Dân ngơ ngác, cảnh sát loay hoay

Dân ngơ ngác, cảnh sát loay hoay

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Nghị định mới của Chính phủ quy định sẽ phạt đến 5 triệu đồng khi sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) tại các cây xăng đã có hiệu lực mấy ngày nay nhưng dường như không ai quan tâm.

Sau 3 ngày kể từ khi Nghị định 52/2012 NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng ĐTDĐ ở cây xăng có hiệu lực nhưng theo ghi nhận của PV Người đưa tin, người dân vẫn thờ ơ, thậm chí nhiều người vẫn chưa hề biết về quy định mới này.

Tại một số cây xăng trên địa bàn các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội…, rất đông người dân bất chấp luật vẫn nghe, gọi điện thoại và nhắn tin trong lúc chờ đổ xăng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn đang loay hoay về việc bắt quả tang và xử phạt người vi phạm.

Pháp luật - Dân ngơ ngác, cảnh sát loay hoay

Việc nghe, gọi ĐTDĐ ở gần khu vực cây xăng trong phạm vi 5 mét đều có nguy cơ tạo điện từ gây phát hỏa

Cấm cứ cấm, gọi cứ gọi!

Như đã thành thói quen, ngay cả khi vào các cây xăng nhiều người dân vẫn dùng ĐTDĐ một cách thường xuyên, liên tục, bất chấp lệnh cấm và các quy định về xử phạt đã được áp dụng. Trước đây, hành vi sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng chỉ bị xử phạt từ 200.000 - 500.000 đồng. Nhưng hiện nay, Nghị định 52 đã nâng mức phạt lên gấp 10 lần. Theo đó, từ ngày 5/8/2012, người sử dụng ĐTDĐ ở các cây xăng sẽ bị xử phạt đến 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau những ngày đầu quy định này có hiệu lực, người dân vẫn tỏ ra ngơ ngác trước thông tin này. Theo ghi nhận của PV Người đưa tin, một số cây xăng trên địa bàn TP.Hà Nội đã có dán biển "Cấm sử dụng ĐTDĐ" để nhắc nhở người dân. Thế nhưng, hầu hết các cây xăng lại không dán quy định xử phạt việc sử dụng ĐTDĐ. Do thế, nhiều người dân không nắm bắt được thông tin, thậm chí có người sửng sốt khi biết quy định sử dụng ĐTDĐ ở cây xăng sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng.

Chị Lê Thị Trang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi cũng từng nghe chuyện nghe điện thoại ở cây xăng sẽ bị phạt tiền. Thế nhưng, từ trước đến giờ có ai phạt đâu. Hơn nữa, tôi không có thói quen nghe ĐTDĐ khi chạy xe trên đường, nên những lúc dừng xe vào đổ xăng hay lúc uống nước mình thường tranh thủ xem tin nhắn và gọi điện. Thỉnh thoảng, tôi thấy các anh chị nhân viên bán xăng vẫn nhắc nhở mọi người việc dùng điện thoại. Còn việc phạt tiền, tôi chưa thấy ai nghe điện thoại xong bị "túm cổ" vào phạt bao giờ".

Anh Hà Văn Vĩnh, khách hàng vào đổ xăng tại cây xăng trên đường Lý Thái Tổ (Q.10, TP.HCM) cho biết: "Việc cấm sử dụng ĐTDĐ tại các cây xăng là chuyện nên làm nhưng vấn đề xử phạt sẽ rất khó khăn, vì không phải lúc nào cũng có cảnh sát PCCC hay dân phòng túc trực để xử phạt vi phạm". Khảo sát nhiều cây xăng trên địa bàn TP.HCM, hầu như ở bất kỳ cây xăng nào cũng có người vi phạm, nhiều cây xăng có cả nhân viên bán xăng cũng hồn nhiên sử dụng ĐTDĐ lúc thưa khách".

Anh Hùng, nhân viên bán hàng ở cây xăng đường Xuân Thủy (Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi khi thấy ai vào đổ xăng mà sử dụng điện thoại, chúng tôi vẫn nhắc nhở. Còn việc giám sát, rồi bắt quả tang để gọi lực lượng PCCC tới xử phạt thì e rằng quá khó. Chủ yếu dựa vào ý thức chấp hành của mỗi người thôi. Chẳng lẽ lại đi "rình" người sử dụng ĐTDĐ để gọi lực lượng PCCC hay công an đến lập biên bản phạt".

