Mới phẫu thuật được một nửa "cánh tay khỉ"
Đầu năm 2013, dư luận quan tâm rất nhiều đến trường hợp phẫu thuật thành công phần cánh tay mắc chứng u hắc tố da hiếm gặp của bệnh nhi Đỗ Đình Hải Hưng (sinh năm 2007, cụm 8, xã Hiệp Thuận, Phúc Thọ, Hà Nội). Ngày 13/6, PV Nguoiduatin.vn đã tìm về gia đình bé Hưng để ghi lại những thay đổi sau phẫu thuật của phần tay bên phải bị u hắc tố mà mọi người trong gia đình vẫn quen gọi là "cánh tay khỉ" này.
Bé Đỗ Đình Hải Hưng và mẹ
Nói về hành trình phẫu thuật "cánh tay khỉ" cho con, chị Đỗ Thị Thắm (sinh năm 1987), mẹ bé Hưng cho biết, tháng 9/2012, gia đình đưa bé Hưng xuống viện Nhi Trung ương thăm khám và nhập viện ngay sau đó. Bé Hưng đã trải qua rất nhiều lần phẫu thuật lớn, nhỏ khác nhau. Các bác sĩ đã tiến hành cấy bóng da vào một bên sườn phải và bơm bóng da rồi ghép phần tay bị u hắc tố vào đó. Phần tay ghép tay vào bóng da được nuôi trong 6 tuần.
Tháng 1/2013, phần tay được tách khỏi bóng, lớp da bị đen được bóc tách. Lần này, các bác sĩ chỉ tiến hành phẫu thuật được một nửa cánh tay phía trên (chiều dài khoảng 20cm). Lý do là sức khỏe của bé còn yếu, không thể cấy bóng da đủ cho cả cánh tay và những phần da bị u hắc tố lấm chấm khắp cơ thể. Lần đầu, do thiếu da nên đã phải lấy ở cả bụng, lưng. Bóng da được cấy ghép phải mua ở nước ngoài với giá hơn 3 triệu đồng cho một lần phẫu thuật. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng giới thiệu trường hợp bệnh lạ của bé Đỗ Đình Hải Hưng cho các bác sĩ nước ngoài. Ngay sau đó, hai ngón tay bị u hắc tố của bé Hưng đã được bác sĩ nước ngoài tiến hành phẫu thuật.
"Trong thời gian ghép bóng da ở sườn và một phần nhỏ ở bụng cho cháu, do bóng bơm căng, cuống bóng nhọn đâm vào vết mổ nội soi gây nứt. Con tôi bị nhiễm trùng nên phải tiến hành mổ sớm. Ngày đó, gia đình tôi cứ nhìn vào phần bóng bơm ở bụng của con trai mà sợ nó căng tới mức có thể vỡ ra bất cứ lúc nào. Hưng thì lại rất gầy yếu", chị Thắm chia sẻ.
Theo lời của chị Thắm và chồng là anh Đỗ Đình Đính (sinh năm 1984), việc phẫu thuật cánh tay cho bé Hưng do bác sĩ Ngô Anh Tú, khoa Ngoại tiết niệu, bệnh viện Nhi Trung ương trực tiếp làm. Đồng thời, có sự trợ giúp của cả một ê kíp trong bệnh viện. Hiện, bác sĩ Tú đang đi nước ngoài và hẹn gia đình một năm sau đưa cháu đến để tiến hành phẫu thuật nốt nửa cánh tay bị u hắc tố còn lại.
Vạch cho tôi xem chỗ bơm bóng, vết sẹo lồi chằng chịt trên thân thể gầy còm của bé Hưng, một nửa tay phải phía trên đã trở lại bình thường, nửa còn lại đen và nhiều lông rậm. Chị Thắm xót xa: "Lần tới này, gia đình sẽ phải mua một bóng da nữa. Sau đó, cấy một lần, mổ một lần xong lại bơm mỗi tuần một lần. Sau ba tháng, bóng mới căng tối đa 800ml thì có thể tách, ghép vào tay của cháu. Thời gian ghép mất gần hai tháng. Đợt phẫu thuật tiếp theo các bác sĩ bảo chỉ làm được ở tay và mũi, còn các chấm đen trên mặt không làm vì cháu sẽ bị đau". Chưa để vợ nói hết lời, anh Đính xen ngang: "Chữa được bệnh lạ cho cháu, gia đình tôi phấn khởi nhưng ai cũng ái ngại vì vết sẹo to lại chằng chịt khắp người con trai. Hy vọng những chấm đen quái ác ấy không bao giờ mọc lại thêm một lần nữa".
Sau phẫu thuật một nửa "cánh tay khỉ", hiện sức khỏe của bé Hưng vẫn còn yếu. Theo lời chị Thắm thì hiện bé bị nóng trong người và khó ăn uống. Chị bảo: "Nhiều khi mình thì rét còn bé cứ đòi mở quạt, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Cánh tay phẫu thuật hiện vẫn còn yếu lắm".
