Tờ Washington Examiner dẫn nguồn tin Lầu Năm Góc cho hay một trong những điều có thể rút ra từ cuộc tấn công tên lửa của Mỹ và đồng minh vào cuối tuần qua tại Syria là các hệ thống phòng không do Nga sản xuất và được điều hành bởi quân nhân Syria là hoàn toàn vô dụng.
Và do đó, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang lên kế hoạch mua hệ thống này từ Nga, nên cân nhắc.
"Hệ thống phòng không của Nga sản xuất hoàn toàn không hiệu quả", Dana White, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, cho biết hôm 19/4. "Nga và chính quyền Syria đã cho thấy tính không hiệu quả của hệ thống phòng không của họ một lần nữa vào hai ngày sau đó", người này nói thêm.
Nga đã triển khai một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến nhất của quốc gia này tới Syria mang tên S-400.
Song giới chức quân sự Mỹ cho rằng dù radar của hệ thống này hoạt động nhưng nó không đánh chặn được bất kỳ tên lửa nào trong số 105 quả mà Mỹ và đồng minh phóng đi từ chiến hạm và chiến đấu cơ.
Nhiều trong số các địa điểm được quân đội Syria triển khai hệ thống phòng không cũ do Nga sản xuất cũng không bắn hạ được tên lửa nào của Mỹ và Anh, Pháp, cho tới khi cuộc tấn công kết thúc, Lầu Năm Góc khẳng định.
“Trong khi đó, phần năng lực phòng không còn lại của Syria, hoàn toàn do Nga sản xuất, thiết kế và hỗ trợ, dù đã hoạt động tích cực song vẫn hoàn toàn thất bại”, Trung tướng Mỹ Kenneth McKenzie, người đứng đầu bộ Tổng tham mưu Mỹ cho biết.
“Nga không làm gì cả, dù họ biết rõ nhất các hệ thống được triển khai tại Syria”, ông nói thêm.
Lầu Năm Góc đưa ra nhận xét trên trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh NATO của Mỹ, đang tính mua hệ thống S-400 của Nga. Washington đã nhiều lần phản đối hành động này của Ankara với lý do hệ thống này không tương thích với các lá chắn tên lửa và vũ khí khác của các thành viên NATO.
“Chúng tôi đã nói với Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng không thể tương tác. Nhưng cuối cùng phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải quyết định rằng lợi ích chiến lược tối đa của họ là gì”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White nói.
Trong một cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ hôm 18/4, một quan chức bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo quan hệ nồng ấm giữa Ankara và Moscow có khả năng sẽ dẫn đến những biện pháp trừng phạt mới cũng như tác động tiêu cực tới quá trình chuyển giao chiến đấu cơ F-35 của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ.
“Việc Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận thành công với Nga về việc tiến hành chiến dịch quân sự Nhành Oliu ở quận Afrin (Syria) mà không thông báo với Mỹ là điều đáng quan ngại”, Wess Mitchell, người phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu của Mỹ cho biết.
“Ankara tuyên bố đã đồng ý mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, điều này có thể dẫn tới các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ theo điều 231 của đạo luật CAATSA và tác động ngược tới quá trình Thổ Nhĩ Kỳ mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ”, Mitchell nói thêm.
CAATSA là Đạo luật về chống lại những đối thủ của nước Mỹ thông qua trừng phạt.
Và có lẽ, các lý do trên chính là nguyên nhân khiến Mỹ "chê" lá chắn tên lửa "khét tiếng" S400 của Nga.
Xem thêm: Nga bí mật gửi vũ khí cho Syria để trả đũa vụ tấn công tên lửa?