Từ thực tế hiện trạng những quy định cấm được ban hành nhưng không đi vào thực hiện, anh Hoài Phương, một người dân nhận định: "Thực ra, phóng uế, hút thuốc lá nơi công cộng, ném vỏ chai nước từ cửa xe hay cởi trần lái xe... đều bị phạt nhưng bấy lâu nay có thấy ai đả động gì đâu. Quy định của pháp luật nhiều đến mức người dân đụng đâu cũng có thể bị phạt nhưng rồi không thấy ai làm gì, người ta tiếp tục xả rác ngoài đường, hút thuốc lá trong bệnh viện. Tôi nghĩ chắc nghe điện thoại tại cây xăng cũng thế, lúc đầu có thể người dân sợ phạt nên chấp hành nhưng sau đó mọi chuyện lại đâu vào đấy".

Trao đổi với PV Người đưa tin, thượng tá Đinh Văn Ngàn - trưởng phòng tham mưu Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết: Việc đưa vào áp dụng nghị định mới này là cần thiết và có tính răn đe để ngăn ngừa cháy nổ do ĐTDĐ gây ra, khi thiết bị này đã phổ biến trong tất cả người dân. Nghị định trên không chỉ cấm sử dụng ĐTDĐ ở cây xăng mà cấm cả ở các khu vực như: Kho dầu mỏ, trạm chiết nạp, cửa hàng kinh doanh các loại khí dầu mỏ, kho chứa hóa chất dễ cháy nổ, dễ bay hơi... Ngoài ĐTDĐ, máy nhắn tin, máy ảnh, camera, thu phát sóng cũng bị cấm sử dụng tại các khu vực có nguy cơ cháy nổ kể trên.

Pháp luật - Dân ngơ ngác, cảnh sát loay hoay (Hình 2).

Quy định chặt, xử phạt lỏng

Qua 3 ngày thực hiện Nghị định 52 của Chính phủ về cấm sử dụng thiết bị phát sóng ở trạm xăng dầu, nhiều người dân vẫn vô tư sử dụng và biện pháp ngăn chặn chủ yếu vẫn là nhắc nhở. Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, vẫn chưa có trường hợp nào bị lập biên bản xử phạt vì sử dụng ĐTDĐ ở cây xăng.

Tại trạm xăng của Petrolimex trên đường Trần Cao Vân (Quận 1, TP.HCM), anh Hà Quang Tài - nhân viên bán xăng, cho biết: "Nhiều người vẫn sử dụng ĐTDĐ khi vào đổ xăng. Gặp những trường hợp vi phạm, chúng tôi chỉ có nhiệm vụ nhắc nhở mọi người chứ không có thẩm quyền xử phạt". Còn anh Võ Viết Dũng - nhân viên bán hàng tại cây xăng Comeco trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho hay: "Hiện, cây xăng vẫn chưa kịp treo biển cảnh báo khi Nghị định 52 có hiệu lực nên nhiều người vẫn sử dụng ĐTDĐ khi đang đứng chờ mua hàng. Vẫn chưa thể xử phạt ngay được, do lực lượng dân phòng, đội PCCC của phường không có mặt tại hiện trường".

Cũng theo anh Dũng, không phải ai cũng có ý thức chấp hành quy định mới về an toàn cháy nổ tại cây xăng. Đã xảy ra trường hợp khách hàng sừng sổ mắng lại nhân viên vì đã nhắc nhở họ chấp hành quy định mới. Vấn đề được đặt ra là làm sao có thể làm cho mọi người dân tự giác chấp hành. Quan trọng hơn cả là phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu để không vi phạm.

Theo Nghị định 52, thẩm quyền xử phạt các hành vi gây ra nguy cơ cháy nổ không chỉ có cảnh sát PCCC mà các lực lượng khác của công an nhân dân cùng lãnh đạo các cấp chính quyền đều có quyền xử phạt. Như vậy, nhân viên cây xăng hoặc người đổ xăng cũng có trách nhiệm ngăn chặn và báo cáo cho cơ quan chức năng về hành vi nghe điện thoại ở cây xăng. Do đó, kể cả khi người có thẩm quyền xử phạt không có mặt thì hành vi này cũng có thể được ngăn chặn và báo cáo.

