Đến nay, nhạc sĩ Vinh Sử đã có hơn 1.000 tác phẩm. Các bài hát của ông gợi lên cuộc đời éo le, trắc trở của những người nghèo trong xã hội một cách bình dị, mộc mạc và dễ đi vào lòng người. Vì vậy, nhiều người thường tìm đến nhạc của ông như tìm đến một nơi để an ủi, chia sẻ những nỗi niềm. Cũng vì yêu thích mà họ đã phong cho ông danh hiệu: "Ông hoàng nhạc sến" của Việt Nam.
Nhạc sĩ Vinh Sử
Nhạc sĩ đặc biệt
Ngày còn trẻ, Vinh Sử chẳng khác gì một ông cụ non chính hiệu. Ông thích sáng tác những bài thơ thất ngôn bát cú nho nhỏ để có dịp là ngồi đối thơ với những cụ già 60-70 tuổi. Thơ của ông vần, và khá ý tứ nên được các cụ rất thích. Thấy Vinh Sử suốt ngày toàn chơi với người lớn tuổi nên bạn bè thường trêu chọc ông là người già trước tuổi. Không chỉ thích thơ văn, Vinh Sử còn rất mê cải lương. Ngày đó những giai điệu cải lương mượt mà và nhuần nhị đã thấm vào tâm hồn và tình cảm ông lúc nào không hay.
Tuy nhiên, đằng sau những sở thích ấy là một bản tính khá dữ dội, thích chơi ngông và vô cùng lập dị. Vinh Sử tâm sự: "Tôi thích cái gì đó khác người một chút. Chẳng hạn như có một chiếc xe, tôi sẽ gắn vào trước đầu xe rất nhiều phụ kiện. Có lần chạy ra đường, nhiều người chạy xung quanh tôi nhìn ngó rồi cười. Lúc đó nhiều người bạn của tôi nói rằng, người đi đường cười tôi và chê tôi khùng. Nhưng tôi không nghĩ vậy, họ cười là vì họ thích thú khi thấy một chiếc xe lạ và độc như vậy".
Có lẽ với bản tính ngao du, lãng tử như thế nên Vinh Sử tìm đến với âm nhạc như một "người tình tri kỷ", như để giãi bày và chia sẻ lòng mình. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm bún ở quận 4, TP.HCM, gia đình ông chỉ có một người cậu là nhạc sĩ Ba Tích là có máu văn nghệ. Ông Ba Tích là thầy giáo dạy piano ở trường Âm nhạc quốc gia. Thấy Vinh Sử thích nhạc, ông dắt Vinh Sử vào trường để học. Mới học được 1 năm rưỡi, trường đã đề nghị cậu Ba Tích đuổi “giùm” cậu học trò Vinh Sử vì không thể chịu nổi "thành tích quậy" nổi bật của anh này. Không có trường để học nhưng niềm đam mê với âm nhạc còn rất cháy bỏng nên Vinh Sử đành theo học thầy Dũng dạy nhạc ở quận 4.
Có thể nói con đường học nhạc của Vinh Sử không bằng phẳng bởi một phần do cá tính nghệ sĩ của ông. Thích làm những điều không theo khuôn khổ, luôn khao khát được tự do, nhưng điều làm nên sự thành công của ông đó chính là niềm đam mê âm nhạc thật sự. Chính niềm đam mê này đã tạo ra một người nhạc sĩ đặc biệt. Vinh Sử cho biết: "Không lúc nào là tôi không viết nhạc. Tôi viết nhạc như một cách để giãi bày những suy nghĩ và tâm sự của mình". Tìm đến âm nhạc như một người tình tri kỷ, không thể nào thiếu nên những lúc không có đàn, ông tự dạo nhạc trong tâm trí mình để sáng tác.
