Xúc động nghẹn ngào khi nhắc nhớ lại những ký ức được theo chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi nhiều nước trên thế giới, ông Nguyễn Văn Vinh, cựu nhà báo của Đài Truyền hình Việt Nam và hãng Reuters của Anh chia sẻ: "Tôi sẽ nhớ mãi chuyến đi mà tôi may mắn được tháp tùng Đại tướng qua 12 nước châu Phi vào tháng 10/1980, kéo dài trong 2,5 tháng. Cả đoàn đã trải qua chặng đường 72.000 km, ngồi 112 tiếng trên máy bay".
Ngày đó, điều ấn tượng nhất là châu Phi muốn biết tại sao Việt Nam thắng được đế quốc Mỹ, giành được độc lập, thống nhất đất nước. Nhất là khi đó, Việt Nam lại vừa trải qua chiến tranh biên giới ngắn ngủi với Trung Quốc và cũng thắng. Vì thế, nhân dân châu Phi càng quan tâm.
"Tại Madagascar, cuộc nói chuyện của Đại tướng với hơn 200 sĩ quan và binh sĩ của quân đội Madagascar khiến họ rất quan tâm và tán thưởng, vỗ tay rần rần. Lúc đó, Đại tướng nói chuyện bằng tiếng Pháp. Tôi vẫn nhớ Đại tướng luôn khẳng định, chiến thắng của Việt Nam là nhờ yếu tố con người", người phóng viên từng quay rất nhiều thước phim tư liệu về Đại tướng cho biết.
Tổng thống Cộng hòa Benin, Mathieu Kérékou đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hữu nghị Cộng hòa Benin từ ngày 5 đến 8/11/1980. Ảnh: TTXVN
Theo ông Vinh, trong những cuộc gặp gỡ với quân đội, nhân dân các nước châu Phi, Đại tướng luôn khẳng định vũ khí của Việt Nam so với Pháp trước đây và Mỹ sau này đều không bao giờ bằng, về tương quan lực lượng, về khoa học kỹ thuật, về sức mạnh quân sự cũng như tiềm lực kinh tế Việt Nam không bao giờ bằng. Thế nhưng, Việt Nam đã tìm được cách để chiến thắng, đó là dựa vào con người, ý chí của nhân dân khát khao nền độc lập, khát khao đất nước thống nhất, khát khao thể hiện rằng nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.
Đại tướng nhiều lần nói với bạn bè quốc tế, có con người sẽ có vũ khí. Khi nghe vị danh tướng của Việt Nam nói những điều đó, các bạn châu Phi như được "truyền lửa".
Đặc biệt, đi đâu Đại tướng cũng nói về mong muốn xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, người dân có được cuộc sống tốt đẹp. Vì Việt Nam trải qua chiến tranh, sự mất mát về con người qua nhiều thế hệ thanh niên, những người mà lẽ ra tuổi thanh xuân của họ có thể dành đóng góp để xây dựng Tổ quốc nhưng đã phải ra trận để giành độc lập, thống nhất đất nước.
"Phải được đi theo và chứng kiến sự tán đồng, khâm phục của quân, dân châu Phi dành Việt Nam ngày đó mới thấy sự vĩ đại của cuộc kháng chiến cũng như công lao của nhiều thế hệ người Việt Nam đã hiến dâng cho Tổ quốc. Tôi nghĩ rằng hình ảnh, vị thế của Việt Nam đã được nâng lên rất nhiều từ những câu chuyện của Đại tướng, thông qua chính con người Đại tướng", ông Vinh nói.
Vị sứ giả của Việt Nam
Những năm 1980, vừa phải dốc sức xây dựng lại đất nước nhưng Việt Nam vẫn mở con đường ngoại giao vào châu Phi nhờ chuyến đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau chuyến đi lịch sử này, một loạt hợp tác với các nước bạn về y tế, giáo dục và nông nghiệp đã được thiết lập...
"Tôi đặc biệt nhớ, trong chuyến đi châu Phi này, mỗi buổi tối sau khi ăn cơm xong về khách sạn, Đại tướng vẫn tranh thủ đi dạo và dù đã nhiều tuổi lại phải trải qua chặng đường bay vất vả hàng chục nghìn kilômét như chúng tôi nhưng Đại tướng vẫn luôn dành sự quan tâm và ân cần hỏi han các anh em trong đoàn. Đại tướng hỏi anh em đi một chặng đường dài thế có mệt không, có thấy nhiều cái mới và khác biệt ở châu Phi không... khiến chúng tôi rất xúc động", ông Vinh kể.
Để nói về Đại tướng thì chẳng lời nào có thể đủ về một con người quân sự, con người chính trị, con người ngoại giao ấy. "Nhưng cái mà tôi nhận thấy nổi bật nhất ở Đại tướng là sự gần gũi, gắn bó với nhân dân", ông Vinh chia sẻ.
Là phóng viên, ông Vinh có nhiều dịp để quay phim, phỏng vấn Đại tướng trong những sự kiện tiêu biểu như: hai lần Đại tướng gặp Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, tiếp cựu Đô đốc Elmo Zumwalt, tư lệnh Hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Trong những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc ấy, Đại tướng đều dành cho các vị khách là những người từng ở bên kia của chiến tuyến thái độ tiếp đón cởi mở và thân thiện với mục đích để đôi bên hiểu nhau hơn, hiểu biết về quá khứ rõ hơn đồng thời hướng tới một quan hệ tốt đẹp hơn trong tương lai.
Nhà báo Nguyễn Văn Vinh (thứ hai trái qua) cùng Đại tướng và đoàn đại biểu Việt Nam trong chuyến đi châu Phi năm 1980. Ảnh: Nhà báo Nguyễn Văn Vinh
Sau này, khi Đại tướng không còn tiếp tục với công việc nữa thì phần lớn các sự kiện, hoạt động liên quan tới Đại tướng đều diễn ra tại nhà riêng của ông ở số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Rất nhiều khách nước ngoài, từ các nguyên thủ quốc gia thế giới đều muốn đến thăm, được ngồi cạnh tâm tình với Đại tướng. Ông Vinh có may mắn là người được quay lại những hình ảnh đẹp đó, như lần Đại tướng tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, Tổng thống Nam Phi, Tổng thống Brazil...
"Đại tướng thường hay khẳng định trong những cuộc phỏng vấn rằng: 'Trước đây, họ đến với chúng tôi bằng súng thì tôi cũng tiếp họ bằng súng, còn bây giờ họ đến với chúng tôi bằng lòng thân thiện thì chúng tôi đón họ bằng nụ cười và hoa tươi'", nhà báo Nguyễn Văn Vinh nhớ lại.
Theo Vietnam+