Thời gian gần đây, truyền thông thế giới đã đưa nhiều thông tin về việc Nga ráo riết chuẩn bị chỗ trú ẩn cho người dân phòng khi chiến tranh hạt nhân xảy ra.
Theo đó, đầu tháng 10, ban lãnh đạo của sân vận động Zenit Arena, sân vận động cỡ lớn đang được xây dựng ở St. Petersburg để chuẩn bị cho World Cup 2018, nhận được yêu cầu từ Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga về việc nhanh chóng phải chuẩn bị chỗ trú ẩn an toàn cho người dân trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Trước đó, cuối tháng 9, lãnh đạo thành phố Perm, thành phố có tới 1 triệu dân ở khu vực Ural của Nga, cũng cho biết đã chuẩn bị các điểm trú ẩn để nhân viên có thể làm việc ngay cả trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao giữa thời bình mà Nga lại thể hiện sự đề phòng chiến tranh hạt nhân cao độ đến như vậy?
Theo các chuyên gia, căng thẳng giữa Nga và NATO hiện còn nguy hiểm hơn cả căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Thời Chiến tranh Lạnh, sức mạnh quân sự giữa NATO và khối Warsaw có sự cân bằng. Hơn nữa, Mỹ và các nước trong khối NATO thiết lập kênh đối thoại trực tiếp với Liên Xô khiến căng thẳng chưa bao giờ biến thành một cuộc chiến tranh thực sự.
Thế nhưng hiện tại, trong con mắt của phương Tây, căng thẳng giữa Nga và NATO tại Đông Âu sẽ có thể biến thành một cuộc chiến tranh hạt nhân lớn.
“Chiến tranh Lạnh có thể đang trở lại? Tôi nghĩ tình hình có thể còn trở nên nguy hiểm hơn thế”, Tướng Richard Shirreff, cựu Phó Tư lệnh Tối cao NATO phát biểu tại một diễn đàn tổ chức tại Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) hôm 19/10 vừa qua.
Tướng Shirreff cho rằng các quốc gia Tây Âu mặc dù có nền kinh tế tương đối phát triển, song khả năng quân sự lại không tốt.
Vì vậy, Nga có thể thử thách quyết tâm của các nước châu Âu và đẩy các nước này đến căng thẳng.
“Nga luôn coi trọng sức mạnh và khinh ghét sự yếu đuối, và vì vậy họ luôn tìm điểm yếu của đối thủ của mình”, ông Shirreff nói.
Theo quan điểm của vị tướng này, Nga luôn tìm cách đánh vào điểm yếu và tìm cách chia rẽ quan hệ giữa các nước phương Tây, đặc biệt là giữa Mỹ và các nước đồng minh châu Âu.
Moscow có thể dễ dàng gây sức ép đối với vùng Baltic. Nếu phương Tây phát hiện có sự xâm phạm của Nga, một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể sẽ xảy ra. “Nếu một binh sĩ Nga xâm phạm lãnh thổ một nước vùng Baltic, điều đó có nghĩa Mỹ đang bị xâm phạm, và như tôi đã nói trước đó, một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra”, ông Shirreff nhận định.
Các nhà bình luận trên những phương tiện truyền thông nhà nước Nga cũng đã chỉ trích Mỹ mạnh mẽ. Nhà bình luận có uy tín Dmitry Kiselyov phát biểu trong tháng này sau khi một kế hoạch hòa bình cho Syria sụp đổ: “Nga phát ốm vì những lời nói dối kiêu ngạo của Mỹ”.
Đặc biệt, sau vụ các máy bay liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích nhầm vào binh lính Syria hồi tháng 9 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng các hệ thống phòng không của nước này có thể sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay Mỹ nào đe dọa các lực lượng của họ.
Ánh Viên