Người lính "Cộng sản ba không"
Chiến tranh đã lùi xa, song với ông Phùng Quốc Triệu (xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội)- cựu tù Côn Đảo, mỗi chi tiết nhỏ của ký ức ngày nào vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua, thiêng liêng và nguyên vẹn. Ông nhớ lại: "Tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng khổ nhục bị đầy ải, tra tấn dã man ở nhà tù Côn Đảo. Những năm tháng đã ăn hằn trong trí và nằm lòng tôi. Giờ lục lại quá khứ, tôi nhớ không ít đồng đội của mình đã không có cơ may sống sót trở về đoàn tụ với gia đình...".
Tù nhân nam bị nhốt nơi chuồng cọp - Ảnh tư liệu.
Trò chuyện với PV, ông Triệu cho biết, tháng 5/1965 ông bắt đầu nhập ngũ ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Theo tiếng gọi của mặt trận miền Nam, tháng 1/1967, ông cùng với hàng triệu thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu. Sau 3 tháng hành quân và huấn luyện, tháng 4/1967, ông đảm nhận nhiệm vụ tiểu đội trưởng làm nhiệm vụ giữ thông tin liên lạc cho các đơn vị tham gia chiến đấu tại đơn vị 208A (bộ phận tên lửa DKB), làng 2, công trường 9, miền Đông Nam Bộ.
Khi ấy, sân bay Đồng Dù và Tân Sơn Nhất là mặt trận mà ông Triệu cùng các đồng đội phải đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc. Khi đang chiến đấu tại sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị cho trận đánh tết Mậu Thân 1968, bất ngờ, đơn vị ông bị trúng pháo, sập hầm. Ông và một số đồng đội may mắn sống sót nhưng lại rơi vào tay của quân ngụy. Chúng bắt ông cùng những người lính khác về giam giữ ở phòng Nhì, Sài Gòn. Ở đây, lính ngụy sử dụng nhiều hình thức tra tấn dã man hòng bắt ông khai nhận những tin tức về hành trình di chuyển của quân ta từ Tây Ninh xuống Sài Gòn.
Trong những đòn tra tấn dã man mà ông đã từng nếm trải, ông Triệu không thể nào quên "đòn" tra tấn hiểm ác bằng việc dùng điện gí vào tai, thậm chí chúng còn cho ông vào thùng phi, đổ đầy nước lấy gậy đập mạnh phía ngoài thùng phi khiến cho ông bị sức ép, đau tim và hộc máu. Sau chuỗi ngày tra tấn, chúng không khai thác được thông tin gì và quy ông là "Cộng sản 3 không" (không biết, không thấy, không nói-PV) và tiếp tục giam giữ, tra tấn.
Sống trong "địa ngục trần gian"
Ngày 17/8, ông Triệu bị dẫn giải từ phòng Nhì, Sài Gòn ra giam giữ tại trại giam Biên Hòa. Thời gian ngắn ngủi ở đây, ông Triệu được "tạm tha" không bị tra tấn. Ngày 30/8, ông Triệu bị đày ra Côn Đảo. Với ông, đó là những ngày tháng sống ở "địa ngục trần gian". Hằng ngày, ông và những người đồng đội bị quân địch tra tấn bằng hình phạt nhốt vào chuồng cọp. Nói đến đây, giọng ông Triệu lạc đi. Những hình ảnh về khu chuồng cọp bao quanh bằng dây thép gai, căn phòng chật chội lại ùa về trong ký ức của ông. Bất cứ ai bị nhốt vào chuồng cọp đều phải chịu cảnh đứng không đứng được, ngồi không ngồi được.
"Gần một tháng phải sống trong chuồng cọp kẽm gai, toàn bộ mảng da ở lưng của tôi bị phồng rộp, các bệnh về da thì tôi đã từng mắc phải và cũng chẳng còn nhớ nổi là mình đã bị những bệnh gì nữa. Mỗi ngày, chúng tôi đều ăn, ngủ, đi lại trong chiếc chuồng cọp đó dưới sự giám sát 24/24 của những tên cai ngục. Chỉ lúc được dẫn đi nhà xí là lúc chúng tôi cảm thấy thoải mái nhất, là được đứng thẳng", ông Triệu nhớ lại.
Trong tâm trí ông Triệu, ngày 30/8/1968 vẫn còn hằn sâu. Đó là ngày ông bị quân Ngụy dẫn giải ra nhà tù Côn Đảo (Phú Quốc). Ông bảo lúc bị dẫn giải đi cũng chỉ nghĩ chúng chuyển nhà lao, ít ai nghĩ rằng đó là thời điểm bắt đầu cho gần 5 năm biệt tích ở nhà lao được coi là "địa ngục trần gian", có đi mà không có ngày trở về. Tại nhà tù Côn Đảo, ông Triệu đã nếm trải đủ ngón đòn tra tấn dã man chỉ có trong thời trung cổ. Chúng đánh đập, nhốt vào chuồng cọp, rải vôi sống, cho phơi nắng sương nhiều tuần liền nhằm mục đích bắt những người tham gia cách mạng ký đơn xin tự ly khai.
Ông Triệu nhớ lại, vào năm 1968, chúng đưa ra nhiều chiêu bài để chiêu hồi các chiến sĩ cách mạng, nhất là những chiến sĩ đang bị bắt giam tại nhà tù Côn Đảo. Chúng đưa ra cam kết xin ly khai, từ bỏ đấu tranh cách mạng để hưởng được những chính sách đãi ngộ do chúng đưa ra, đồng thời có thể sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình. Biết được ý đồ thâm độc của chế độ ngụy quyền, nên các tù nhân ở Côn Đảo đã dấy lên phong trào chống ly khai ngay tại nhà tù.
