“Đại chiến” Nike-Adidas tại Euro 2012 đã phân thắng bại

“Đại chiến” Nike-Adidas tại Euro 2012 đã phân thắng bại

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Trận bán kết giữa Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha kết thúc cũng là lúc Adidas một lần nữa khẳng định vị trí độc tôn của mình so với đối thủ cạnh tranh truyền kiếp.

Cuộc đại chiến hấp dẫn bên lề Euro 2012 giữa hai thương hiệu khổng lồ Adidas – Nike đã làm báo chí phải tốn rất nhiều giấy mực. Để phá vỡ sự thống trị kéo dài nhiều thập kỷ của Adidas, Nike đã làm tất cả, thậm chí vận dụng những “chiêu trò” không đẹp nơi hậu trường. Nhưng sau khi vòng bán kết khép lại, thương hiệu kinh doanh thể thao đến từ nước Mỹ vẫn phải ngậm ngùi nhìn Adidas thắng lớn trong mùa “gặt hái” từ Euro 2012.

Bóng đá Quốc tế - “Đại chiến” Nike-Adidas tại Euro 2012 đã phân thắng bại

Đội tuyển Tây Ban Nha vào chung kết đã khiến Adidas thắng lợi

Bồ thất bại làm hại Nike

Hiện diện tại với tư cách nhà tài trợ áo đấu cho 5 đội tuyển Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, Croatia và chủ nhà Ba Lan, Nike đã đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ lật đổ Adidas ngay tại Euro 2012 này. Lý do đơn giản là trong khi Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp đều là những tên tuổi đình đám, là ứng viên sáng giá cho ngôi vô địch. Thì với hai cái tên còn lại, Croatia có số lượng fan hiện diện tại Euro đông đảo nhất. Còn Ba Lan, trong vai trò nước đồng chủ nhà rõ ràng sẽ mang lại cơ hội tiêu thụ hàng triệu áo đấu nếu họ giành quyền vượt qua vòng bảng.

Nhưng tính toán của Nike dần phá sản ngay khi Euro 2012 còn chưa diễn ra loạt trận tứ kết. Chủ nhà Ba Lan bị loại sớm trong sự phản ứng quyết liệt của khán giả nhà. Pháp, đội tuyển từng khiến Nike tiêu tốn đến 374 triệu USD cho bản hợp đồng tài trợ 10 năm (nẫng tay trên của Adidas) còn gây thất vọng hơn thế. Họ giành quyền chơi trận tứ kết, song đã bị loại một cách thảm hại và chìm giữa những chỉ trích vì đấu đá nội bộ. Một chuyên gia makerting đã ngán ngẩm nhận định: “Nike không thể chờ đợi người Pháp mua áo đội tuyển, khi hàng loạt scandal mà các ngôi sao như Nasri, Ben Arfa, Diarra gây ra tại Euro 2012 thậm chí bị coi là sự xấu hổ cho đất nước.

Thất bại hoàn toàn với đội tuyển Pháp, Nike chỉ còn gắng gượng tiếp tục cuộc đua với Adidas nhờ vào Bồ Đào Nha. Họ tin rằng, nếu Bồ Đào Nha vượt qua Tây Ban Nha (đội bóng mặc áo Adidas) lọt vào chung kết, doanh số của Nike sẽ tăng vọt. Bởi trong đội hình Bồ Đào Nha có Cristiano Ronaldo, ngôi sao đắt giá nhất thế giới là cầu thủ nhận được rất nhiều sự mến mộ. Tuy nhiên, tính toán này cũng đã sụp đổ, khi Bồ Đào Nha thất thủ trước Tây Ban Nha trên chấm phạt đền. Siêu sao Ronaldo hoàn toàn mờ nhạt bên cạnh những ngôi sao mặc áo Adidas như Iniesta, Casillas hay Fabregas.

Sau trận đấu giữa hai đội, camera truyền hình bắt cận cảnh hình ảnh Ronaldo ôm mặt khóc tức tưởi. Hình ảnh ấy, có lẽ cũng là sự tổng kết tiêu biểu cho tham vọng của Nike. Họ đã sạch bóng hoàn toàn khỏi Euro 2012 sau vòng bán kết. Còn Adidas, ngược lại đang bắt đầu ăn mừng. Họ đã có Tây Ban Nha và có thể sẽ đón thêm Đức (đội đá bán kết rạng sáng nay) để tái lập lại trận chung kết Euro toàn Adidas như từng xảy ra bốn năm về trước.

