Huổi Luông.

Lần sói về bản tấn công khủng khiếp nhất là năm 2004. Khi đó, mới chập tối, mọi người vừa ăn cơm xong, thì bỗng thấy tiếng chó sủa văng vẳng từ phía rừng. Tiếng trâu, bò rống thảm thiết. Ai cũng biết rằng, đàn chó sói lại về ăn trâu bò của bà con.

Anh Pâng cùng dân bản vác theo mâm, chảo, dao quắm, đinh ba chạy thục mạng vào rừng. Họ vừa chạy vừa gõ mâm, xoong loảng xoảng, inh tai để xua đuổi đàn sói.

Việt Nam Xanh - Cuộc diệt sói đẫm máu giữa đại ngàn Sơn La (Kỳ 1) (Hình 5).
Thịt trâu, bò do sói sát hại được bày bán cả tảng ở chợ. 

Khi mọi người vào đến nơi, một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trước mắt: 6 con trâu, 4 con nghé, 7 con bò mất mạng, con nào cũng bị mất một mảng thịt ở mông. Máu chảy nhoe nhoét, vung vãi khắp bìa rừng. Nhìn dấu chân và cách tấn công con mồi, mọi người đều thấy quá quen thuộc và ai cũng biết rằng đó là chó sói.

Theo anh Pâng, chó sói ở rừng Huổi Luông còn rất nhiều, chúng thường kéo cả đàn về các bản để tấn công trâu bò, lợn gà, dê, ngựa của đồng bào.

Chó sói rất hung tợn. Chúng đi săn thành đàn từ 20 đến 30 con, thậm chí 50 con. Khi đã khép vòng vây là chúng giết con mồi bằng được, bất chấp sự có mặt của con người.

Việt Nam Xanh - Cuộc diệt sói đẫm máu giữa đại ngàn Sơn La (Kỳ 1) (Hình 6).
Sói đỏ ăn mồi. Ảnh internet 

Cách chúng ăn mồi cũng kỳ quái, cứ vờn trâu bò rồi đớp thịt ở mông, ở đùi. Hàm răng của nó sắc hơn cả dao cạo, xé đứt cả da trâu.

Khi nào trâu bò mất máu nhiều, kiệt sức và gục xuống thì nó tiếp tục tấn công con khác. Do vậy, mỗi khi có đàn chó sói về thì dân bản phải mất vài con trâu, bò.

Có những năm chó sói về nhiều, dân bản suốt ngày vào rừng nhặt xác trâu bò về ăn. Gia đình ăn không hết thì chia cho dân bản. Muốn bán cũng không ai mua. Đường sá từ huyện lỵ Quỳnh Nhai ra Sơn La cách đây chừng 10 năm rất trắc trở, nên chẳng có thương lái nào lặn lội vào đây.

Việt Nam Xanh - Cuộc diệt sói đẫm máu giữa đại ngàn Sơn La (Kỳ 1) (Hình 7).
Đồng bào Quỳnh Nhai thường thả trâu vào rừng để chúng tự kiếm ăn, sinh sản. 

10 năm trước, tôi đã từng ngạc nhiên hết mức khi ăn nhậu trong một quán lá ở huyện lỵ Quỳnh Nhai. Tôi và anh bạn đồng nghiệp chén mấy đĩa thịt bò, nào bò xào lăn, nào bò sốt vang, nào là bò hấp, nào bò tái, bò muối, ngẩu pín bò… mà chỉ hết có 30 ngàn đồng.

Trước khi xuống thuyền xuôi sông Đà rồi cuốc bộ ra Thuận Châu, tôi còn được cô chủ quán có tính tình xởi lởi dúi cho một bọc to tướng, toàn thịt trâu hun khói… để cán bộ ăn dọc đường.

Trong những chuyến đi công tác ở vùng Quỳnh Nhai, tôi thường xuyên thấy người dân bày bán cả tảng nguyên lông thịt trâu, bò ở ven đường. Tôi cũng hay gặp cảnh người dân xiên những miếng thịt lẫn xương nặng vài chục ký vào cây luồng và khiêng lủng liểng ra chợ. Trâu bò bán kiểu cả tảng này là do bị sói tấn công.

Loài sói nham hiểm, cứ cắn chết trâu bò, ăn hết thịt mông, moi hết lòng phèo, rồi bỏ dở để tấn công con khác. Đồng bào đành phải vào rừng xả phần thịt xương còn lại, khiêng ra chợ bán tống bán tháo.

Việt Nam Xanh - Cuộc diệt sói đẫm máu giữa đại ngàn Sơn La (Kỳ 1) (Hình 8).
Sói đỏ thường xuyên sát hại trâu, bò của đồng bào quanh rừng Huổi Luông. Ảnh chụp tại bản Púm. Dưới thung lũng là cảnh đồng ruộng, trâu bò gặm cỏ, kéo cày. Bên kia dãy núi là lãnh địa của bầy sói đỏ hung dữ. 

Cũng vì thịt bò, thịt trâu nhiều quá, ăn không hết mà đồng bào Thái ở Quỳnh Nhai đã nghĩ ra món thịt chua, thịt muối. Thịt được ướp vào chum, vại với một số loại lá cây để ăn dần.

Cùng với món cá lăng, cá chiên muối, giờ món thịt trâu, thịt bò muối cũng thành đặc sản ở Quỳnh Nhai. Mới đây, người ta chuộng thịt hun khói và ruốc hơn thì dân Quỳnh Nhai lại chuyển sang làm ruốc và thịt hun khói để ăn dần hoặc bán về xuôi.

Kể chuyện ấy để bạn đọc biết rằng, trâu bò ở Quỳnh Nhai nhiều vô kể. Ngay như bản Púm của xã Pha Khinh này, như lời ông trưởng bản thì mỗi nhà cũng có đến cả chục con. Có nhà cũng chẳng biết có bao nhiêu con trâu, bò nữa.

Mỗi hộ dân bản Púm có một khoảnh rừng rộng hàng chục ha trong rừng Huổi Luông để thả trâu, bò. Cứ đầu năm dân bản dắt bò vào rừng thả. Thi thoảng vào rừng bỏ muối cho chúng ăn. Ăn muối rồi, chúng sẽ không đi đâu xa mà chỉ quanh quẩn ở khu rừng đó chờ chủ mang muối đến.

Mỗi khi thấy bóng người vào rừng, trâu, bò trong rừng Huổi Luông lại lần lượt kéo về. Tháng 10 dân bản lại vào rừng lùa trâu bò ra. Mỗi năm, các hộ dân ở đây lại phát hiện ra mình có thêm mấy con bò, mấy con nghé nữa. Chúng sinh nở lúc nào cũng chẳng biết.

Còn tiếp

Theo VTC News

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.