Lúc bị giam ở nhà tù Côn Đảo, ông và các bạn tù cùng phòng đã bàn kế hoạch đào hầm qua hàng rào để có cơ may sống sót. Cả phòng tù gần 100 con người, chờ đợi những đêm mưa rào, ông cùng bạn tù mang nắp của những chiếc cà mèng (nắp cặp lồng-PV) ra cặm cụi đào đất. Sau đó tung ra ngoài trời mưa, những nắm đất cát dễ dàng bị nước mưa cuốn trôi. Nhờ đó, mà hành động của chúng tôi không bị lính và những tên cai ngục phát hiện.
Ông Triệu đang lục giở lại Kỷ niệm chương chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù ở Côn Đảo
7 ngày chứng kiến bạn tù bị phơi xác
Khi kế hoạch đào hầm vượt ngục vẫn đang dang dở, thì có một tù nhân vượt ngục bị bọn lính ngụy bắt được. Cai ngục làm riết, nhất cử nhất động của những cựu tù khi ấy đều không lọt qua tầm ngắm của chúng. Nói đến đây, giọng ông Triệu bỗng nghẹn lại, ông mường tượng ra cảnh người bạn tù bị bắn chết khi đang tìm cách thoát khỏi hàng rào thép. "Hòng dập tắt ý chí đấu tranh của các tù nhân bị giam giữ, những tên cai ngục mang xác của tù nhân đó phơi giữa sân nhà tù đúng một tuần để làm gương răn các tù nhân khác. Hàng ngày, chúng lùa chúng tôi ra nhìn cái xác nằm trơ trơ giữa cái oi nóng và những trận mưa rào của mảnh đất Côn Đảo này", ông Triệu mắt hoe đỏ nói:
Để dập tắt phong trào cách mạng, phong trào đấu tranh của các tù nhân bị giam giữ tại hệ thống nhà tù Côn Đảo, kẻ địch đã dùng nhiều thủ đoạn, từ dụ dỗ đến dùng cực hình nhằm cho lực lượng theo cách mạng nhụt chí từ bỏ sự nghiệp đấu tranh vì lý tưởng cách mạng, thống nhất đất nước.
Thế nhưng, dẫu chứng kiến cảnh bạn tù bị bắn chết, phơi xác và chịu đựng nỗi đau đớn của đòn roi, các hình phạt tàn bạo trong trại giam, tin tức về những cuộc vượt ngục thành công của các đồng đội khiến ông Triệu và hàng nghìn người lính khác phấn chấn, hy vọng vào những cuộc vượt ngục thành công tiếp theo.
Theo lời kể của ông Triệu, một trong những cơ hội tốt nhất với những ai "nuôi" ý định trốn khỏi nhà tù Côn Đảo là việc đi đổ những thùng phi phân thải. Ở mỗi nhà xí của nhà tù Côn Đảo đều có những thùng phi đựng chất thải. Mỗi lần đi đổ, chúng cần phải có hai người khiêng một thùng. Ông Triệu kể rằng: "Một lần, có 10 người khiêng 5 thùng phi ra ngoài đổ, trong lúc nghỉ giải lao, một người tù đã giả vờ xin chút lửa của những tên cai. Nhanh như chớp, các tù nhân cướp súng và trốn vào rừng. Những tin tức trốn thoát của bạn tù khiến tôi và các bạn tù khác trong lòng luôn nuôi một khát khao cháy bỏng là sẽ thoát ra khỏi trốn "địa ngục" này để quay trở về hàng ngũ chiến đấu cùng các đồng đội, đồng chí".
Sau khi ra Bắc, ông được chuyển đi điều trị các vết thương. Trở về quê hương với thương tật 1/3 cơ thể, ông đi học lớp nghiệp vụ về điện và công tác tại đài phát thanh 273 (đài phát thanh Đông Dương- tại thôn Lễ Khê, xã Xuân Sơn, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Sơn Bình (cũ)-PV). Đến năm 1983, do các vết thương từ chiến tranh khiến sức khỏe ông giảm sút, ông về nghỉ hưu sớm.
Câu chuyện mà ông Triệu kể cho chúng tôi nghe đan xen nhiều cảm xúc, ông nhắc nhiều đến cô con gái út đang sống trong xóm chạy thận (ở phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội). Với ông Triệu, những năm tháng cuối đời, ông lại đang tiếp tục "chiến đấu" để giành lại sự sống cho con. Dẫu ông biết rằng, hy vọng rất mong manh...
Ký ức ở bến sông Thạch Hãn Sau khi Hiệp định Pari được ký kết vào 27/1/1973, những số tù nhân như ông Triệu ở Côn Đảo được trao trả. Trong tâm trí ông Triệu, ký ức về thời khắc lịch sử ở bến sông Thạch Hãn (Quảng Trị) vào tháng 2/1973 như mới xảy ra ngày hôm qua. "Tôi còn nhớ, khi những chiếc thuyền chở chúng tôi chưa đến bến ở bờ phía Bắc của sông Thạch Hãn, tất cả anh em đã nhảy xuống nước, chạy ùa vào bờ. Chúng tôi cởi áo, vui mừng khôn siết. Nó cảm giác như một lần nữa được sinh ra. Chúng tôi ôm hôn, khóc trên vai nhau như những người thân trong gia đình đã lâu không gặp lại", ông Triệu chia sẻ. |
Hương Lan- Đỗ Thơm
Kỳ tiếp: "Cuộc chiến" giành giật sự sốngcho con