Đó là thực tế đang diễn ra tại khu dân cư 83A Lý Thường Kiệt (tòa nhà Pacific) Hà Nội từ nhiều năm nay.
Sống chung với tia X
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần nhỏ của nỗi bức xúc của khu nhà được tiếng là “xịn” nhất Hà Nội ở thời điểm nó ra đời. Theo các cư dân tại chung cư Pacific, người lớn, trẻ nhỏ tại tòa nhà này suốt thời gian qua có thể đã chịu ảnh hưởng bởi tia X gây nguy hại cho sức khỏe từ phòng khám đa khoa Việt Sing được “mọc” ngay trong tòa nhà này. Người dân cho hay, doanh nghiệp quản lý tòa nhà và chủ phòng khám như vậy đã vi phạm quy định về sử dụng thiết bị phát tia X. “Là khu chung cư cao cấp, nhưng người ta cho phép phòng khám hoạt động trong khu nhà và mọi người đều phải sống chung với nguồn bệnh”, một người dân của tòa nhà, chia sẻ.
Mặc dù bỏ ra số tiền lớn tới hơn 4.000 USD/m2 và là đồng chủ đầu tư nhưng mọi ý kiến, đề nghị của người dân tòa nhà này đều bị Cty TNHH Trung tâm thương mại Ever fortune – đồng chủ đầu tư và quản lý tòa nhà phớt lờ.
Đỉnh điểm của sự mâu thuẫn giữa các cư dân tòa nhà Pacific Place (83 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) và chủ đầu tư đang diễn ra căng thẳng, đỉnh điểm là sáng 21/9 người dân tập trung trước cửa tòa nhà phản đối chủ đầu tư.
Các cư dân đã yêu cầu chủ đầu tư ngừng ngay việc lắp đặt thang máy và các hoạt động kinh doanh dịch vụ làm ảnh hưởng tới đời sống của họ. Trước những bất đồng của 2 bên, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã tạm dừng việc thi công thang máy, để kiểm tra lại hồ sơ thiết kế có thi công đúng giấy phép không.
Pacific Place là một toà nhà phức hợp bao gồm 144 căn hộ cho thuê dài hạn và 35 căn hộ dịch vụ thuộc sự quản lý và điều hành của Ever Fortune.
Theo phản ánh của những người dân sống tại tòa nhà, Cty đã xây dựng thang máy của tòa nhà ảnh hưởng đến diện tích sử dụng chung của khu chung cư, vi phạm hợp đồng được ký kết giữa các bên thuê và cho thuê, bên thực hiện dự án và chủ đầu tư.
Trong quá trình thực hiện xin giấy phép xây dựng cùng với việc thi công thang máy, Cty cũng không xin ý kiến và cũng không có sự đồng ý của các hộ dân.
Khối kỹ thuật lắp đặt 3 cầu thang máy tương đương một cao ốc 13 tầng
Ngoài ra, Trung tâm thương mại Ever Fortune đã tiến hành cơi nới lối đi chung tầng 1 để cho thuê mở nhà hàng, ngân hàng gây ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, kiến trúc và không gian sử dụng chung các bên thỏa thuận. Bên cạnh đó, bar-café chiếm diện tích chung, có tiếng ồn quá mức cho phép.
Mang danh là toà nhà đẳng cấp nhất nhì Hà Nội nhưng mới đây, Pacific Place tại 83B Lý Thường Kiệt đã bị nhiều cư dân kiến nghị về tình trạng chủ đầu tư tranh thủ mọi diện tích bung ra hệ thống nhà hàng, ăn uống, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân tại đây...
Qua đó, một số hộ dân đề nghị Cty Trung tâm thương mại Ever Fortune phải dừng ngay việc thi công xây dựng thang máy và phải tháo dỡ trong thời gian 10 ngày kể từ ngày 18.8 và tháo dỡ diện tích cơi nới chiếm lối đi chung tại tầng 1...
Thân phận ở… trọ
Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đến giải quyết, người dân mới ớ người ra khi Ever Fortune không hề “làm sai”, tức là họ có giấy phép đàng hoàng: Việc lắp đặt thang máy đã xin phép và được Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội cho phép bổ sung các hệ thống thang máy và báo cháy, chữa cháy tự động tại công văn số 94/SCPC&CC-P3 và cũng đã được Sở Xây dựng chấp thuận việc đầu tư tại công văn số 21/SXD-QCP.
Chị Thu Hà, một hộ dân sống trong khu chung cư bức xúc: Thật khó tin là Sở Xây dựng lại cấp phép một cách dễ dàng đến thế. Theo chị, thang máy chiếm diện tích tới 60 m2 nằm trong phần diện tích chung của tòa nhà (sân vườn, hàng lang) không chỉ ảnh hưởng tới việc đi lại, sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trong tới kiến trúc, không gian cũng như sự an toàn của tòa nhà. Nhiều người dân chất vấn: Công trình được xây dựng tương đương với tòa nhà 13 tầng nằm trên diện tích chung, tại sao không có ý kiến người dân mà Sở Xây dựng vẫn không nhận thấy sai sót này?
