Cuộc sống mới của gia đình 'bố ở cống nuôi con đại học'

Cuộc sống mới của gia đình 'bố ở cống nuôi con đại học'

Thứ 7, 31/08/2013 21:55

Căn phòng trọ rộng 12 m2 trở nên chật hẹp khi cả 5 thành viên gia đình thủ khoa ĐH Y Nguyễn Hữu Tiến quây quần bên bữa cơm tối. Người bố Nguyễn Hữu Định từ nay không ở cống hoang nữa mà về nhà sum họp.

Mâm cơm chỉ có bát canh rau và đĩa đậu phụ rán nhưng ai nấy đều ăn ngon lành.Vài ngày trước cả nhà đã chuyển về sống ở phòng trọ này, nhờ sự giúp đỡ của chủ nhà trọ. Sau khi về huyện Ứng Hòa dự lễ tuyên dương thủ khoa, chiều 30/8 Tiến và mẹ lên Hà Nội, tiện thể “khuân” thêm ít rau, lương thực ở nhà. 

Suốt bữa ăn tối, bà Thanh, mẹ Tiến, ngồi gắp thức ăn cho các con và không quên kể chuyện được nhiều người nhận ra khi đi ôtô. Ăn xong, hai anh em Tiến thích thú khám phá chiếc laptop vừa được nhà hảo tâm tặng. Cậu em hào hứng khoe với cả nhà vừa thi vào lớp cử nhân tài năng của ĐH Bách khoa…

Gần chục năm mưu sinh ở thủ đô, vợ chồng ông Định (thôn Động Phí, Ứng Hòa, Hà Nội) chưa bao giờ nghĩ có ngày cả nhà lại được cùng ăn bữa cơm ấm cúng trong căn phòng sáng điện như thế này. Suốt một thập kỷ lao động tự do, ông Định chỉ biết tới vỉa hè, hiên nhà vệ sinh công cộng hay ống cống tối tăm làm chỗ ngả lưng để nuôi con ăn học.

Xã hội - Cuộc sống mới của gia đình 'bố ở cống nuôi con đại học'

Căn phòng tiện nghi ở chung cư mini trên phố Pháo Đài Láng này được một chủ nhà trọ tốt bụng mời cả gia đình ông Định về ở miễn phí trong 3 năm, sau khi biết được người cha phải ở ống cống để dành tiền nuôi các con học đại học. Ông Định cũng được chủ nhà mời làm quản lý chung cư gồm hơn chục phòng trọ này với lương 2,5 triệu đồng một tháng. 

Ngoài quản lý chung cư, ông Định và các con còn nhận trông xe cho khách ra vào. Số tiền trông xe gia đình ông được giữ cả. Trong phòng, ngoài chiếc giường một và khoảng trống vừa đủ trải thêm chiếc chiếu, ở góc còn có tủ lạnh, tivi được chủ nhà cho mượn. Diện tích còn lại để bếp gas và chiếc bàn đầy ắp sách vở của anh em Tiến.

Hàng tháng, gia đình ông được miễn phí một số tiền điện nước sinh hoạt, wi-fi, dùng quá định mức mới phải trả tiền. Hiện tại, chỉ có vợ chồng ông Định và hai con trai sống ở nơi ngụ cư mới. Cuối tuần, hai chị gái Tiến bắt xe buýt sang chỗ bố mẹ và em chơi.

Ông Định chia sẻ ban đầu rất đắn đo khi nhận được lời mời làm quản lý phòng trọ. "Sau thấy công việc ổn định, có lương, gia đình lại được tạo điều kiện ở miễn phí trong căn phòng khép kín dưới tầng 1, vợ chồng tôi mới tạm yên lòng", người cha cho biết.

Xã hội - Cuộc sống mới của gia đình 'bố ở cống nuôi con đại học' (Hình 2).