Phần cánh tay của bé Hải bị u hắc tố mới phẫu thuật được một nửa phía trên
Tỷ lệ mắc bệnh là 1/20.000
Theo các bác sỹ bệnh viện Nhi Trung ương, bé Hải Hưng mắc bệnh u hắc tố da hiếm gặp. Tỷ lệ mắc bệnh này ở trẻ là 1/20.000, trong đó chỉ có 1/500.000 trường hợp là bị nặng như bé Đỗ Đình Hải Hưng.
Trước đó, năm 2007, chị Thắm sinh đôi hai bé trai, đặt tên là Đỗ Đình Hải Phúc và Đỗ Đình Hải Hưng. Bé Phúc bình thường nhưng bé Hưng lại bị bệnh lạ khiến cả gia đình sửng sốt. Anh Đính kể lại: "Bé Hưng bị lấm chấm đen rải rác ở khắp người, trong đó, ở tay, mặt bị nhiều nhất. Bị thế này dù không đau, không ngứa nhưng tội nghiệp cho con quá. Vết đen lớn theo người chứ không mọc thêm, chỗ nào có chấm đen là lại mọc lông dài như lông khỉ. Ở nhà tôi thì họ hàng nội ngoại không ai mắc bệnh này. Vợ tôi chỉ làm đồng bãi, lúc mang thai cũng không bị đau ốm".
Chị Thắm sinh thiếu tháng và bị sản giật. Chị nhớ lại: "Sinh xong, tôi bị ngất một ngày, tưởng lúc ấy ba mẹ con đi luôn rồi. Vài ngày sau, người nhà mới cho tôi biết con trai bị bệnh lạ. Giờ về nhà bế con ngủ, mỗi khi nhìn ngắm con, tôi vẫn còn khóc, vì cả nội ngoại không ai bị bệnh lạ như vậy. Bác sĩ còn hỏi tôi rằng, bố cháu có đi bộ đội hay thế nào không mà con lại bị bệnh này. Thậm chí, có người còn bảo hai bé sinh đôi nhà tôi bị người ta đổi, họ còn khuyên gia đình tôi đi thử máu. Lúc ấy tôi nghĩ ai mà đổi được con mình, giờ bé giống mình như đúc. Ở quê, cũng có người bảo những chấm đen trên cơ thể bé Hưng là đánh dấu nên gia đình chủ quan không cho đi khám".
Khi bé Hưng còn nhỏ, phấn da bị u hắc tố chưa có lông đen nhưng lại nhăn nheo hơn hiện tại. Càng lớn, lông mọc trên những phần da này càng dài chẳng khác nào lông khỉ. Khi bé được một tháng tuổi, gia đình đưa bé Hưng đi phẫu thuật nhưng do không đi đúng tuyến nên chưa có kết quả. Anh Đính cho biết, các bác sĩ bảo lẽ ra phải phẫu thuật cho cháu từ lúc bé thì dễ dàng hơn. Khi đó, vết đen đang còn nhỏ nên sẽ mau khỏi hơn.
Mỗi khi đi lớp mẫu giáo, bị bạn bè trêu, có lần bé Hưng giận quá còn đánh bạn. Có bạn thì trêu là bé có tay khỉ, còn ở nhà, thi thoảng ông nội cháu vẫn trêu tay cháu bị cháy. Dù trời nóng nhưng theo lời chị Thắm, lúc nào bé Hưng cũng mặc áo dài, không dám mặc áo cộc vì sợ bạn bè trêu đùa. Người quen một chút thì không sao, hễ người lạ muốn xem tay là bé cáu gắt vì mặc cảm. Vết sẹo, vết mổ của bé chằng chịt, lồi lên rất nhiều. Mỗi lần tắm cho con, chị Thắm phải hết sức nhẹ nhàng, chỉ sợ con trai bị buốt. Chị cũng không yên tâm khi đưa bé ra trạm y tế xã để nhờ người rửa, băng vết mổ. Chị tự mua thuốc ở viện Nhi Trung ương về rồi vệ sinh vết thương cho con. Tất cả các công đoạn được chị hỏi ý kiến bác sĩ và làm thành thục. Cứ nghĩ đến những lúc con trai phải chịu đau đớn, người mẹ ấy có động lực để làm tất cả.
Bố sẽ đi chữa trắng cho con Hai vợ chồng chị Thắm đều làm nông, lúc không phải mùa màng thì chị đi may thuê cho mấy xưởng sản xuất gần nhà. Anh cũng làm thuê kiếm đồng ra đồng vào rồi cùng dành dụm tiền để hoàn thiện nốt ngôi nhà đang xây dang dở. Nhìn nụ cười hồn nhiên trên gương mặt con trai, anh chị chỉ mong sao con trai sớm chữa dứt được bệnh lạ để khỏi mặc cảm với bạn bè, để bé có thể ung dung khi bước vào lớp 1 mà không sợ bị ai gọi là "người khỉ". Anh Đỗ Đình Đính (SN 1984) bố cháu Hưng cứ nhắc mãi lời của Hưng: "Bố đi chữa cho con cho nó trắng, con không sợ đau đâu…". |
Yến Dương