Mưa xuân lây phây như tấm lưới trắng xóa bao trùm lên vùng đất Đông Bắc Phú Thọ, nhìn cảnh người dân háo hức chở cành đào phai phớt hồng về nhà, chúng tôi cảm nhận không khí Tết đã đến từng gia đình nơi đây. Tất cả đều diễn ra với không khí vội vã, tấp nập như muốn cuốn trôi mọi "hỉ - nộ - ái - ố" trong suốt một năm qua.
Trong cái gió se lạnh của đất trời, PV báo Người Đưa Tin có dịp trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Hữu Trạm – Phó Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm – PC52, Công an tỉnh Phú Thọ về những câu chuyện đã qua trước khi khép lại một năm đầy biến động.
Bên chén trà nóng còn thơm nồng, anh bồi hồi nhớ lại những xúc cảm đặc biệt trong hành trình truy bắt các đối tượng truy nã. Mỗi một hành trình, một vụ án lại để trong lòng người trinh sát những trải nghiệm khác nhau.
Trong cuốn hồi ức đó, Thượng tá Nguyễn Hữu Trạm liền nhớ ngay đến vụ án của đối tượng Đinh Thị Bình (SN1959, ở xóm Kim Thịnh, xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) với tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, do cần tiền để phát triển kinh tế gia đình nên từ tháng 1/2010, ngoài vay tiền của ngân hàng, Bình còn vay của nhiều người và trả lãi hàng tháng. Vốn có được nhan sắc trời cho, đôi mắt biết nói, Bình nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhiều người.
Chính vì thế, cùng với những lời hứa hẹn có cánh, Bình đã nhanh chóng thu được hàng tỷ đồng của những người dân tại hai xã Cự Đồng và Tất Thắng.
Đến tháng 8/2013, bị mất cân đối, không có khả năng trả nợ gốc và không tiếp tục theo đuổi trả lãi nữa nên Bình đã bỏ trốn xuống TP. Hà Nội nhằm chiếm đoạt số tiền đã vay. Sau khi biết Bình bỏ trốn, 12 người dân xã Cự Đồng và xã Tất Thắng đã có đơn tố cáo hành vi của Bình đến cơ quan công an.
Ngày 14/10/2013, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Đinh Thị Bình để điều tra về tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Do Bình đã bỏ trốn khỏi địa phương, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định truy nã đối với Đinh Thị Bình.
Sau những ngày tháng di chuyển liên tục tại các tỉnh miền Bắc đề trốn nã, Bình bị bắt khi về nhà trong một chiều mưa nặng hạt. Hình ảnh người đàn bà khắc khổ, đôi mắt nháo nhác liên tục nhìn xung quanh đề phòng có ai theo dõi, bất giác chạm vào một khoảng lặng trong tâm của anh em trinh sát.
Trước mặt vị Thượng tá, không còn là đối tượng đã lừa đảo người dân nghèo, khiến bao gia đình phải lao đao mà là hình ảnh người mẹ, người vợ ân cần chăm sóc những đứa con lâu ngày thiếu vắng tình thương.
Lần đầu tiên, một trinh sát công tác hơn nửa đời người trong nghề lại dâng lên những xúc cảm khó tả khi làm nhiệm vụ. Anh như muốn người vợ, người mẹ đã dính chàm đó được thêm một chút thời gian làm tròn thiên chức của mình như bao người phụ nữ khác. Ranh giới giữa tội ác và cái thiện thật mong manh.
Thượng tá Nguyễn Hữu Trạm chia sẻ: “Người Việt luôn có quan niệm Tết là để sum họp gia đình, là những người con, người xa quê nhớ về đất mẹ. Các đối tượng bị truy nã cũng vậy, họ thường trốn về nhà những ngày 30, mùng 1 và mùng 2 Tết. Đó là thời khắc mà anh em thuộc phòng PC52 chúng tôi tích cực làm nhiệm vụ hơn.
Các đối tượng đa phần là những kẻ manh động và nhiều thủ đoạn tinh vi để tránh tai mắt của các trinh sát nhưng khi bước chân về nhà, họ trở nên “hiền” hơn bao giờ hết. Những đại ca giang hồ từng là nỗi sợ khét tiếng của nhiều người nay cũng vứt bỏ “móng vuốt oai hùm” khi trở về đất mẹ, hay những trùm cướp hung hãn một thời cũng không quên được tiếng gọi quê hương sau những ngày tháng trốn tội…”.
Thượng tá Trạm tâm sự: “Bên ngoài xã hội, các đối tượng rất manh động, hung hãn,… nhưng khi về bên gia đình, thay vào đó là những con người dần nhỏ bé, lương thiện.
Đó có thể là hình ảnh của người cha, người mẹ về ôm hôn con, cùng con cái ăn một bữa cơm ngày Tết, có khi là những đứa con dại dột trốn về thăm bố mẹ đã vào cái tuổi gần đất xa trời rồi quỳ xuống mong đấng sinh thành tha thứ. Cũng có khi là những đối tượng trốn nã hàng chục năm về nhà thắp cho cha mẹ một nén hương trong ngày Tết cho tròn chữ Hiếu…”.
(Còn tiếp...)
Đỗ Chang