Thủ khoa Tiến đã nhập học được hai buổi. Nhà cách trường tầm 4-5 km, chưa mang được xe đạp từ quê lên, cậu tạm thời đi học bằng xe buýt. Tân sinh viên rất hào hứng với trường lớp và bạn bè mới. Tiến khoe một chị khóa trên còn cho cậu mượn toàn bộ sách vở nên cũng đỡ phần nào.

Tiến cũng được nhiều phụ huynh mời làm gia sư môn Toán, Sinh cho con mình. Do chưa thông thạo đường sá ở Hà Nội nên cậu chưa dám nhận lời. Tiến chia sẻ, ngoài việc học, cậu muốn đi làm thêm để đỡ đần bố mẹ.

Mấy hôm rồi mẹ Tiến nghỉ việc vặt lông vịt ở quê lên Hà Nội lo cơm nước cho hai con trai. Thu nhập của cả gia đình giờ trông vào tiền lương 2,5 triệu đồng hàng tháng và tiền trông xe chung cư. Nhắc tới tiền học phí của cả 4 đứa con học đại học sắp phải đóng, bà tâm sự: “Lo lắm chứ nhưng không sao, ‘cháo nóng húp quanh’. Thiếu đâu vợ chồng tôi lại vay mượn rồi trả dần. Miễn là cả 4 đứa còn học được thì chúng tôi vẫn cho học”.

Xã hội - Cuộc sống mới của gia đình 'bố ở cống nuôi con đại học' (Hình 3).

Quay sang chồng, bà chia sẻ mong muốn lo cho hai đứa con gái học để sau này cuộc sống đỡ vất vả như bố mẹ. Nhiều người từng khuyên ông bà chỉ nên đầu tư cho hai con trai, còn con gái “học ít thôi” rồi làm “vài chục mâm” (cưới) là xong. Bỏ ngoài tai những lời đó, vợ chồng ông Định vẫn quyết tâm chắt chiu cho các con ăn học.

Mẹ Tiến tâm sự, hồi lớp 2, lớp 3, hai anh em Tiến và Tiền xin bố mẹ cho học lớp chọn như các chị. Biết học lớp chọn sẽ tốn kém hơn, cả hai bảo mẹ “ghi sổ nợ”, sau này thành tài sẽ báo đáp. Tới giờ, bà Thanh vẫn nhắc đến chuyện “ghi sổ nợ” từ cấp 1 cho tới đại học của hai con như câu chuyện vui.

Có việc làm, lại không phải lo chỗ ở, nhìn các con vui vẻ, vợ chồng ông Định mừng vui lẫn lộn. Công việc quản lý chung cư nhàn hạ nên ông Định dành cho vợ, còn mình thì tính vẫn làm nghề cũ, ra đường bơm vá xe, ai thuê gì làm nấy kiếm thêm ít tiền.

Với số điểm 29,5, Nguyễn Hữu Tiến trở thành thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh 2013 của ĐH Y Hà Nội. Cậu em song sinh với Tiến là Nguyễn Hữu Tiền cũng thi đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tiến và Tiền luôn là học sinh giỏi toàn diện, đoạt giải Nhì môn Toán cấp thành phố. Bản thân Tiến nhiều năm được chọn là học sinh tiêu biểu cho trường THPT Ứng Hòa để tham gia các kỳ tuyên dương gương học tốt của thành phố. Hai chị gái của Tiến hiện cũng là sinh viên ở Hà Nội.

Với 6 miệng ăn và 4 người con đi học, gia đình Tiến là một trong những hộ cận nghèo của xã. Để có tiền cho con đi học, mẹ Tiến nhổ lông vịt thuê từ đêm đến sáng, phụ hồ kiếm thêm. Bố Tiến, ông Nguyễn Hữu Định, chấp nhận cuộc sống màn trời chiếu đất ở Hà Nội suốt 10 năm để dành dụm gửi tiền về nuôi con. Để tiết kiệm, ông Định ngủ dưới gầm cầu, vỉa hè, dưới hiên nhà vệ sinh công cộng hay trong ống cống bỏ hoang.

Theo Bình Minh/VnExpress

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.