Cuộc sống thực của con gái nhà lãnh tụ Lê Mao

Thứ 5, 27/12/2012 23:57

Bà Lê Thị Nâycon gái duy nhất của nhà cách mạng Lê Mao có cuộc sống đơn giản nhưng ấm cúng. Mỗi khi thấy nặng lòng bà lại đứng trước hương án thắp cho cha một nén nhang, nói với cha vài điều thế là lòng ấm lại.

Bố mất khi bà lọt lòng chưa được bao lâu, vì vậy bà Nây chỉ biết về cha mình qua lời kể của mẹ, của bà nội và của những người khác.

Bà Lê Thị Nây - con gái nhà lãnh tụ Lê Mao

Cuộc đời thầm lặng

Ở thành phố Vinh (Nghệ An ), cái tên Lê Mao (người chiến sỹ Cộng sản ưu tú, kiên trung) không còn xa lạ đối với bất kỳ ai vì tên ông đã được lấy làm tên gọi cho một phường lớn và một con đường đẹp ngay trung tâm của thành phố. Vậy nhưng khi chúng tôi tìm hỏi về người con gái duy nhất của Lê Mao thì thật bất ngờ khi không nhiều người biết đến. Thậm chí, những người sống ngay trong khối phố cũng chỉ biết bà Lê Thị Nây chứ không biết bà là con gái của một trong những lãnh tụ ưu tú cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931.

Từ khi cha anh dũng hy sinh (1931) đến vài chục năm sau thì mẹ bà cũng trút hơi thở cuối cùng (1956), không còn người thân, bà Nây phải tự lo cho cuộc sống của mình. Cũng như bao người dân khác ở trong vùng, bà sống bằng sức lao động của mình chứ chưa một lần đòi hỏi những quyền lợi từ sự hy sinh của người cha.

Trong ngôi nhà nhỏ chứa đầy sách giáo khoa, giáo trình đại học ở khối 4, phường Bến Thủy, bà Lê Thị Nây (80 tuổi) kể, hằng ngày, bà vẫn làm công việc vặt trong nhà đỡ đần cho cô con gái thứ 6. Bà nói: "Mình lao động quen chân, quen tay rồi, giờ mà ngồi không là khó chịu lắm". Sự bình dị là điều mà chúng tôi bắt gặp và rất ấn tượng khi gặp và nói chuyện cùng người con gái của nhà cách mạng lỗi lạc Lê Mao.

Sau khi cha qua đời, một mình mẹ vất vả nuôi sống gia đình. Cuộc sống khó khăn nên đầu năm 1948 cô Nây quyết định lập gia đình cùng anh Lê Xuân Thìn ở cùng làng. Sau khi lấy chồng, cả hai người xin vào làm việc tại Hợp tác xã sản xuất Trung Đô - Vinh. Ông bà sinh tất cả được 9 người con, hiện bà đang sống với con gái thứ 6 là chị Lê Thị Hòa làm nghề buôn bán sách giáo khoa, giáo trình đại học ở gần trường Đại học Vinh. Đông con nên dù hai vợ chồng bà đã làm việc cật lực, ngoài 10 tiếng đồng hồ trong hợp tác xã thì ông bà còn nhận thêm khá nhiều ruộng nhưng cuộc sống vẫn rất túng thiếu, khó khăn. Chị Hòa cho biết: "Gia đình khó khăn nên chúng tôi học hành không được đến nới đến chốn, bữa ăn nhiều khi chỉ có khoai mà thôi".

Nhà nghèo, lại đông con nên kinh tế gia đình bà rất chật vật, ngoài việc làm công nhân trong nhà máy, mẹ con bà còn nhận khoán thêm mấy sào ruộng để có thêm thu nhập. Năm 1972, khi giặc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2, chúng điên cuồng ném bom lên thành phố Vinh, người con gái thứ ba của bà là chị Lê Thị Lý đã bị bom đánh chết khi đang sản xuất nông nghiệp ở ngoài đồng.

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, người mẹ trẻ chưa kịp nguôi ngoai khi con gái mất thì bà lại nhận được hung tin. Năm 1976, nối tiếp dòng máu cách mạng của ông ngoại, Lê Xuân Lợi, con trai thứ tư của bà Nây đã xung phong lên đường nhập ngũ. Đơn vị của anh nhận nhiệm vụ đi chiến đấu tình nguyện ở chiến trường Campuchia. Năm 1982, sau thời gian dài chiến đấu anh dũng, Lê Xuân Lợi đã hy sinh trên đất nước bạn.

Sau khi mất hai người con, chồng bà sau thời gian dài mắc bệnh hen suyễn, vì nhà nghèo, không có tiền nên đành nằm dài chờ chết, đến năm 1983 cũng trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Nước mắt bà Nây tưởng chừng không còn để khóc khi chưa đầy 7 năm đã mất đi ba người thân trong gia đình.