Chiến thắng toàn diện

Đánh giá tổng thể tình hình sau vòng tứ kết, bộ phận kinh doanh của Adidas đã đưa ra báo cáo dự kiến doanh thu ăn theo dịp Euro 2012 đạt ít nhất 1,6 tỷ euro. Con số này lớn hơn 100 triệu euro, so với thời điểm Adidas tài trợ cho World Cup 2010. Những con số thống kê khô khan không biết nói dối. Nó là sự minh chứng tuyệt vời cho thấy Adidas đã đạt được thắng lợi tuyệt vời trên thương trường nhờ thành công của các đội tuyển trên sân cỏ.

Trong số các đội tuyển nhận tiền của Adidas để gắn logo thương hiệu này lên ngực, Tây Ban Nha, Đức và Hy Lạp đều dễ dàng vượt qua vòng bảng. Không chỉ thế, hành trình đại thành công của Đức, Tây Ban Nha còn giúp doanh số bán áo đấu của hai đội tuyển này tăng vọt tại quê nhà. Một thống kê chưa đầy đủ của Adidas cho thấy họ đã bán được ít nhất 400.000 áo đấu khi Đức hạ Hà Lan trong trận mở màn Euro 2012. Đến lượt đấu quyết định gặp Đan Mạch, con số này đã tăng lên đến gần 1 triệu. Với Tây Ban Nha, triển vọng kinh doanh cũng là rất tuyệt vời. Đội bóng này nằm trong danh sách các tên tuổi được hâm mộ nhất của chính người dân Ba Lan Ukraine và hiện đã đi tới trận đấu cuối cùng tại Euro 2012.

Bên cạnh áo đấu, doanh thu từ việc kinh doanh các phiên bản của trái bóng Tango 12 cũng mang lại cho Adidas khoản lãi lớn. Vẫn công nghệ giống như Jabulani của World Cup 2010, với một chút cải tiến về màu sắc, chất liệu, Adidas Tango 12 đã tạo ra một “cơn sốt” trên toàn cầu. Không chỉ hơn hẳn Jabulani về độ bền khả năng chịu lực, trái bóng sử dụng cho Euro 2012 còn được hâm mộ bởi tốc độ cao giúp làm bùng nổ những trận cầu nhiều bàn thắng. Chỉ tính riêng tại Ba Lan Ukraine, Adidas đã bán thành công hàng vạn quả bóng Tango tiêu chuẩn, với giá 134,99 euro cho các fan nước ngoài. Không chỉ thế, để tận thu, họ còn tạo ra phiên bản Tango 12 với giá từ 20 đến 40 euro cho khách mua lưu niệm. Phiên bản này đã tiêu thụ hết veo hàng nghìn quả chỉ vài ngày sau khi tung ra thị trường, khiến Adidas phải thay đổi kế hoạch tăng cường số lượng bóng sản xuất. Ước tính, Adidas đã thu về nhiều triệu euro tiền lời từ Tango 12.

Một đại diện của Adidas hồ hởi: “Triển vọng kiếm lợi hy vọng còn kéo dài. Chúng tôi đã nhận được vài đề nghị đưa mẫu bóng Tango 12 vào sử dụng tại các giải đấu thuộc hệ thống chuyên nghiệp của họ. Tất cả là nhờ hiệu ứng thành công của Euro 2012”. “Hiệu ứng” ấy, tiếc thay lại là thứ Nike chẳng bao giờ đạt được.

Ngoài trái bóng Tango 12 và trang phục thi đấu, Adidas còn kiếm bộn với việc cung cấp thương hiệu giày Predator Lethal Zones với tên gọi “Vũ khí hủy diệt”. Nhờ thiết kế ưu việt, Adidas đã thu hút được những ngôi sao hàng đầu quảng cáo mẫu giày đặc biệt này như Gerrard (Anh), Nani (Bồ Đào Nha), Xavi (Tây Ban Nha)… Sự xuất hiện của các ngôi sao đại diện này đã giúp Adidas tiêu thụ được số lượng khổng lồ giày Predator LZ

Gia Minh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.