Từ thủa khai sơn lập địa, Sài Gòn nhanh chóng trở thành vùng đất trù phú, phố phường đông đúc, con người phóng khoáng, đôn hậu, sắc đẹp mỹ miều. Trong những lúc bấn loạn của thời cuộc vẫn tồn tại những người đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” khiến cánh văn nhân, báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực.
Hình vẽ Cô Ba Trà
Hoa hậu không vương miện
Vào năm 1934, một vị hoàng tử đang theo học Cao đẳng Công chánh Hà Nội bỗng nổi hứng đi nghỉ mát ở vùng cát trắng, nơi có gió biển mằn mặn phả vào đất liền làm làn da con người ngăm ngăm, duyên duyên. Ngày đó ở Nha Trang có một khách sạn Temninus thuộc hàng vương giả và các bậc công tử trên toàn cõi An Nam đều biết đến. Ngoài sự xa hoa, lộng lẫy, nơi đây còn một thứ mà nhiều người thèm muốn. Đó là con gái của ông chủ khách sạn trên.
Sắc đẹp của cô đã làm hình nền và gây sự thu hút đối với toàn bộ khách hào hoa lui tới đây. Ngay từ ngày đầu tiên, chàng hoàng tử đã bị hớp hồn bởi nhan sắc của Kì Nam (tên cô gái). Kết cục một đám cưới Việt – Lào mà sự hoành tráng có lẽ chỉ kém đôi chút so với đám cưới của hoàng đế An Nam Bảo Đại. Kì Nam trở thành phu nhân của vị hoàng tử mà tên tuổi đã gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Lào: Hoàng thân Suphanouvong.
Ngoài Kì Nam, Sài Gòn còn xuất hiện không ít giai nhân một thời làm mưa làm gió. Sắc đẹp “tuyệt thế giai nhân” đó phải kể đến cô Ba Trà (Trần Ngọc Trà). Cô Ba Trà sinh năm 1906, được mệnh danh là “ngôi sao Sài Gòn”. Với nhan sắc hiếm có của mình, cô lần lượt “đốn ngã” hàng loạt những tay chơi hào hoa, giàu có bật nhất Sài Gòn như lưỡng vị Hắc – Bạch công tử, công tử Bích dám tặng cho cô một lúc 70.000 ngàn đồng trong khi giá vàng khi ấy chỉ 60 đồng một lượng.
Ngoài ra những tay chơi tri thức, còn có không ít người có máu mặt chốn quan trường thời Pháp thuộc phải đổ gục vì cô. Cụ Vương Hồng Sển cũng đem lòng yêu thầm cô Ba Trà. Và sau này trong cuốn sách “Sài Gòn tả pí lù” ông có những chương kể rõ ràng về cuộc đời cô. Những ai được quen biết hay hạ cố giao thiệp với cô đều xem đó là một niềm vinh dự để chứng minh và thể hiện đẳng cấp của mình trong xã hội. Điều đó, đủ để hiểu ngoài việc xinh đẹp có tiếng thì cô Ba Trà còn là mỹ nhân thông minh sắc sảo, am hiểu tâm lý đàn ông đến từng tấc lòng.
Nhưng vì trót mang phận “hồng nhan đa đoan” mà cuộc đời của giai nhân Sài Gòn một thủa giống cũng như cái bánh trôi “bảy nổi ba chìm” biết bao nhiêu lần. Trong quãng thời gian 20 năm làm người đàn bà đẹp, cô đã có không biết bao nhiêu mối tình mà chính cô cũng không nhớ hết. Cô sống trong cảnh nửa thực nửa mơ, có lúc vung tiền vảy như trấu, lúc lại nghèo rớt mồng tơi. Đến cuối đời, cô Ba Trà rơi vào cảnh cô quạnh và lâm vào nghèo túng vì nợ nần.
Công tử Bạc Liêu và cô Ba Trà
Kiếp hồng nhan đa đoan
Cô Trần Ngọc Trà còn được mệnh danh là bà hoàng của vũ trường, sòng bài chốn Sài Gòn cuối thế kỉ XIX. Những bậc đàn anh có máu mặt đều biết rõ, cô có rất nhiều mối tình và cô chia mỗi người một mảnh gặm chơi cho đỡ buồn chứ đừng ai mơ sẽ lấy được cô về làm vợ. Bởi trước đó, cô đã lập gia đình được vài lần và đều tan vỡ.
Đó không chỉ là thói “ngông”, tỏ vẻ kiêu hãnh của cái đẹp Sài Gòn mà vì tuổi thơ cô Ba Trà không được phẳng lặng như những người khác. Mới lên 5 tuổi, Ba Trà đã bị đánh đập, hắt hủi do bất đồng trong gia đình. Ba của cô trong một cơn ghen vợ không chung thủy đã không nhận Trà là con ruột. Người đàn ông giận, căm phẫn đến nỗi thổ huyết và qua đời đột ngột.
Bà nội Trà đau xót trước cái chết của con trai nên khi vừa đưa tang con xong, bà cũng mất theo. Viện vào những nguyên cớ chưa rõ ràng, người bác ruột đã liên tục sỉ nhục, lăng mạ mẹ của Trà, buộc bà không chịu nổi phải bế con ra khỏi nhà, về quê ngoại tá túc. Rồi dường như, đau thương, nhục nhã giằng xé, nhiều ngày thao thức, tâm hồn bấn loạn, mỗi lần lên cơn, bà lại lấy con bé Trà ra “xả cơn”. Cô Trà phải chịu những trận đòn roi, đấm đá nhừ tử cùng những lời mắng nhiếc “đánh cho tiệt nòi giống đoản hậu”.
