Mới đây, tại phiên làm việc của tập thể lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã giao các đơn vị liên quan tổ chức thí điểm xe buýt thường được phép lưu thông tại làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa. Điều này khiến nhiều người lo ngại tuyến buýt BRT được đầu tư 55 triệu USD có nguy cơ “vỡ trận”.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, lượng hành khách trung bình mỗi xe buýt nhanh BRT chỉ 34 khách, cao nhất chưa đạt 48 khách trong khi sử dụng làn xe riêng là chưa hợp lý. Người đứng đầu thành phố chỉ đạo: "Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) cần nghiên cứu, làm việc với tổng công ty Vận tải để trước mắt thí điểm 6 tháng cho các loại xe buýt khác đi vào làn BRT, sau đó nghiên cứu mở rộng thêm một số phương tiện khác".
Một số người dân thường xuyên đi trên tuyến buýt nhanh BRT cho rằng, tuyến buýt BRT đi vào hoạt động đã được một thời gian nhưng lượng khách sử dụng loại hình dịch vụ vận tải này khá ít. Xe rất thông thoáng và thừa nhiều chỗ ngồi, nhà chờ nằm giữa đường cũng có rất ít người đứng chờ.
Nguyên nhân có thể là do lượng phương tiện đi lại trên tuyến đường này rất nhiều, nhưng nhà chờ xe buýt nhanh lại nằm chềnh ềnh ở giữa hai làn đường, việc kết nối lúc lên xuống bất tiện khiến nhiều người lo ngại cho sự an toàn của bản thân khi phải đi qua rất nhiều dòng phương tiện trên đường để vào nhà chờ. Hơn nữa, tuyến đường lại nhỏ, nếu dừng lại ở giữa đường thì không hợp lý.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã nhận được chỉ đạo của lãnh đạo sở GTVT về việc nghiên cứu thí điểm cho buýt thường đi chung làn với xe buýt nhanh BRT".
"Hiện nay, chúng tôi đang rà soát, đánh giá lại cụ thể để tìm ra phương án thích hợp khi thí điểm cho buýt thường đi chung làn với buýt nhanh. Đây mới chỉ là thí điểm cơ bản trong vòng 6 tháng để đánh giá, với điều kiện như hiện nay, việc cho buýt thường đi chung làn với buýt nhanh sẽ không ảnh hưởng đến tốc độ của buýt nhanh BRT”, ông Hải chia sẻ.
Trước những lo ngại về việc tuyến buýt nhanh BRT được đầu tư 55 triệu USD nhưng không thu được kết quả tốt, ông Hải cho rằng: “Tần suất hoạt động của buýt nhanh chưa được dày, do đó sẽ không lo bị ảnh hưởng khi cho buýt thường đi chung làn. Chúng tôi đang nghiên cứu để tăng tần suất, số chuyến.
Trên tuyến buýt nhanh BRT hiện có gần chục tuyến buýt khác đang hoạt động chồng tuyến (chỉ chồng lấn một số đoạn). Trung tâm sẽ nghiên cứu, đề xuất sở GTVT Hà Nội điều chỉnh hợp lý nhất nếu cho buýt thường đi chung làn BRT. Hiện tại, vẫn chưa thể khẳng định được tuyến BRT có bị “vỡ trận” hay không, vì nó vẫn đang hoạt động bình thường”.
Thế Anh