Đau xót chuyện người nghèo vay nặng lãi... để sống

Đau xót chuyện người nghèo vay nặng lãi... để sống

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Bà Y Tin, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum day dứt: Đồng bào ở đây vay tiền ở thời điểm nào, không ai biết nhưng cuối năm, khi thu hoạch mùa màng xong là phải trả gấp đôi số tiền đã vay.

Không chỉ vậy, có trường hợp người dân phải đi vay với lãi suất rất cao. Trong vòng vài tháng, số tiền nợ đã gấp đôi.

"Luân hồi" vay trả

Sa Loong là xã nghèo, có nhiều đồng bào người Xê Đăng- Mường- Kdong sinh sống. Cuộc sống chủ yếu dựa vào cây lúa, cây mì. Chẳng hiểu sao, vài năm trở lại đây, xã nghèo này lại nhức nhối tình trạng nhiều người dân quanh năm đi vay nặng lãi, lãi suất cao ngất ngưỡng để trang trải cho cuộc sống thường ngày.

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, bà Y Tin bức xúc: Nhiều người dân đi vay nặng lãi đã được xã phát hiện ra từ năm 2005, nhiều nhất là ở làng Đak Vang. Họ vay với lãi suất rất cao. Người dân làng Đak Vang quanh năm chỉ biết bám rẫy và trồng lúa, mì, đầu tắt mặt tối... họ vay tiền để làm gì? Có thể, nhu cầu tiêu dùng của mỗi gia đình ngày càng nhiều, để đáp ứng nhu cầu đó, các gia đình đã phải đi vay tiền với lãi suất rất cao.

Để có tiền trả nợ, họ chờ đến cuối năm thu hoạch nông sản bán. Sau khi trả hết nợ, họ lại rơi vào cảnh trắng tay, không có tiền mua gạo, không có tiền đầu tư cho vụ mùa năm sau. Những lần vay mới lại bắt đầu, thế là họ sống trong cảnh: Vay- trả, trả- vay, nghèo vẫn hoàn nghèo!

Bất động sản - Đau xót chuyện người nghèo vay nặng lãi... để sống

Chị Y Huôn và con gái.

Bà Y Tin cho biết: Trước tình hình trên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đã đi đến từng nhà để tuyên truyền vận động bà con hãy có kế hoạch chi tiêu cụ thể, không nên vay lãi cao; một số hộ được quan tâm và ưu đãi cho vay vốn làm ăn theo diện chính sách hộ nghèo. Thế nhưng, hình như cuộc sống quá nhiều khó khăn nên số tiền được vay theo diện chính sách vẫn không đáp ứng được nhu cầu của hộ dân.

Theo bà Y Tin, cách vay tiền của người dân là phụ thuộc vào chủ nợ. Nếu chủ nợ nào "nhân từ" thì sẽ tính theo cách: Đầu năm vay tiền, cuối năm trả gấp đôi. Chủ nợ không "nhân từ" thì vay giữa năm nhưng cuối năm cũng phải trả gấp đôi. Với cách cho vay “cắt cổ” trên, có gia đình thu hoạch không đủ trả ½ số nợ, chủ nợ đến xiết nhà và đất.

Càng quen, càng lấy lãi cao

Theo bà Y Tin, chủ nợ không ai xa lạ mà chính là những người dân trong làng, xã, trong dòng họ. Họ là những hộ có điều kiện kinh tế ổn định, có của ăn của để. Có nhiều trường hợp năm nay trả nợ không hết, đã bị tính lãi suất kéo sang năm sau. Một số hộ ở làng Đak Vang, đi "vay nóng" vài chục triệu, nhưng cuối năm không trả được đã kéo dài năm này sang năm khác khiến cuộc sống của họ luôn lâm vào cảnh khốn đốn. Đó là hộ A Phiên, Y Hăng, Y Huôn...

Thực tế, anh A Phiên là công nhân hợp đồng của công ty Cao su. Thế nhưng, lương chẳng thấm vào đâu. Vợ chồng A Phiên đau ốm quanh năm lại nuôi hai con ăn học nên mãi vẫn không thoát nghèo mà món nợ vay hàng năm thì vẫn phải trả, cuộc sống khốn khó vô cùng. Gia đình chị Y Hăng cũng vậy, không có đất để làm nương rẫy và trồng mì, chồng đi làm công nhân cao su hợp đồng, không đủ ăn nên gia đình phải đi thuê và mượn đất của người làng để trồng mì, cuối năm thu hoạch thì lại phải gom tiền để trả cho chủ nợ.

Thê thảm nhất là chị Y Huôn (29 tuổi). Chồng Y Huôn hiện làm công nhân cho một công ty cao su trên địa bàn, còn Y Huôn thì cả ngày quần quật bên 1ha rẫy. Vất vả là vậy, nhưng cuộc sống của vợ chồng Huôn và 2 đứa con nhỏ vẫn cứ nghèo. Cách đây chừng 3 năm, vợ chồng Y Huôn đã vay số tiền 50 triệu đồng. Cuối năm chỉ trả được lãi, gốc vẫn giữ nguyên. Thế là, bao năm nay, nhà Huôn nghèo vẫn hoàn nghèo.

Y Huôn tâm sự: "Mẹ mình mất sớm, mình còn phải lo nuôi em nhiều năm nay, bắt chồng về mình cũng còn khổ quá, có gần 1 ha đất mình lo làm cái rẫy nhưng vì trước kia cuộc sống khó khăn quá, mình phải vay nợ của người làng một số tiền, giờ trả mãi vẫn không hết, làm mãi cũng không đủ ăn, cuối mùa rẫy bán hết cũng không đủ trả nợ. Hiện tại gia đình mình đang mắc số nợ 50 triệu đồng, cuối năm lấy gì mà trả".

Nhật Khánh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.