Cuộc đời bi thương của ông bố cõng con chữa bệnh

Thứ 6, 28/12/2012 00:05

Khác hẳn với cảnh những ngày đầu ra Hà Nội nhập viện sống quay quắt, cơm không có mà ăn, thì đến hôm nay bố con cậu bé Lữ Văn Giao, 13 tuổi cùng người chú rể đã mỉm cười vì cuộc phẫu thuật đã thành công.

Và vui hơn nữa, những người có tấm lòng hảo tâm đã ủng hộ với số tiền lên tới 250 triệu đồng. Đó là trường hợp của cậu bé người dân tộc Khơ Mú, 13 tuổi sống ở bản Ta Đo, xã mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Anh Thi ngồi bên giường bệnh cùng con trai

Qua cơn bĩ cực

Tôi đến Khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Việt- Đức) khi người nhà của bệnh nhân đang ngồi lố nhố nơi ghế đá đợi đến giờ vào thăm nom. Ngay sát vệ tường, một người đàn ông nhỏ thó, đen đúa ngồi trầm tư, rầu rĩ. Chốc chốc người đàn ông này lại đứng dậy tựa lưng vào tường, có khi lại thẫn thờ ra đứng dưới gốc cây rầu rĩ. Vẻ mặt anh lộ rõ sự lo âu và một ánh mắt nhìn vô định.

Vừa nhắc đến cậu bé người dân tộc Khơ Mú đang điều trị tại Khoa cột sống, anh Đức (Quảng Xương, Thanh Hóa) cũng có người nhà nằm viện nhanh nhảu nói với tôi: "Kia kìa! Người đàn ông đang ngồi bó gối ấy. Bố thằng cu Chư. Hoàn cảnh hai bố con nhà đấy khó khăn lắm! Mấy bữa nay có nhiều người đến thăm nom, giúp đỡ nên cũng đỡ hơn nhiều".

Tôi lân la lại gần hỏi thăm nhưng người đàn ông này chỉ bập bẹ được vài câu. Lúc đầu tôi cứ nghĩ anh này kiệm lời nhưng mấy người ngồi gần đó nói với tôi: "Anh ấy không biết tiếng Kinh đâu. Cô đợi cậu em rể về rồi hỏi chuyện, cậu ấy phiên dịch cho. Vừa đúng lúc đó, cô y tá bước ra: ở đây có ai người nhà bệnh nhân Chư không?". Anh này vẫn ngơ ngác ngồi nguyên vị. Tôi đã nhận là người nhà và cầm đơn thuốc đi mua giúp.

Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi với tôi, Chư (tên thật là Giao) có những lúc trả lời rất yếu ớt, có những lúc cậu nói khiến tôi phải ghé sát mới nghe được. Chư kể rằng, nhà có 4 anh em, gia đình lại khó khăn nên bố mẹ cậu sớm tối lên rẫy đi làm kiếm tiền lo cho mấy anh em ăn học.

Chư thì thầm: "Năm nay cháu lên lớp 7 rồi cô ạ!". Nhìn Chư mà tôi thấy nhói lòng. So với bạn bè trang lứa Chư bé như cái kẹo mút dở. Hễ ai hỏi gì, cậu cũng tỏ vẻ lạ lẫm và ngơ ngác. Khi nói về mấy ngày tới được ra viện, ánh mắt Chư như bừng sáng, cậu tíu tít: "Có khi cháu vẫn kịp đi học cô nhỉ? Cháu sẽ cố học chăm, học giỏi để bù đắp những ngày bố phải vất vả chăm sóc cháu ở viện", nói đến đây Giao bỗng trầm giọng, mắt cậu hoe đỏ.