Giai đoạn những năm trước 1975, Vinh Sử có một thói quen là rất thích đi rạp hát, có khi cả ngày ông có mặt ở đó. Vào rạp hát không có đem đàn nhưng lúc nào ông cũng thủ sẵn một cuốn sổ. Ông tự ký hiệu cho mình, đồ là số 1, rê là số 2, mi là số 3…Có lần, trong rạp hát, ông nghe thấy một cô gái nói chuyện. Mỗi lần cô gái nói đến chữ "khi không" thì trong ông lại trào lên một cảm xúc rất đặc biệt. "Khi không, khi không" giai điệu đó cứ ám ảnh ông liên tục. Nó buộc ông phải dạo nhạc trong tâm trí rồi ghi lại những giai điệu đó vào sổ, đến khi về nhà ông lại thêm lời vào. Vậy là thành một bản nhạc đầy cảm xúc và đi vào lòng người được hình thành và bài hát "Khi không" đã ra đời một cách tự nhiên như vậy.
Nói về chuyện sáng tác âm nhạc của mình, nhạc sĩ Vinh Sử cho biết: "Đối với riêng tôi, sáng tác một bài hát rất dễ. Những lúc sáng tác nhanh thì trong một ngày là đã có thể hoàn thành một bài hát. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào giai điệu đầu tiên trong bài hát. Có những giai điệu hay, lời đẹp như một chất xúc tác kỳ diệu để tôi hoàn thành bài nhạc một cách nhanh chóng. Cũng có những bài nhạc tôi viết trong 6 tháng trời, vì không tìm được lời hay gây cảm xúc cho mình".
Các bài hát của Vinh Sử thường có giai điệu nhẹ nhàng, hơi man mác buồn. Điều này cũng do một phần ảnh hưởng bởi các giai điệu của những bài cải lương mà ông được nghe từ nhỏ. Vinh Sử thẳng thắn cho biết: "Nhạc của tôi mang âm hưởng ngũ cung nhiều hơn. Đó cũng là một phong cách bao trùm các sáng tác của tôi".
Nói nhạc sĩ Vinh Sử đặc biệt dễ tính cũng đúng. Nhiều ca sĩ hát sai lời của ông, thậm chí sáng tác lời khác, ông cũng bỏ qua. Nhạc sĩ Vinh Sử bảo: "Nhiều ca sĩ thích sửa lời của tôi, nhưng khán giả lại thích những ca từ của tôi đặt hơn, vì những ca từ ấy gợi lên những hình ảnh sống động và hình tượng hơn. Chẳng hạn như có ca sĩ sửa lời câu "tim em ai bắn mũi tên lạnh lùng", thì sửa lại "tim em anh khóa để thêm lạnh lùng". Nhưng cuối cùng khán giả vẫn thích lời của tôi hơn...".
Nhạc sĩ Vinh Sử trong một chương trình ca nhạc
Số phận của bài hát nằm trong đống rác
Tự nhận thấy khiếu âm nhạc của mình, Vinh Sử xin cha một số tiền để làm nhạc. Có đĩa nhạc, ông tìm đến hãng Minh Phát, rao bán, nhưng họ hẹn Vinh Sử sẽ trả lời sau. Từ ngày bán chiếc đĩa đi, Vinh Sử luôn nôn nóng trong lòng. Ngày nào ông cũng ra chỗ bán nhạc để xem Minh Phát có đồng ý mua nhạc của mình không. Ngày nào bóng dáng người nhạc sĩ cũng thấp thoáng vì ông mong họ nhìn thấy mình để trả lời việc mua bản nhạc nhưng khổ nỗi những người trong Minh Phát cứ làm lơ. Bỗng một hôm, Vinh Sử vô tình thấy trong đống rác có bài hát của mình.
Tác phẩm mà ông đặt hết cả tâm huyết vào đó giờ đây nằm chung với đống rác bẩn, khiến cảm xúc buồn và tức giận dâng lên nghẹn đắng. Không thể chịu nổi cách người ta đối xử với "đứa con tinh thần" của mình một cách tệ bạc như vậy, Vinh Sử không nói thêm bất cứ lời nào mà nhặt chiếc đĩa rồi bỏ đi.
