Cuộc sống hoang dã của “Gia đình Robinson” trên đảo Quảng Ninh

Cuộc sống hoang dã của “Gia đình Robinson” trên đảo Quảng Ninh

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Người ta bảo gia đình ấy là "Robinson" dù nơi họ sống chỉ cách chốn đô hội thị trấn An Thới (Phú Quốc) chỉ khoảng 1 giờ chạy đò.

Diện kiến 4 con người giữa biển

Bên cái chõng ọp ẹp, ngay trước mặt lều, Trung gọi mãi, 2 đứa con ướt như chuột vừa lội nước mới rụt rè tiến đến, ngồi núp sau mẹ. 4 con người, ai cũng đen đúa, rách rưới, ướt át, lấm đầy dầu máy và cát biển. Người lớn, trẻ con tóc đều quắn, cháy vàng và xù lên không rõ nếp. Có lẽ đã lâu lắm rồi mới thấy người ăn bận "sạch sẽ và nhiều máy móc" (máy ảnh) nên họ cứ ngó nghiêng, trông rất lạ.

Pháp luật - Cuộc sống hoang dã của “Gia đình Robinson” trên đảo Quảng Ninh

Gia đình "Robinson" Vương Chính Trung sống hoang dã trên đảo.

Người đàn ông trụ cột mạnh dạn mở đầu câu chuyện: "Lâu rồi mới có người ghé thăm nhà, anh thông cảm", rồi anh tự giới thiệu tên là Vương Chính Trung, còn người phụ nữ ngồi cạnh khép nép cứ dấu mãi bàn tay tật nguyền sau tà áo sờn đen, chị là Lê Thị Quê. 2 cháu nhỏ là con ruột, đứa lớn 15 tuổi tên Vương Lê Ngọc Chánh, đứa nhỏ 12 tuổi là Vương Lê Hồng Thủy. Anh Trung năm nay 38 tuổi, chị Quê cũng vừa tròn 37, nhưng gầy gò, thêm khuyết răng nên trông như những người trên 50. Còn 2 đứa trẻ, một lớn một nhỏ suốt ngày ngâm dưới biển, còi cọc và đen cháy như vừa chui ra từ hầm than.

Trung kể cái duyên đến với hòn đảo xa xôi này là sự tình cờ. Quê gốc trong Hà Tiên, nhà nghèo, không được học hành, chỉ nay đây mai đó làm mướn kiếm sống qua ngày. Trong chuyến đi đánh lưới thuê cho một chủ ghe ở vùng biển cạnh hòn Rông Ngang, cập bờ để xin nước thì gặp chị Quê. Lúc đó trên hòn chỉ có gia đình ông Lê Văn Việt và bà Phạm Thị Thái. Ông bà có nhiều con nhưng tất cả đều không chịu được cảnh cách biệt, nên người vào Phú Quốc, kẻ về đất liền định cư, chỉ có cô gái Lê Thị Quê tật nguyền ở với cha mẹ. Trai quá lứa gặp gái lỡ thì, như duyên trời run rủi, cả 2 đem lòng thương nhau. Chỉ vài mâm cơm đạm bạc họ đã thành vợ chồng, rồi sinh liền 2 đứa con.

Thời gian sau thì cha chị Quê mất, mẹ chị thì nay ốm mai đau, cuối cùng cũng vào Phú Quốc ở. Đất đảo cha mẹ rỏ mồ hôi cất công khai phá, bỏ đi không đặng. Vậy nên, mẹ Quê gật đầu cho Trung về ở rể, cùng vợ cai quản hòn đảo cho tới bây giờ.

Tình yêu son sắc

"Tại sao anh chấp nhận đến với một người tật nguyền ở một nơi xa xôi và quá thiếu thốn, đầy tai ương như hòn Rông Ngang?", Chúng tôi hỏi, anh im lặng. Có lẽ anh định nói hai chữ tình yêu nhưng ngại. Chúng tôi hiểu. Chấp nhận đến với người phụ nữ tật nguyền, sẵn sàng đối mặt với vô vàn thiếu thốn nơi đảo xa thì chẳng cái gì khác ngoài trái tim chung thủy. Tôi thầm cảm phục, về một tình yêu son sắt, mộc mạc đang hiển hiện giữa bao la biển cả. Chị Quê có lẽ nhận ra sự thiệt thòi của bản thân nên ngoài tình yêu thương còn có gì đó như là ân huệ. Chị bảo, vợ chồng dù đói no cũng chưa từng một lần to tiếng khiến chúng tôi khâm phục và không khỏi xúc động

Trở lại cuộc sống đời thực, anh Trung cho biết, từ ngày ra đảo đến giờ vẫn cõng vợ cùng 2 con đi đánh cá xanh xương. Nhưng phương tiện thô sơ, nên không được nhiều, luôn thiếu ăn, đứt bữa. 4 con người, ngày mưa như ngày nắng, bắt đầu dong thuyền từ lúc tinh mơ và trở về khi mặt biển sập tối. Vậy mà số tiền kiếm được chẳng bõ bèn. Ngoài chi phí tiền dầu cũng chỉ chừa ra một ít đủ để quay vào Hòn Thơm đong mấy ký gạo lót dạ qua ngày.

Chị Quê bảo, ngày đủ gạo thì nấu cơm, bữa hụt lon thì nấu cháo, rồi cả gia đình cùng sì sụp. Cái nguyên nhân của thiếu ăn, đói bữa như chị Quê lý giải chính là vốn liếng không có, giá dầu lại cao, chiếc ghe đã đến thì mục ruỗng, vạt lưới cũ thủng lỗ cá chui vào lại tuột ra, nên kiếm miếng ăn còn chưa đủ. Anh chị chỉ ước làm sao dành dụm được chút tiền sắm lại tay lưới thì cuộc sống mới bớt phần bấp bênh. Nhưng có lẽ ước nguyện đó dường như quá xa vời.

Phút chạnh lòng

Chúng tôi như thắt lòng khi biết, 2 đứa con ở tuổi "búp trên cành" của vợ chồng anh Trung chưa hề biết chữ. Ngay từ lúc lọt lòng chúng đã tròng trành trong nôi, theo cha mẹ trên biển, làm nghề chài lưới. Chỉ có điều dường như các cháu bị tách biệt với thế giới bên ngoài nên rất ít nói, đặc biệt là nói không tròn tiếng và rất ngại tiếp xúc với người lạ. Chúng tôi hỏi mãi, đứa lớn là Ngọc Chánh mới trả lời mấy câu ngắn ngủn: "Cháu không thích đi học". Rồi 4 con người nhìn nhau với vẻ tủi thân, còn riêng tôi thì xót xa mường tượng về chủ nhân tương lai mịt mờ của hòn Rông Ngang. Rồi chúng cũng sẽ như cha mẹ chới với giữa biển, trong khi cuộc sống ngày càng khốn khó.

Kỳ Anh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.