Bà Nây và con trai cả

Những người con của ông bà hiện nay đều trưởng thành, tuy nhiên, cuộc sống của họ vẫn vô cùng khó khăn. Không học hành đỗ đạt nên tất cả đều làm lao động phổ thông, kiếm sống qua ngày bằng các nghề như xe ôm, quét rác.

Anh Lê Xuân Vinh (62 tuổi, ngụ ở khối 3, phường Trung Đô), con trai đầu của bà Nây (cháu ngoại của Liệt sỹ Lê Mao) chia sẻ: "ông ngoại tôi mất từ khi mẹ tôi còn quá nhỏ, thật tiếc khi chúng tôi là những thế hệ sau mà không có nhiều thông tin về cụ, mẹ tôi cũng chỉ nhớ mang máng qua lời kể mà giờ bà đã nhiều tuổi, trí nhớ không còn tốt nữa. Là con đầu, thương mẹ nhưng tôi cũng không biết làm sao vì cuộc sống còn nhiều khó khăn quá. Đã nhiều lần anh em tôi tổ chức lên hỏi các cấp, các ngành về chế độ cho bà nhưng chưa nhận được câu trả lời". Được biết, hiện nay bà Nây đang sống bằng tiền tuất của người con trai hy sinh bên Campuchia, mỗi tháng được 770 ngàn đồng.

Hồi ức mờ về người cha

Khi được hỏi về hình ảnh người cha thì bà cho biết bà chỉ nhớ lại qua lời kể của mẹ, của bà và mọi người vì cha bà đã mất khi bà mới được vài tháng tuổi. Còn quá nhỏ nên những ký ức của bà đối với người cha giàu lý tưởng cách mạng chưa hình thành. Bà Nây cho biết: "Thỉnh thoảng cũng có người bên báo chí, bảo tàng đến hỏi chuyện tôi về ông cụ (Lê Mao - PV) để làm tư liệu nhưng thật tiếc là gia đình tôi không có nhiều thông tin".

Ảnh Lê Mao (đầu tiên bên trái) ở Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Khi cha đã hy sinh được vài năm, mẹ thường hay kể cho bà nghe về người thanh niên ưu tú đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng. Dù không nhớ được hình dáng của cha nhưng những lời kể của mẹ cũng đã giúp bà phần nào đó tưởng tượng ra.

Bà nhớ lại: "Có lần mẹ tôi nằm khóc rồi bà tả lại hình dáng cha cho tôi nghe. Theo lời của bà thì cha tôi là một thanh niên có vóc người vạm vỡ, cao chừng 1m65, dáng đi chắc nịch, khuôn mặt vuông vức, đôi mắt sáng quắc. Từ lúc cưới nhau cho đến khi tôi chào đời, ông cụ ngoài thời gian hoạt động ở Vinh thì lại đi công tác, họp hành biền biệt, mẹ tôi cũng buồn nhưng bà lại rất hiểu cho công việc, cho lý tưởng của chồng".

Bà nhớ lại lời kể của mẹ: "Nghe nói lúc sinh thời, để dễ bề hoạt động, tránh khỏi sự nghi ngờ của bọn mật thám, cha tôi đã từng dùng một chiếc đĩa sứ của gia đình hành nghề thầy bói. Qua những lần tổ chức xem quẻ cho khách, ông cụ đã bí mật xen vào đó những cuộc họp bàn về cách thức hoạt động cũng như tình hình của chi bộ Đảng Vinh - Bến Thủy cùng các đồng chí của mình. Hiện nay, chiếc đĩa sứ của gia đình tôi hồi đó vẫn còn và được trưng bày ở Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh".

Sau khi tuổi đã về già, bà Nây chỉ có một nỗi niềm đó là xin được một miếng đất nhỏ để xây một cái nhà thờ nhỏ thờ cúng cha. Bà cho biết, suốt 7 năm trời (1990 - 1997) gia đình đã đi lại nhiều cơ quan, nhiều cấp ngành nhưng vẫn chưa xin được đất xây nhà thờ. Đó vẫn là điều trăn trở, day dứt của con cháu nhà cách mạng Lê Mao.

Chia tay ra về, chúng tôi nhận thấy bà Nây có điều gì đó còn tiếc nuối. Bà tiếc vì không có nhiều tư liệu, thông tin về người cha ưu tú để cung cấp cho nhà báo. Còn chúng tôi lại có những ấn tượng bất ngờ về cuộc sống quá đỗi bình dị của người con gái vị lãnh tụ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh hào hùng.

Ngọc Hồ - Loan Nguyễn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.