Tuổi thơ của Ba Trà lớn lên trong sự cay đắng, nghiệt ngã. Những trận đòn của mẹ đã hằn lên gấp bội bi thương, ai oán trong lòng cô Ba Trà ngay cả khi cô đã trở thành một Hoa khôi Nam Kì. Không chỉ nổi tiếng xinh đẹp, Ba Trà còn nổi lên là một giai nhân có nhiều mối tình nhất. Năm 14 tuổi, nhan sắc Ba Trà bắt đầu nở rộ với đôi mắt to đen, làn da mịn màng dù rằng cuộc sống đầy vất vả.
Để cuộc sống bớt khó khăn, mẹ Trà đã đem gả con gái cho một viên quan ba người Pháp tuổi gần gấp ba Trà. Cuộc sống với viên quan không kéo dài được bao lâu. Vậy là, 15 tuổi, Trà quay trở về sống với mẹ khi đã có một đời chồng và tiếp tục làm nghề bán hàng rong kiếm sống. Cuộc sống vất vả không làm nhan sắc cô mòn đi. Trong những ngày tháng bán hàng rong, Trà được gặp người con trai đầu tiên mà cô thật sự đem lòng yêu. Đó chính là con trai của một tỉ phú người Hoa đang sống tại Sài Gòn.
Toàn, người con trai mà Ba Trà gặp là con bà vợ thứ ba của bố cậu. Do mẹ và bố làm nghề buôn bán nên Toàn cũng di cư, sống ở nhiều nơi. Có thời gian, cậu và bố mẹ ở Phan Rang, làm nghề buôn bán hải sản đắt tiền như yến sào, vi cá, bào ngư… với một số chi nhánh ở miền Tây. Chính vì vậy, Toàn có dịp thường xuyên lên Sài Gòn giao thương. Trong một đi Sài Gòn, tình cờ Toàn gặp Trà đang bán hàng rong bên vệ đường. Ngay lập tức, Toàn bị nhan sắc của Trà chinh phục. Sau khi làm quen, tìm hiểu về gia cảnh của cô gái bán hàng rong, về nhà, Toàn thường xuyên viết thư tình, gửi người mang đến cho Trà. Mỗi lần nhận được thư Toàn, Trà đều đưa cho mẹ đọc để tham khảo ý kiến. Mẹ Trà dò hỏi được thân thế của Toàn nên cũng chấp nhận cho Toàn tiến tới.
Vẻ đẹp của Trà đã khiến Toàn si mê, không ăn không ngủ nên quyết định về xin bố mẹ cho cưới cô gái này về làm vợ. Được sự chấp nhận của mẹ, Trà lên xe hoa một lần nữa. Trà thấy hạnh phúc khi lấy Toàn vì ít ra cô cũng thoát được cảnh nghèo khó. Vì có tình cảm với nhau từ trước nên trong cuộc sống vợ chồng, Trà ngày càng yêu chồng nhiều hơn.
Chân dung người phụ nữ Sài Gòn được đưa lên con tem với tên cô Ba
Thế nhưng, với địa vị là con nhà tỉ phú sống xa hoa, không thiếu thứ gì nên Trà cũng trở thành món ăn “cả thèm chóng chán”. Dần dần, Toàn không còn tha thiết với người vợ xinh đẹp mà cậu từng tốn nhiều công sức chinh phục. Chỉ sau hai năm có trong tay người đẹp, Toàn đã bắt đầu chán và thường xuyên ra ngoài tìm thú vui khác. Biết chồng lăng nhăng ở ngoài, Trà vô cùng khổ tâm và ghen tuông điên cuồng. Nhiều lần khuyên răn, năn nỉ nhưng Toàn vẫn không hề thay đổi, quá mỏi mệt vì cuộc sống, Trà đã viết thư kể chuyện cho mẹ mình. Nhận được thư con, mẹ Trà liền viết lại cho nhà chồng Trà. Bà nói rất nhớ con gái, mong gia đình chồng cho con gái về thăm nhà để hai mẹ con được ở gần nhau.
Thế là, Trà trở về Sài Gòn sống cùng mẹ và tiếp tục những ngày tháng vật lộn với cái ăn. Vì khó khắn, túng quẫn đã không ít lần mẹ nổi giận, đánh cô bằng cả đòn củi. Không chịu nổi những trận đòn roi của mẹ, Trà lên tàu về Phan Rang với gia đình chồng. Trong chuyến đi này, Trà bị lạc ga, không còn tiền để về nên đành ghé xin ở tạm một gia đình đang trông coi cửa hàng cho nhà chồng. Chủ nhà báo với gia đình Toàn và Toàn đã đến đón vợ về.
Những ngày tháng sống xa nhau, Toàn thấy mình có lỗi nên muốn quay lại cuộc sống vợ chồng hạnh phúc như xưa. Vì vậy, Toàn dẫn Trà về Sài Gòn để xin lỗi mẹ Trà. Tuy nhiên, mẹ Trà kiên quyết không đồng ý cho Trà tiếp tục sống với Toàn. Bà dọa sẽ giết tất cả nếu Trà quay về sống với Toàn. Toàn đành nuốt nước mắt vào trong, để Trà ở lại và một mình quay về Phan Rang.
Sắc đẹp đã đi vào văn thơ Cánh báo chí, nhà văn tốn biết bao nhiêu giấy mực để miêu tả vẻ đẹp của cô Ba Trà, nào là cô ấy đẹp lắm, đẹp đổ quán xiêu đình, đài các như một bà hoàng, quần áo lụa cùng màu, có quàng khăn voan mỏng, ngồi trên xe mui trần lượn trên đường phố Sài Gòn. Vẻ đẹp đó làm mê hoặc bất cứ người đàn ông nào, bao gồm các tay chơi hào hoa khắp cả Nam Vang, Băng Cốc. |
Hoa Nguyên