Dấu hiệu bất thường về giống lúa lạ ở Long An

Dấu hiệu bất thường về giống lúa lạ ở Long An

Thứ 2, 25/02/2013 16:04

Hai tháng nay, người dân ấp 1 (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, Long An) quen với hình ảnh một người đàn ông Trung Quốc được biết đến là chuyên gia nông nghiệp. Người này vài ngày lại xuất hiện, xắn quần lội xuống đám lúa lạ thuê trồng trên thửa ruộng của ông Nguyễn Văn Bền. Nhưng vài ngày gần đây, khi lúa đã trổ bông, sự việc mới được cơ quan chính quyền các cấp quan tâm đến.

Chúng tôi tìm về ấp 1 hỏi thăm người dân, không ai là không biết đến đám lúa mà họ tự gọi với nhiều cái tên khác nhau như: Lúa so le, lúa Trung Quốc, hay lúa cha, lúa mẹ. Nhưng hỏi kỹ lại, thì không ai biết tên khoa học của giống lúa này là gì. Ngay cả ông Nguyễn Văn Bền, người cho thuê đất, đồng thời là người được ông Nhu (không rõ lai lịch) và người đàn ông Trung Quốc ủy quyền tìm thuê nhân công trực tiếp chăm sóc ruộng lúa, cũng không biết giống lúa này tên gọi là gì, chỉ biết nó có xuất xứ từ Trung Quốc. Và những thông tin họ biết, chỉ từ những gì mà đám người thuê đất trồng lúa giới thiệu về nó.

Chi tiền khủng khảo nghiệm giống lúa lạ

Theo ông Nguyễn Văn Bền (72 tuổi, ngụ tại ấp 1, xã Hòa Phú), người chủ đất của ruộng lúa lạ kể lại, thì trước đây, ông có quen với cô Vân, công tác tại trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành trong thời gian gia đình ông cấy lúa nếp. Sau vụ lúa, cô Vân có hỏi ông rằng, nếu giờ có người muốn mướn đất thì ông có cho mướn không? Ông Bền đồng ý cho mướn, lúc đó ông chỉ nghĩ họ mướn đất để trồng dưa như những ruộng cho mướn của  người dân địa phương.

Một tuần sau, có vài người từ TP.HCM xuống gia đình ông, làm hợp đồng thuê đất và không có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Họ chồng tiền thuê đất cho ông Bền 1 lần là 30 triệu/ha/vụ. Đám người này cũng ký hợp đồng thuê thêm đám ruộng của bà Nguyễn Thị Thật, kế ruộng ông Bền diện tích 0,4ha để trồng lúa. Theo hợp đồng ký tay này, ông Trần Minh Nhu làm đại diện cho ông Liu Wen Jiang thuê đất của người dân địa phương kể từ ngày 16/12/2012 đến hết ngày 16/4/2013 và tiến hành xuống lúa giống ngay sau khi ký hợp đồng.

Trong quá trình trồng lúa, cứ khoảng một tuần ông Nhu lại ghé qua ruộng lúa một lần và thuê ông Bền mua thuốc trừ sâu, thuê nhân công trong suốt quá trình trồng lúa. Thỉnh thoảng người đàn ông Trung Quốc cũng bắt xe ôm vào nhà ông Bền, lội xuống ruộng xem xét quá trình phát triển của đám lúa. Ông ta dùng ngôn ngữ bằng tay là chủ yếu, chỉ cho ông Bền từ kỹ thuật cấy lúa, cắt bỏ những bông lúa từ hàng lúa cha lạc sang hàng lúa mẹ và ngược lại, đến kỹ thuật thụ phấn cho lúa như thế nào, sau khi thụ phấn thì cắt bỏ hàng lúa cha, chỉ để lại hàng lúa mẹ...Vài ngày trước, người đàn ông Trung Quốc này cũng ở đây, chỉ khi ruộng lúa bỗng nổi tiếng, được báo chí quan tâm, nhiều cơ quan ban ngành tìm tới thì người đàn ông này lánh mặt, không còn xuất hiện nữa.

Xã hội - Dấu hiệu bất thường về giống lúa lạ ở Long An

Cánh đồng lúa Nhị ưu 838 được trồng xen kẽ lúa đực và lúa cái.

Để có được đám lúa chừng hơn 1ha này, ngoài số tiền thuê đất với giá cao gấp đôi so với mặt bằng cho thuê chung ở địa phương, những người lạ này còn phải chi một số tiền khá lớn để thuê nhân công chăm sóc cho ruộng lúa. Từ công cấy, công làm cỏ, phun thuốc đến công thụ phấn cho lúa, công cắt bỏ hàng lúa cha, công thu hoạch. Khi chúng tôi đến, cũng có chừng 10 nhân công đang làm việc trên ruộng lúa, giá thuê nhân công mỗi ngày từ 120  -150 ngàn đồng/người.