Cuối câu chuyện, cậu bé mới đính chính tên thật của mình với tôi. Cậu bé bảo rằng: "Hồi tháng 6, cơn bão số 2 đã xóa sạch bản cháu. Lũ đã cuốn hết đồ đạc, Sổ hộ nghèo cũng chẳng còn, bố cháu buộc phải mượn tạm sổ của người họ hàng để đi chữa bệnh cho cháu. Vì thế khi tới viện cháu mới có tên là Học Văn Chư. Tên thật của cháu là Lữ Văn Giao cơ".

"Cậu! Cậu về rồi", Giao đập đập vào tay tôi và nói: "Cô nói chuyện với cậu cháu nhé". Và cũng từ khi anh Nguyễn Văn Bước, em rể anh Thi (bố của Giao) trở về phòng bệnh của cháu, cuộc trò chuyện của tôi với anh Lữ Văn Thi mới được chắp nối thông tin.

Anh Bước nói với tôi: "Bố của bé Giao mới 41 tuổi nhưng từ ngày thằng bé bị bệnh, anh ấy già đi trông thấy, mắt thâm quầng vì mất ngủ. Suốt 21 ngày, kể từ khi còn điều trị ở Nghệ An, đến hôm 26/7 bác sĩ thông báo kết quả phẫu thuật tốt, chỉ ít ngày nữa được ra viện, tôi mới thấy anh ấy gượng cười".

Nhịn đói cõng con 20 cây số đi viện

Hồi ức rơi nước mắt giữa Thủ đô

Ra tới Bệnh viện Việt - Đức, tất thảy mọi việc đều dồn lên vai anh Bước. Anh Thi không biết tiếng Kinh cũng chẳng biết viết chữ nên chẳng biết đường nào mà lần, cũng chẳng thể hỏi han ai đường đi lối lại trong bệnh viện. Mỗi khi bác sĩ đến thăm bệnh, anh Bước(em rể của anh Thi) trở thành phiên dịch cho bố con anh Thi. Anh Bước vừa nói vừa gạt nước mắt: "Đến giờ cơm tối, bệnh nhân trong phòng lần lượt xách túi đi ăn chỉ còn lại cháu Giao cùng bố và tôi lặng lẽ nhìn nhau. Mấy ngày ở viện, hai người lớn nhịn đói vì chẳng có tiền mua cơm, còn Giao cầm hơi bằng hộp sữa được người cùng phòng thương tình chia sẻ".

Anh Bước kể về căn nguyên dẫn đến căn bệnh của Giao với một tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Có lẽ anh vui vì cháu đã được phẫu thuật. Buồn vì nhớ lại trận bão oan nghiệt đã cướp trắng tất cả gia sản của người anh và mang lại thương tật quái ác cho đứa cháu.

Anh Bước trầm tư: "Hôm đó (25/6), cơn bão cuốn qua ngôi làng hẻo lánh của bố con Thi xóa sạch mọi thứ. Nhà bị cuốn, mọi vật dụng, giấy tờ tùy thân cũng theo dòng nước lũ ra đi. Chẳng còn gì để ăn, cậu bé Giao leo lên hái xoài không may bị ngã từ cành cây cao 5m xuống, bất động. Lúc ấy, người lớn trong nhà đều đã lên rẫy, chỉ còn lại những đứa trẻ loay hoay xoay xở. Hôm đó, Giao chưa hề có biểu hiện gì bất thường, mãi tới hôm sau khi bụng Giao trướng lên, cả nhà mới cuống cuồng tìm cách đưa tới viện. Nhưng khổ nỗi, đường sá bị lũ phá hủy, không có phương tiện, anh Thi đã buộc con trên lưng đi bộ 20 cây số đến trung tâm y tế". Theo như lời anh Thi nói với anh Bước: "Khi ấy, tôi không mảy may nghĩ đến đường xa, vất vả mà chỉ nghĩ đến tính mạng của con mình nên cứ thế nghĩ là làm cõng con đến bệnh viện".