Quá buồn chán, Vinh Sử đi lang thang thì vô tình gặp lại một người bạn. Nhìn thấy Vinh Sử, người bạn mừng rỡ kêu: "Ê vô đây nhậu đi". Đang lúc buồn tình vì bài nhạc mà mình tâm huyết bị đối xử một cách tàn tệ, trong túi lại không còn lấy một đồng bạc cuối cùng mà bước vô quán để ngồi không thì kỳ quá. Thấy Vinh Sử có vẻ phân vân, bạn anh liền bảo: "Trong đấy có trưởng phòng văn nghệ đầy đủ hết, vô đi để tôi giới thiệu cho làm quen". Trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, Vinh Sử lấy hết can đảm nói: "Thôi bây giờ anh cho em tiền mua điếu thuốc đi". Mua được gói thuốc, Vinh Sử mới can đảm bước vô quán ngồi.
Sau khi biết được hoàn cảnh của Vinh Sử và nghe xong bài hát "Yêu người chung vách", những người bạn của ông đã xin đài Phát thanh tại Sài Gòn cho phát bài hát này trong hai tuần lễ. Sau khi bài hát được phát, số phận của nó đã chuyển sang một giai đoạn mới, liên tục được độc giả tìm kiếm. Mọi người đổ xô đi tìm tác giả của bài hát, trong số những người đó có Minh Phát, người đã bỏ bài hát của Vinh Sử vào thùng rác hôm nào. Gặp Vinh Sử, ông niềm nở: "Tui kiếm chú lâu quá, chú đi đâu vậy?. Vinh Sử giả đò: "Kiếm tui làm gì?. Minh Phát trả lời: "Bài nhạc hôm trước giờ tui mua chú bán không?". Vinh Sử lúc này đã nhạy bén, liền ra yêu cầu: "Giờ anh muốn độc quyền phát hành bài hát của tui anh phải đưa tui tiền để tui in cho".
Dù không đi in, nhưng ông chủ Minh Phát vẫn vui vẻ nói: "Giờ in cho tui 10 ngàn bản đi". Sau khi giao xong 10 ngàn bản cho Minh Phát, Vinh Sử đã "biến mất" một thời gian. Thật ra là ông bỏ trốn vì sợ người ta đòi tiền lại, vì vào thời điểm đó, số tiền từ 10 ngàn bản in không phải là nhỏ.
Bìa một Album nhạc của Vinh Sử
Đang trốn chui trốn lủi vì sợ bị đòi lại tiền thì một hôm đi bộ trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM) bỗng có một người đi xe honda chặn đầu Vinh Sử lại. Ngước mặt lên nhìn, Vinh Sử thấy người mà ông đang lo sợ gặp nhất. Người ông lạnh toát trong khi người kia vẫn đều đều giọng: "Hổm rày tui kiếm Vinh Sử hoài mà không thấy mặt".
Ngỡ là mình bị đòi lại số tiền đã nhận, Vinh Sử hồi hộp hỏi: "Anh kiếm em chi vậy anh?". Người kia trả lời: "Kiếm Vinh Sử để in thêm nhạc chứ làm chi?". Quá sung sướng vì nhạc của mình ngày càng được in với số lượng lớn hơn, Vinh Sử tiếp tục tung ra các bài hát khác như: Nhẫn cỏ trao em, Nhành cây trứng cá, Làm dâu xứ lạ, Người phu kéo mo cau… Như một hiệu ứng dây chuyền, các bài hát của Vinh Sử được khán giả tiếp tục yêu thích và được đặt hàng liên tục.
Từ một bài hát bị bỏ vào sọt rác không ai nhìn đến, cuộc đời đã đẩy đưa nó thành một tác phẩm nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Sự hồi sinh kỳ diệu của bài hát này đã khiến cho những bài hát khác của Vinh Sử được nhiều người quan tâm và mến mộ hơn nữa. Chính sự yêu thích này của khán giả đã đưa cuộc đời Vinh Sử sang một trang khác. Một tương lai sáng lạn và nhiều may mắn hơn, một tương lai mà chính Vinh Sử cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đạt được. Tiền bạc và danh tiếng lần lượt đến với ông một cách nhanh chóng. Với nhiều bài hát mang âm hưởng cung đình, Vinh Sử nhanh chóng được mọi người phong là "vua nhạc sến" được nhiều người yêu mến.
Hợp Phố