Không những vậy, cả khối nhà 60 m2 cao 13 tầng mới được cấy thêm vào hông tòa nhà đã lập tức che kín nhà dân bên cạnh. Khối công trình này chỉ cách phòng ngủ của những hộ dân từ tầng 2 đến tầng 13 vỏn vẹn 6 m.
Không lấy ý kiến, không được người dân đồng ý nhưng Sở Xây dựng vẫn cấp phép cho chủ đầu tư cơi nới
Trái lại, ông Nguyễn Quốc Tuấn - PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội - được biết, việc xây dựng thang máy ở bên ngoài tòa nhà, lắp cho khối nhà văn phòng và theo yêu cầu của PCCC không ảnh hưởng đến mật độ xây dựng vì chỉ chiếm 0,3%.
Về phần mình, trao đổi với báo chí, ông Alexander EE - đại diện chủ đầu tư – cho rằng, các căn hộ tại toà nhà Pacific Place đều được ký dưới dạng cho thuê dài hạn (50 năm). Do vậy, toàn bộ diện tích chung của toà nhà, trừ diện tích riêng của từng căn hộ đều thuộc sự quản lý và sử dụng của chủ đầu tư. Việc mở dịch vụ kinh doanh nhà hàng và phòng khám nằm trong khu vực này không bị giới hạn trong hợp đồng mua bán với dân.
“Đó là cách nói hết sức coi thường người dân”, anh Hùng, một người dân tầng 10 không giấu nổi bực bội. Theo cách nói ấy, việc anh bỏ ra hàng tỷ đồng để được ở trong căn nhà này có khác gì so với việc đi thuê nhà trọ, chủ nhà muốn làm gì thì làm?
Hơn nữa đã là sai phạm, thì dù chỉ một milimet cũng là sai, chứ không thể nói 0,3% là nhỏ hay lớn. “Diện tích 60 m2 cao tới 13 tầng thì rõ ràng là một cao ốc rồi” - anh Hùng nói – “Cứ cho là xây trên đất của anh, anh có quyền quyết định nhưng bất cứ quyết định nào thì cũng phải tuân theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, người dân đã bỏ tiền ra góp vốn/thuê với giá cao là do tổng hòa các giá trị đem lại cho tòa nhà, trong đó có cả lý do tầm nhìn đẹp, không gian thoáng; nay anh xây lô cốt bịt trước cửa nhà người ta là điều không thể chấp nhận được”.
Tổ dân cư này cũng bức xúc với cách chủ đầu tư lấp liếm khi cung cấp thông tin cho báo chí nói rằng, cả khối văn phòng của tòa nhà chỉ có 4 cầu thang máy trong khi có lúc cao điểm có tới 2.000 người làm việc. Tòa nhà được thiết kế hiện đại, theo chuẩn châu Âu và do hãng thiết kế danh tiếng của châu Âu thực hiện. Vì thế, phương án kiến trúc, kỹ thuật đã được tính toán đầy đủ lưu lượng, nhu cầu. Việc thang máy quá tải nếu có là do đơn vị quản lý đã không tuân thủ đầy đủ theo thiết kế.
Nhiều người dân khác cũng cho rằng cách giải thích của chủ đầu tư chỉ là sự giải thích lấp liếm. Chị Ngọc – một cư dân Pacific đã cung cấp cho PV hợp đồng gốc ký với chủ đầu tư khi tòa nhà mới khởi công, theo đó, các cá nhân tham gia từ đầu cũng là “đồng chủ đầu tư”. Chỉ những người ký hợp đồng sau này mới thuộc diện hợp đồng thuê dài hạn. Thậm chí, có trường hợp ban đầu góp vốn mua một căn hộ nhỏ cũng có hợp đồng đầu tư; sau khi mua thêm một căn hộ nhỏ bên cạnh, cải tạo thành một căn hộ thì chủ đầu tư mới thu cả hai hợp đồng và chuyển hết thành hợp đồng thuê 50 năm.
Trao đổi với PV Người đưa tin, luật sư Nguyễn Tiến Thủy (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Các lý do Ever Fortune đưa ra là không thỏa đáng. Dù là nhà bán hay nhà thuê mua, thuê dài hạn thì việc xây dựng, cải tạo không xin ý kiến, không có sự đồng ý của người dân là vi phạm quy định của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, do Ever Fortune đã được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép thì trách nhiệm chính lại thuộc về Sở này.
Phong Dao
Đã nhiều lần người dân tổ dân cư 83A Lý Thường Kiệt gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan TƯ Đảng và Nhà nước để trình bày về những sai phạm nói trên của chủ đầu tư. Sau khi xem xét hồ sơ, tài liệu; việc Cty TNHH Trung tâm thương mại Ever fortune xây thêm cầu thang máy phá vỡ cấu trúc thiết kế của tòa nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan không gian sinh hoạt chung của các hộ dân và chiếm dụng sân chơi của trẻ em, chủ đầu tư chiếm dụng tầng hầm là tầng để xe và tầng 19 là nơi các hộ dân sinh hoạt cộng đồng để cho thuê…, Thanh tra Chính phủ đã có công văn gửi UBND TP.Hà Nội, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, giải quyết dứt điểm vụ việc; thông báo kết quả giải quyết về Trụ sở tiếp công dân của TƯ Đảng và Nhà nước. |