Ông B., một người dân địa phương sống gần đó cho biết: "Từ đầu vụ đến giờ, những người lạ đó phải chi ra đến hàng trăm triệu đồng cho ruộng lúa này. Bởi 2 tháng nay, hầu như ngày nào cũng thấy họ phun xịt thuốc trên đồng. Mới đây lúa trổ bông họ mới ngưng phun thuốc thì lại phải thuê nhân công thụ phấn, rồi nhổ cây lúa cha từ ruộng của ông Bền sang ruộng của bà Thật, vì lúa cha ở ruộng bên kia chưa kịp trổ bông để thụ phấn cho lúa mẹ. Từ giờ đến khi thu hoạch, không biết họ còn làm những gì với đám lúa lạ lùng này nữa?".

Ông chủ thực sự của ruộng lúa không phép?

Theo ông Lê Minh Đức, giám đốc sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Long An, chiều 20/2/2013, Sở đã có buổi làm việc với ông Trương Quốc Ánh, Phó phòng Công nghệ sinh học, viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam; ông Trần Minh Nhu, công tác tại công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam, và ông Liu Wen Jiang, tiến sĩ nông nghiệp trường đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) xung quanh vụ trồng lúa lạ tại Long An.

Theo giải trình, thì việc thử nghiệm giống lúa này là hợp đồng cá nhân giữa ông Ánh với công ty Dịch vụ Nông nghiệp Trọng Tín (Hà Nội) do ông Chu Văn Triển là giám đốc. Ông Trần Minh Nhu là người đại diện cho ông Ánh để ký hợp đồng thuê đất với ông Nguyễn Văn Bền và bà Nguyễn Thị Thật cũng như chịu trách nhiệm về kỹ thuật, thuê nhân công chăm sóc trà lúa này. Còn ông Liu Wen Jiang là một chuyên gia nông nghiệp, sang Việt Nam thực hiện dự án Nghiên cứu hợp tác phát triển sản xuất lúa lai cho miền Bắc (đã thực hiện nhiều ở miền Bắc, nhưng miền Nam thì đây là lần đầu tiên). Do miền Bắc lạnh, không sản xuất vụ đông xuân được nên mới hợp tác với phòng Công nghệ sinh học thử nghiệm giống lúa lai này lần đầu ở miền Nam. Và do ông Liu mới đưa vào thử nghiệm nên chưa đăng ký với trung tâm Khảo nghiệm phía Nam. Họ dự định sau khi cuộc thử nghiệm này thành công thì mới đăng ký.

Tuy nhiên, theo một số người dân sống xung quanh khu vực có đám lúa lạ và cả ông Nguyễn Văn Bền thì ông Liu Wen Jiang mới là ông chủ thực sự của ruộng lúa, là người trực tiếp khảo sát, hướng dẫn kỹ thuật, và chi trả mọi giao dịch tiền bạc, từ thuê đất cho đến thuê nhân công chăm sóc.

Vậy nhưng việc thuê đất và sự có mặt của ông Liu, một người nước ngoài nhưng không hề được ông Ánh và ông Nhu đăng ký, thông báo với chính quyền địa phương. Ban đầu, những người dân quanh ấp còn được giới thiệu ông Liu là một chuyên gia người Nhật chứ không phải người Trung Quốc. Dù không đăng ký, nhưng UBND xã Hòa Phú, đơn vị quản lý trực tiếp của ấp 1, không biết có biết về sự có mặt của ông Liu và sự xuất hiện của đám lúa lạ tại địa phương mình đã 2 tháng nay hay không? Nhiều người tỏ vẻ hồ nghi, chỉ đến khi dư luận xôn xao, ban ngành các cấp mới biết đến đám lúa lạ đang được trồng khảo nghiệm tràn lan giữa cánh đồng xã Hòa Phú này, và khẩn trương vào cuộc tìm hiểu sự việc. 

Lãnh đạo địa phương lảng tránh

Chiều 21/2, khi PV tìm đến UBND xã Hòa Phú để tìm hiểu thêm thông tin thì cả chủ tịch UBND, phó chủ tịch phụ trách khối Kinh tế xã và cán bộ nông nghiệp xã đều có việc bận, vắng mặt tại cơ quan. Nhân viên văn phòng từ chối cung cấp số điện thoại vì chưa được sự đồng ý của chủ tịch UBND xã. Từ thông tin ở xã cho biết, chủ tịch UBND đang bận họp tại trạm thông tin ấp 4. Khi PV tìm đến trạm thông tin ấp 4 xin gặp thì trạm thông tin khóa cửa ngoài, không một bóng người hay dấu hiệu của một cuộc họp đang hoặc sắp diễn ra.

Hương Lam - Triệu Quyên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.