Điều 5 Nghị định 52 quy định: Các cơ sở phải bố trí, niêm yết tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về PCCC theo quy định. Nếu người có trách nhiệm không phổ biến nội quy, quy định về PCCC cho những người trong phạm vi quản lý của mình cũng sẽ bị xử phạt.

Pháp luật - Dân ngơ ngác, cảnh sát loay hoay (Hình 3).

Nhiều người dân vẫn sử dụng ĐTDĐ ở các cây xăng mà không hề bị xử phạt. Ảnh chụp 7/8 tại cây xăng Lai Thành (TP. Thanh Hóa)

Đại diện Công ty Xăng dầu khu vực 1 - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có 70 cây xăng do công ty quản lý với lượng xăng dầu bán ra thị trường trung bình trên 1.000 m3/ngày. Chính vì vậy, Nghị định 52 có hiệu lực sẽ có ý nghĩa nâng cao ý thức chấp hành các quy định về PCCC của khách hàng khi đến cây xăng, đặc biệt là việc sử dụng ĐTDĐ.

Về thẩm quyền xử phạt, ông Bùi Văn Thịnh - chủ tịch UBND P.Cầu Kho (quận 1, TP.HCM) cho rằng, lực lượng có thẩm quyền tại phường, xã khó kiểm soát và xử phạt triệt để những hành vi gây nguy cơ cháy nổ. Theo ông Thịnh, đây là hành vi quả tang, phải phát hiện tức thời. Nếu chủ tịch phường có mặt phát hiện xử phạt thì theo quy định cũng phải có lực lượng khác lập biên bản. Phường không thể đủ nhân lực để phát hiện và xử phạt.

Theo ý kiến của các chuyên gia pháp lý, với pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện nay, chủ tịch UBND cấp phường được phạt tiền đến 2 triệu đồng, chủ tịch UBND cấp quận được phạt tiền đến 30 triệu đồng... Nếu phát hiện vi phạm xảy ra trên địa bàn phường, lực lượng chức năng của phường tiến hành lập biên bản. Nếu hành vi vi phạm mức phạt trên 2 triệu đồng thì UBND phường trình lên quận.

Theo logic đó, với hành vi nghe gọi điện thoại tại cây xăng, người dân xung quanh, nhân viên cây xăng có thể cấp báo với UBND phường đến lập biên bản. Do mức phạt của hành vi này trên 2 triệu đồng nên phường sẽ chuyển biên bản lên quận hoặc những người có thẩm quyền khác để họ ra quyết định xử phạt.

Ngoài ra, các lực lượng khác như cảnh sát PCCC, công an nếu phát hiện cũng có thể lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt. Với trình tự này, quy định trên khó khả thi do việc nghe, gọi điện thoại diễn ra rất nhanh, có khi chỉ chưa đầy một phút, nên lực lượng chức năng khó có mặt kịp tại hiện trường.

Một chiến sỹ công an quận 9, TP.HCM cho biết: "Lực lượng công an lo ổn định trật tự xã hội còn không đủ người, việc xử lý nghe điện thoại ở cây xăng rất khó thực thi. Mỗi cây xăng bố trí một cảnh sát thì không ổn chút nào. Tôi nghĩ nên tuyên truyền để người dân tự ý thức thì hiệu quả hơn".

-> Đọc thêm: Nhiều rắc rối khi xử phạt người vi phạm ở cây xăng

Nguy cơ cháy cao do sử dụng điện thoại di động

Trả lời câu hỏi sóng điện thoại ảnh hưởng như thế nào đến môi trường cây xăng, ông Vương Thái Dũng, phó tổng giám đốc Tập đoàn Petrolimex, cũng là một chuyên gia về an toàn cháy nổ xăng dầu cho biết: Khi bật điện thoại lúc có cuộc gọi, sẽ gây ra hiện tượng đoản mạch, tạo ra tia lửa điện. Nếu không may, xung quanh chỗ người sử dụng có nồng độ xăng dầu đủ lớn để phát hỏa thì sẽ kết hợp với tia lửa điện từ điện thoại gây ra cháy. Nhiều điện thoại không đảm bảo an toàn về mạch và pin cũng gây ảnh hưởng. Cùng với đó là một số tính năng mở rộng của điện thoại liên quan đến đèn flash cũng gây ra cháy khi tiếp xúc với khu vực có nồng độ xăng, dầu lớn gây cháy.

Cao Tuân - Công Thư


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.