"Không ai có thể bắt Iran làm điều này"
Theo Sputnik, không lâu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra đề xuất rút hết lực lượng nước ngoài khỏi Syria, trừ quân đội Nga, bộ Ngoại giao Iran đã đưa ra phản ứng mạnh.
"Không ai có thể bắt Iran làm điều này. Miễn là còn khủng bố và miễn là Chính phủ Syria còn mong muốn, Iran sẽ hiện diện ở Syria. Những người vào đất nước này mà không được sự cho phép của chính quyền Damascus phải rời đi", hãng thông tấn Tasnim dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Iran Bahram Kasemi cho hay.
Trước đó, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm 17/5 tại Sochi, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng do sự thành công của quân đội Syria trong cuộc chiến chống khủng bố, và do tiến trình chính trị ở Syria bắt đầu, các lực lượng nước ngoài phải rút khỏi quốc gia này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích, một số quân đội nước ngoài hiện có mặt ở Syria có thể rời khỏi đất nước khi tiến trình chính trị bắt đầu, vì họ không có cơ sở pháp lý nào để ở lại.
Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về Syria, Alexander Lavrentiev cũng cho biết toàn bộ quân đội nước ngoài phải rời khỏi Syria trong đó có quân đội Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Hezbollah của Lebanon. Duy chỉ có quân đội Nga vẫn ở lại vì họ được triển khai theo đề nghị và được sự đồng ý của chính quyền Damascus.
Tại Syria, hiện tại đang có một số lực lượng lớn bao gồm liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu. Liên minh này thực hiện các cuộc không kích ở Syria kể từ năm 2014 mà không có sự chấp thuận của Damascus hay Liên Hợp Quốc.
Mỹ cũng liên minh với một số nhóm chiến binh người Kurd, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Hiện có ít nhất 2.000 binh lính Mỹ được triển khai ở Syria.
Theo SDF, lực lượng liên minh do Mỹ đứng đầu đóng quân tại thành phố Manbij ở phía Đông Bắc Syria kể từ khi thành phố được giải phóng khỏi IS 2 năm trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng trăn trở nhiều về việc rút quân đội nước này khỏi Syria nhưng sau sự phản đối mạnh mẽ của các quan chức Mỹ, đặc biệt của Đại sứ liên minh do Mỹ dẫn đầu Brett McGurk cũng như của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đứng đầu Nhà Trắng đã quyết giữ nguyên lực lượng ở quốc gia Trung Đông này.
Syria hiện cũng có sự hiện diện của lực lượng quân sự đến từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Hezbollah của Lebanon và một số quốc gia khác.
Trong số các lực lượng nước ngoài tại Syria, Nga tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ nhất cho chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Assad, người đang bị Mỹ và phương Tây chỉ trích, đe dọa lật đổ với nhiều cáo buộc khác nhau. Các lực lượng quân đội Nga bắt đầu tham gia cuộc chiến tại Syria từ năm 2015 theo đề nghị của Tổng thống Assad.
Và canh bạc của Iran tại Syria
Từ những ngày đầu cuộc nội chiến Syria, Iran đóng vai trò đồng minh thân cận và cung cấp nhiều hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Iran đã đầu tư lớn vào canh bạc Syria, Tehran không chỉ bảo vệ Chính phủ Syria mà còn quyết tâm tối đa hóa lợi ích từ sự tồn tại của ông Assad, chuyên gia Dror Michman từ trung tâm Chính sách Trung Đông của viện nghiên cứu Brookings cho hay.
Trong những năm gần đây, Iran ghi dấu đáng kể sự hiện diện và những thành công của mình trên đất Syria. Iran hiện đang nuôi tham vọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự, gồm các căn cứ quân sự lâu dài, sân bay, quân cảng, nhà máy sản xuất vũ khí, được điều hành bởi tổ chức quân sự Hezbollah cũng như các nhóm vũ trang Hồi giáo Shia do Vệ binh Cách mạng Iran giật dây. Những cơ sở này đảm bảo hiện diện và ảnh hưởng quân sự của Tehran lâu dài, với khả năng sản xuất lượng lớn vũ khí phục vụ các chiến dịch quân sự và đe dọa trực tiếp tới biên giới phía Bắc của Israel.
“Các chuyến vận chuyển tiếp tế của Iran cho Hezbollah thường trở thành mục tiêu tấn công của Israel. Tehran kết luận rằng họ nên lập hẳn tổ hợp quân sự ở Syria, nơi họ có thể sản xuất các bộ phận cấu thành của tên lửa dẫn đường và cung cấp thẳng cho Hezbollah ở Syria hoặc Lebanon”, ông Michman nhận định. Những tên lửa dẫn đường Iran dự định sản xuất có thể tấn công mục tiêu chính xác trong phạm vi 50m.
Iran cũng tìm kiếm mở rộng sự ảnh hưởng lớn trong khu vực này để kiềm chế không chỉ Israel mà còn với các đối thủ khác của Iran. Đồng thời Iran cũng muốn kiểm soát hành lang chạy dài từ Tehran tới Iraq và xuyên qua Bắc Syria, với điểm kết thúc là thành phố Latakia bên bờ Địa Trung Hải.
Xuất hiện rất sớm trong cuộc nội chiến Syria và một mực ủng hộ chế độ Assad, Iran luôn đề cao vai trò địa chính trị của mình trong cuộc chơi này. Đối với Tehran, việc để tuột mất Syria vào lực lượng đối lập được hậu thuẫn bởi các nước Ả Rập luôn là cơn ác mộng lớn nhất. Và kịch bản đó đã không xảy ra.
Xem thêm >> Gặp Tổng thống Assad, Tổng thống Nga Putin thực sự yêu cầu Iran rời khỏi Syria?