Mục đích của Bắc Kinh
Trong vòng hai thập kỷ qua, khi nền kinh tế phát triển mạnh và khao khát gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc lớn hơn bao giờ hết, những khoản viện trợ nước ngoài của Bắc Kinh được cho là rải khắp thế giới.
Nhóm chuyên gia thuộc phòng nghiên cứu dữ liệu AidData của đại học William & Mary (Mỹ) phối hợp với 2 trường đại học Harvard (Mỹ) và Heidelberg (Đức) mới đây đã sử dụng số liệu từ 15.000 nguồn tin bao gồm báo đài, tài liệu Đại sứ quán và báo cáo nhận viện trợ của nhiều quốc gia, nhằm lý giải dòng tiền của Trung Quốc. Theo đó, từđầu thế kỷ 21, theo ước tính, số lượng viện trợ nước ngoài Trung Quốc bỏ ra đã gần bằng với Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh thường giữ kín vấn đề này.
Không giống như những thập kỷ trước, hiện số viện trợ của Trung Quốc không còn dành chủ yếu cho các quốc gia đang phát triển ở châu Á hay châu Phi. Nga chính là quốc gia nhận viện trợ nước ngoài nhiều nhất của Trung Quốc. Được biết, từ năm 2000 đến 2014, Bắc Kinh đã viện trợ cho Nga tổng cộng khoảng 36,6 tỷ USD dưới hình thức cho vay, trợ cấp và các hiệp định khác, theo số liệu thống kê công bố hôm 11/10 của trung tâm AidData thuộc đại học William and Mary.
Sau Nga, hai nước nhận nhiều viện trợ tiếp theo của Trung Quốc là Pakistan (24,3 tỷ USD) và Angola (16,6 tỷ USD). Trong khi đó, Triều Tiên chỉđược viện trợ 272,65 triệu USD.
Các khoản viện trợ lớn Trung Quốc dành cho Nga bao gồm gói vay trị giá 25 tỷ USD. Đây là gói viện trợ ngân hàng phát triển Trung Quốc dành cho Rosneft, công ty dầu khí lớn và Transneft, công ty chuyên xây dựng đường ống vào năm 2009... Viện trợ của Trung Quốc cho Nga cơ bản gồm hai loại chủ yếu: Hỗ trợ phát triển gồm các khoản trợ cấp, hoặc khoản vay với lãi suất thấp hơn mức thị trường và “Các khoản viện trợ chính thức khác” bao gồm các khoản vay với lãi suất gần bằng tỷ giá thị trường đi kèm với một sốđiều kiện thương mại.
Và viện trợ của Trung Quốc cho Nga hầu hết rơi vào loại thứ hai và chủ yếu nhằm mục tiêu để Bắc Kinh tiếp cận với nguồn dự trữ dầu mỏ khổng lồ của Nga. “Đối với Nga, phần nhiều trong số các khoản vay là với mục đích xuất khẩu dầu cho Trung Quốc”, Brad Parks, người đứng đầu dự án nghiên cứu của đại học William and Mary, cho biết.
Ngoài các nước trên, Trung Quốc còn viện trợ cho nhiều nước khác. Từ năm 2000 – 2014, Trung Quốc được cho là đã viện trợ cho 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số tiền viện trợ của Trung Quốc trong khoảng thời gian này là 354,3 tỷ USD, gần bằng với Mỹ là 394,6 tỷ USD.
Và bí mật với Triều Tiên
Từ năm 2000-2014, 20 dự án với tổng trị giá 272,65 triệu USD được Trung Quốc viện trợ cho Triều Tiên. Năm 2000, Trung Quốc cung cấp các thiết bị vệ tinh truyền thông, máy tính và thiết bị khí tượng học cho Triều Tiên...
Những dự án này, dẫu vậy, chỉ là một phần nhỏ trong tổng viện trợ mà Trung Quốc dành cho người láng giềng. “Theo nghiên cứu, Trung Quốc đã cung cấp số lượng lương thực, thực phẩm cho Triều Tiên với quy mô lớn hơn so với các dự án viện trợđược biết đến”, chuyên gia Brad Parks nhận định.
Trung Quốc thường không công khai số liệu viện trợ nước ngoài của mình và coi đó là một lĩnh vực chính trị nhạy cảm, thậm chí là bí mật quốc gia. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của Triều Tiên.
Evans J.R. Revere, một học giả cấp cao tại viện nghiên cứu Brookings phân tích: “Trung Quốc đang trở nên nhạy cảm trong mối quan hệ với Triều Tiên”, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng ngày càng lộ rõ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Bradley Parks, Giám đốc AidData, số tiền viện trợ Trung Quốc rót ra nước ngoài gần xấp xỉ Mỹ. Tuy nhiên, hình thức viện trợ hoàn toàn khác nhau. Trong khi 79% viện trợ của Trung Quốc thực chất là các khoản vay thương mại, theo đó Bắc Kinh kỳ vọng phải được trả bằng lãi suất theo thị trường. Nhưng với Mỹ, chỉ có 7% viện trợ Mỹ theo dạng này và 93% còn lại là hỗ trợ phát triển chính thức với lãi suất thấp cùng thời hạn thanh toán kéo dài. Thông qua hình thức viện trợ, Trung Quốc muốn thâm nhập thị trường, mở rộng sức ảnh hưởng và quảng bá văn hóa nước này, theo Tiến sĩ Parks.
Xem thêm >> Nga tự tin lấp đầy chỗ trống khi Mỹ rời "ghế nóng"