“Khách không mời” liên tục “viếng thăm”
Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc trung tâm Bảo tồn Voi tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian gần đây, một đàn voi rừng đã về khu vực gần khu dân cư thuộc bìa rừng vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) để tìm kiếm thức ăn và liên tục tấn công làm đàn voi thuần của người dân bị thương.
Trao đổi với PV, ông Luân cho biết: “Vào đêm 28/8, tại khu vực thuộc trạm Kiểm lâm số 6, vườn Quốc gia Yok Đôn bất ngờ xuất hiện một đàn voi rừng khoảng 6-7 con. Đàn voi này tràn về để kiếm thức ăn đồng thời tấn công làm bị thương 2 con voi nhà của Trung tâm đang thả tại khu vực”.
Theo thống kê của Trung tâm, từ tháng 3/2017 cho đến nay đã xảy ra 5 vụ xung đột giữa voi rừng và voi nhà. Đàn voi rừng liên tục kéo về các tiểu khu, khu vực các trạm kiểm lâm, nương rẫy của người dân tìm kiếm thức ăn, tấn công làm 7 con voi nhà bị thương. Trong đó, một con voi của hộ ông Y Tưng Niê (ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) bị chết khi xung đột với voi rừng.
Sự việc voi rừng tràn về khiến người dân ở khu vực hết sức hoang mang. Buôn Đrăng Phốc, xã Krông Na, là khu vực nằm ở bìa rừng vườn Quốc gia Yok Đôn và cũng là một trong những khu vực hằng năm bị đàn thú hoang khổng lồ này “viếng thăm”, gây thiệt hại lớn về diện tích hoa màu.
Với người dân ở buôn này, chuyện voi rừng xuất hiện, tìm xuống tận bản tàn phá nương rẫy không phải là điều gì quá xa lạ. Mỗi năm, khi người dân chuẩn bị thu hoạch mía, bắp, khoai mì, đàn voi đều kéo nhau xuống tìm thức ăn tàn phá. Trước đây, một đàn voi rừng khoảng 20 con đã tràn về khu vực này tàn phá làm hư hại nhiều diện tích mía và mì của người dân nơi đây.
Trao đổi với PV về sự việc, ông Lê Dũng, Trưởng buôn Đrăng Phốc cho hay: “Thời điểm kể trên, một đàn voi rừng có khoảng 20 cá thể lớn bé tràn về khu vực nương rẫy của người dân trong buôn. Voi đi thành đàn không tách rời, voi đầu đàn to lớn, oai vệ.
Thấy đàn voi xuất hiện ở khu vực, người dân trong buôn đã tập trung đốt lửa, dùng trống, chiêng để gây tiếng động lớn xua đuổi, tuy nhiên đàn voi vẫn không hề tỏ ra sợ hãi, càng cố di chuyển sâu vào các diện tích hoa màu của người dân để tìm kiếm thức ăn”.
Cũng theo ông Lê Dũng, trong những năm gần đây, đàn voi rừng phần vì nắm được tập quán canh tác của bà con nên đến mùa nông sản chuẩn bị thu hoạch, chúng lập tức tràn xuống kiếm ăn. Sự việc lặp đi lặp lại trong nhiều năm liền.
Voi rừng ngày càng hung dữ
Để tìm hiểu thêm về tập tính của voi rừng và việc voi rừng càng ngày càng hung dữ, đã liên hệ với ông Ama Đăng (SN 1945, ngụ xã Krông Na), người có kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề thuần dưỡng voi rừng.
Chia sẻ với PV, ông Ama Đăng nói: “Bản chất, tính cách của voi rừng rất hiền lành, sợ người. Khi phát hiện có người ở khu vực, chúng thường kéo đàn bỏ đi nơic khác để sinh sống. Trước đây, rất hiếm khi có chuyện voi rừng tràn về khu vực dân cư tấn công để tìm kiếm thức ăn, hay xung đột với voi nhà. Tuy nhiên, những năm gần đây, voi rừng liên tục tràn về khu vực để tìm kiếm thức ăn và càng ngày càng hung hãn. Điều đó cho thấy, môi trường sinh sống của đàn voi này đang bị xâm hại”.
Theo kinh nghiệm của ông Ama Đăng, một trong những nguyên nhân chính khiến đàn voi bất chấp tràn xuống khu vực dân cư để tìm kiếm thức ăn là do tình trạng người dân phá rừng bừa bãi, khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, làm cạn kiệt thức ăn và xâm phạm môi trường sống của đàn thú hoang khổng lồ này.
Phân tích về tình hình đàn voi rừng xuất hiện phức tạp như vừa qua, ông Huỳnh Trung Luân cho biết: “Khi nhận được báo cáo đàn voi rừng xuất hiện xung đột với voi nhà, phá hoại nương rẫy của người dân, trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk đã nhanh chóng phối hợp cùng ban Quản lý vườn Quốc gia Yok Đôn và cơ quan chức năng xuống hiện trường hỗ trợ người dân giải quyết hậu quả. Chúng tôi chủ động hướng dẫn người dân các biện pháp xua đuổi đàn voi.
Sau đó, đàn voi được đuổi về rừng an toàn. Trước sự việc phức tạp, Trung tâm khuyến cáo bà con nên bình tĩnh giải quyết tình huống, không dùng những biện pháp bạo lực gây hại cho đàn voi. Hiện nay, nhiệm vụ bảo tồn, phát triển đàn voi là trách nhiệm chung của cộng đồng. Trên thực tế, số lượng các đàn voi rừng trong tự nhiên ngày một giảm”.
Trao đổi với PV về tình trạng voi rừng liên tục xung đột với voi nhà, ông Huỳnh Trung Luân cho biết thêm: "Một trong những nguyên nhân xảy ra xung đột giữa voi rừng và voi nhà là do diện tích rừng suy giảm, voi rừng thường xuyên kéo về khu vực bìa rừng, gần nương rẫy của người dân tìm kiếm thức ăn, gặp voi nhà nên đã tấn công.
Bên cạnh đó, thời kỳ này là trong thời gian động dục, voi rừng đực tự tách đàn đi riêng lẻ tìm voi cái nên rất hung dữ. Khi những cá thể voi này gặp voi nhà sẽ tấn công để giành voi cái".
Để hạn chế tình trạng voi rừng xung đột với voi nhà, ông Huỳnh Trung Luân khuyến cáo: “Các chủ voi, đơn vị kinh doanh du lịch bằng voi tăng cường các biện pháp bảo vệ, chăm sóc voi. Không chăn thả voi ở khu vực bìa rừng, những khu vực thường xuyên có voi rừng xuất hiện.
Khi thấy đàn voi rừng xuất hiện ở khu vực, tàn phá hoa màu, tấn công voi nhà, người dân phải báo cáo cho trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, chính quyền địa phương để có biện pháp phối hợp xua đuổi an toàn, không gây nguy hại đến voi rừng và điều trị khi voi nhà bị thương”.