Nhắc đến việc anh rể lặn lội cõng con 20 cây số đến trung tâm y tế, anh Bước rưng rưng khóc. Anh Bước thở dài: "Sau khi điều trị tại trung tâm y tế vài hôm, bệnh tình thằng bé không thuyên giảm và được chuyển tới Bệnh viện Nhi Nghệ An. Cứ ngỡ đến viện rồi, cháu sẽ được cứu chữa, nhưng 12 ngày điều trị ở đó cũng thật cơ cực. Không còn nhà, không còn vật dụng gì đáng giá để bán lấy tiền nộp viện phí, bố con anh Thi sống lay lắt nhờ vào lòng hảo tâm của người nhà bệnh nhân. Bác sĩ chẩn đoán chấn thương quá nặng, cậu bé được đưa ra Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội.

Anh Bước rầu rĩ kể lại: "Trớ trêu, lần đầu tiên đi xa nhà của bố con Thi không phải là chuyến ra chơi thăm Thủ đô mà đi chữa bệnh. Và cũng lần đầu tiên đi xa đến vậy mà trong người anh Thi chỉ còn ít tiền lẻ. Cả anh Thi và tôi đều phải nhịn đói, thỉnh thoảng mới dám mua cái bánh mỳ hoặc mỳ tôm bẻ ra ăn sống. May mà, Bệnh viện Nhi Nghệ An đã miễn phí chuyến xe đưa bố con anh Thi nếu không chúng tôi cũng chẳng biết xoay sở ra sao”.

Kỳ diệu hơn cả phép màu

Anh Bước cho biết, khi mới nhập viện, bác sĩ chẩn đoán: Chấn thương cột sống, có liệt cần phải mổ càng sớm càng tốt để cố định cột sống và giải ép mới có cơ hội phục hồi. Sau khi Giao được chẩn đoán, Bệnh viện đã có kế hoạch phẫu thuật nhưng hiện vẫn chưa có bàn mổ. Bình thường, kinh phí mỗi ca như thế này sẽ là 30 triệu đồng, nếu được hỗ trợ, gia đình bệnh nhân chỉ phải đóng 10 triệu đồng. Hậu phẫu, bệnh nhân cần từ 5 đến 10 ngày mới ổn định. Cậu bé có khả năng phục hồi tốt và đi lại nếu được mổ sớm. Nghe bác sĩ nói anh Thi như chết lặng vì số tiền cho ca mổ quá lớn.

Trong cuộc trò chuyện, đã rất nhiều lần, anh Thi muốn nói chuyện với tôi nhưng chẳng thể diễn đạt để tôi hiểu. Thi thoảng anh mới cầu cứu đến người em rể nói giúp vài câu. Anh Thi bảo rằng: "Lúc đầu, mọi người trong phòng thương cảm chia cho phần quà, chúng tôi rất áy náy. Nhưng vì hoàn cảnh cũng đành tủi hổ nhận để gắng gượng chăm con”. Anh Thi cười cười: "Vì thương cảnh gia đình tôi nghèo, nhiều người đi chăm người nhà rủ nhau quyên góp các phòng bệnh giúp chúng tôi có tiền ăn. Có hôm, bất đắc dĩ, tôi ra ghế đá xin tiền. Cũng có người nghĩ tôi giả vờ mắng cho một trận. Nhưng giờ thì hạnh phúc đã mỉm cười với chúng tôi".

Anh Bước vẻ mặt rạng rỡ: "Gia đình anh Thi đã nhận được tài trợ bằng quà, tiền mặt từ các nhà hảo tâm trị giá lên tới gần 250 triệu đồng giúp cháu Giao chữa trị bệnh và xây lại ngôi nhà thông qua tài khoản của Bệnh viện. Tin vui ấy khiến anh Thi đứng chết lặng. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất với anh ấy lại là tin y tá trưởng Hoàng Anh thông báo con anh Thi có thể đi lại được, khi đó anh tôi đã không thể ăn nổi cơm vì quá vui mừng".

Ngân Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.