Sống chết với nghề "xướng ca vô loài"
Nghệ sĩ Phi Hùng tên thật là Trần Thanh Hùng, sinh năm 1932, quê gốc Phụng Hiệp (Hậu Giang). Hiện ông đang sinh sống tại căn nhà nhỏ ở khu vực IV (phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ). Ông sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, cả gia đình chỉ biết đến con trâu cái cày. Nhưng chính lời ru của những người phụ nữ nơi thôn quê và câu hát ca cổ ngọt lịm đã in sâu vào tâm trí của chàng trai trẻ. Lên 18 tuổi, nghệ sĩ Phi Hùng quyết chí lập nghiệp với nghề mình đã chọn là trở thành một kép hát cải lương nổi tiếng.
Nghệ sĩ Phi Hùng lúc còn trẻ.
Ngày ấy, nghệ sĩ Phi Hùng lang bạt khắp các tỉnh miền Tây để tìm cơ hội đi hát. Lận đận một thời gian không tìm được chốn dung thân nên ông quyết chí lên Sài Gòn lập nghiệp. Nghệ sĩ Phi Hùng nhớ lại, ngày đó, ở Sài Gòn, những nghệ sĩ trong giới nhìn ông bằng nửa con mắt. Họ không coi trọng chàng trai có cái vẻ hai lúa với bộ quần áo bà ba đen đúa cùng chiếc khăn rằn quấn cổ cũ kỹ. Nhưng vượt qua những tủi hờn bản thân, ông quyết chí thực hiện ước mơ được hát cải lương. Có lẽ, ông trời đã thương khi cho ông giọng ca truyền cảm mùi mẫn và cái năng khiếu biết đánh nhiều nhạc cụ trong dàn nhạc tài tử.
Một thời gian ngắn sau, nghệ sĩ Phi Hùng đã được nhận vào đoàn cải lương Tiếng Chuông Vàng. Đây là một trong những đoàn hát có tiếng tăm bậc nhất lúc bấy giờ. Sau nhiều năm miệt mài đi biểu diễn khắp nơi, tên tuổi của nghệ sĩ Phi Hùng đã bắt đầu được khẳng định. Những vở diễn của ông luôn kéo hàng ngàn khán giả đến với sân khấu cải lương như: Bao Công xử án Trần Thế Mỹ, Võ Đông Sơn - Bạch Thu Hà, Đường Gươm Nguyên Bá... Từ đoàn cải lương Tiếng Chuông Vàng, nghệ sĩ Phi Hùng còn theo nhiều đoàn hát nổi tiếng khác để đi biểu diễn từ Bắc chí Nam như đoàn cải lương Hậu Giang, Sông Hậu, Tây Đô... Và, nơi ông ở lại lâu nhất là đoàn Kim Chưởng (12 năm).
Lúc gia nhập đoàn cải lương Kim Chưởng cũng là thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp cải lương của ông. Mỗi khi được lên sân khấu, nghệ sĩ Phi Hùng như được thăng hoa cùng với các nghệ sĩ khác như Diệp Lang, Phương Quang, Phượng Liên, Thành Được, Út Bạch Lan... Thời đó, cuộc sống của anh em nghệ sĩ còn rất khó khăn nhưng ai nấy đều vui vẻ, hết lòng với nghề.
Ngày ấy, cuộc sống của một người nghệ sĩ cải lương lang bạt nay đây mai đó, Đoàn hát chính là gia đình của người nghệ sĩ và đồng nghiệp là anh em. Chuyện lập gia đình của ông Phi Hùng gần như bị quên lãng mặc dù nổi tiếng điển trai tài tử và được rất cô gái thầm yêu trộm nhớ. Tuy nhiên, có lẽ, việc quá tâm huyết với nghề đã khiến ông không còn thời gian và tâm trí nghĩ đến chuyện lập gia đình. Mãi đến khi bước tới độ tuổi tứ tuần, khi đã chuyển đến đoàn cải lương Hậu Giang để phục vụ người dân quê nhà, ông mới gặp được người vợ của mình là bà Trịnh Thị Ngọc Anh. Lúc bấy giờ, bà Ngọc Anh là nhân viên bán vé kiêm hậu cần trong đoàn hát Hậu Giang. Ông tâm sự: "May mắn nhất trong cuộc đời của tôi là được gặp vợ. Chúng tôi đã gắn bó với nhau gần 40 năm qua và chưa một lần to tiếng. Lúc tôi bị tai biến, mặc dù cũng mang nhiều bệnh tật trong người nhưng bà đã miệt mài chăm sóc thuốc thang. Nhờ vợ mà tôi lại có thể sống được đến bây giờ".
Vợ chồng nghệ sĩ Phi Hùng.
Vinh quang chỉ còn là quá khứ
Năm 1979, nghệ sĩ Phi Hùng chuyển về công tác về Đài Phát thanh Truyền hình Cần Thơ. Ông phụ trách chuyên mục cải lương, cổ nhạc phục vụ cho bà con nghe đài quê nhà. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua, gia đình hạnh phúc với ba đứa con trưởng thành ngoan ngoãn. Mọi chuyện bắt đầu khó khăn hơn khi vào năm 2004, khi ông bị tai biến mạch máu não. Đây thực sự là một cú sốc khiến nghệ sĩ Phi Hùng không thể tiếp tục với con đường nghệ thuật của mình.
Sau cơn bạo bệnh, nghệ sĩ Phi Hùng bị liệt một tay và một chân. Miệng ông bỗng nhiên méo đi và nói không được rõ ràng nữa. Di chứng nghiệt ngã này coi như một dấu chấm hết đối với một nghệ sĩ đa tài. Suốt 2 năm kiên trì chữa trị, ngày nào ông cũng phải châm cứu, uống thuốc và tập luyện. Một thời gian sau, may mắn là bệnh tình của ông cũng thuyên giảm phần nào. Hiện tại, ông đã có thể nói lại bình thường nhưng một cánh tay và chân trái thì vẫn bị liệt. Số tiền dành dụm được mấy năm qua đều dồn hết để chữa bệnh.
Vì vậy gia đình ông chìm trong khó khăn. Hai người con lớn của ông, một trai một gái đã lập gia đình và sinh sống ở tận Châu Đốc (An Giang). Hoàn cảnh của họ cũng không khá giả nên chẳng thể đỡ đần cho bố mẹ. Đứa con gái út vốn sống cùng ông bà bao nhiêu năm qua lại vừa qua đời vì bị căn bệnh ung thư. Mất đi một nơi để nương tựa, ông Hùng cùng vợ phải tự bươn chải để kiếm sống qua ngày.
Ba năm trước, ông Hùng cùng vợ vay mượn bạn bè thân quen được một ít tiền để lấy vé số đi bán. Đôi chân không còn vững chãi, cầm xấp vé số đi bán đối với ông là một việc làm hết sức khó khăn. Ông chỉ bán ở khu vực quanh nhà vì không thể đi xa được. Bán được một thời gian, ông được một người bạn thương tình tặng lại cho đôi nạng 4 chân. Đôi nạng này được thiết kế bánh xe ở dưới giúp ông di chuyển thuận tiện hơn phần nào. Nhờ vào đôi nạng đó, ông có thể đi bán xa và bán được nhiều hơn. Vợ ông mặc dù bị bệnh viêm khớp hành hạ nhưng cũng gắng sức cùng chồng bôn ba ngoài đường kiếm sống. Hai vợ chồng mỗi ngày bán được hơn trăm tờ vé số cũng đủ để đắp đổi qua ngày. Nhưng cách đây nửa năm, đôi chân của bà Ngọc Anh đã không còn gắng gượng được nữa. Bà không thể đi nhiều được vì những cơn đau nhức hành hạ. Thương vợ, ông Hùng khuyên bà ở nhà và một mình đi bán vé số.
Vợ chồng nghệ sĩ Phi Hùng lúc trẻ.
Hàng ngày cứ 4h sáng, người nghệ sĩ ngày nào lại thức dậy với xấp vé số trên tay và rong ruổi khắp phố phường. Ông Hùng tâm sự: "Mình đau yếu, đi đứng không lại với người ta nên phải đi sớm thì mới có cơ may bán được vé. Một phần cũng nhờ anh em thương tình mua giúp nên một ngày cũng bán được 70, 80 tấm vé". Mỗi ngày, ông đi bán suốt buổi sáng đến tầm trưa mới về nhà nghỉ ngơi. Đến chiều, có vé số mới, ông Hùng lại tiếp tục đi bán đến 9h tối mới về.
Cuộc sống của nghệ sĩ Phi Hùng và vợ hiện nay đang rất khó khăn. Vì sức khỏe mỗi ngày một yếu nên nhiều lúc ông phải nghỉ ở nhà tĩnh dưỡng. Bữa cơm của hai vợ chồng già có khi chỉ ăn kèm với mắm muối. Cuộc sống tuy vất vả khó khăn nhưng tình cảm sắt son của hai vợ chồng già khiến nhiều người dân vô cùng thương cảm và ngưỡng mộ.
Ước mơ một lần cuối được đứng trên sân khấu Hơn 50 năm cống hiến hết mình cho nghệ thuật cải lương, nghệ sĩ Phi Hùng đã diễn không biết bao nhiêu vở tuồng, đã vào vai bao nhiêu số phận. Tuy nhiên, ông không thể ngờ có một ngày mình lại lâm vào hoàn cảnh bi đát đến vậy. Và, cái thành quả sau gần nửa thế kỉ hoạt động nghệ thuật nhưng đến lúc cuối đời lại vất vả mưu sinh kiếm sống, nhiều lúc nhìn lại cuộc đời, ông Hùng không khỏi chạnh lòng. Những lúc xem ti vi, nhìn thấy các nghệ sĩ trẻ tuổi ca hát ông lại thấy lòng nao nao như được sống lại thời vàng son. Nghệ sĩ Phi Hùng buồn rầu cho biết: "Nếu tay trái tôi không bị liệt dù không thể hát được như xưa nhưng tôi vẫn có thể đàn trong dàn nhạc tài tử. Nếu như vậy, tôi có thể chìm đắm trong loại hình nghệ thuật mà mình theo đuổi đến cuối đời". |
Đọc thêm các tin tức về nghệ sĩ:
Mạc Can: Một ngày tôi nghĩ đến tự tử một lần
Nghệ sĩ Trần Hạnh và cuộc đời phía sau màn ảnh nhỏ
Nghệ sĩ có khuôn mặt nhàu nhĩ nhất điện ảnh Việt
Việt Nhi