Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ, theo chương trình chính thức của Liên hoan phim Quốc tế Ấn Độ năm nay có phim 82 quốc gia tham dự. Các phim được lựa chọn gồm 10 phim lần đầu công chiếu thế giới, 10 phim lần đầu công chiếu Châu Á, 64 phim lần đầu công chiếu ở Ấn Độ.
Phim Cha Cõng Con của đạo diễn Lương Đình Dũng được chính thức lựa chọn vào Hạng mục Điện ảnh thế giới (Cinema World) của Liên hoan phim Quốc tế Ấn Độ lần thứ 48 năm 2017 (International Film Festival of India (IFFI).
Chiều 22/11, Cha cõng con có buổi chiếu đầu tiên tại rạp phim INOX, lớn nhất thành phố GOA với sức chứa khoảng 400 người. Từ 16h30, hàng trăm khán giả đã xếp hàng vào rạp.
Trước giờ phim chiếu, nhiều khán giả đứng hai bên bậc lên xuống vì không còn vé. Phim chiếu lúc 17h30, sau nghi lễ quốc ca trang trọng của Ấn Độ cùng phát biểu và trao tặng Biểu tượng Liên hoan phim của ban tổ chức.
Trong suốt 90 phút diễn ra phim, cả rạp im lặng theo dõi, chỉ nghe một vài tiếng khóc nhỏ khi phận đời bé Cá quá nghiệt ngã. Khi phim vừa kết thúc, ánh đèn chưa kịp sáng, cả loạt người đứng lên vỗ tay, ào về phía đạo diễn để chúc mừng.
"Một bộ phim tuyệt đẹp", "phim tốt", "đây là phim hay nhất trong hai ngày nay được trình chiếu"... là những lời khen mà Lương Đình Dũng nhận được.
Khi được phóng viên quốc tế hỏi về lý do làm bộ phim, đạo diễn Cha cõng con thành thật cho biết, anh sinh ra trong một gia đình miền núi nghèo, khi nhìn thấy máy bay, anh từng mong sẽ được cùng mẹ ngồi trên "con chim sắt". Một trong những lý do anh làm bộ phim trong đó có ước vọng của mẹ chưa thành hiện thực.
Trên tất cả, Lương Đình Dũng muốn truyền tải hình ảnh, cảnh sắc, tâm hồn Việt Nam tới bạn bè thế giới thông qua tác phẩm của mình.
Nhà báo người Anh đã vô cùng sửng sốt khi nghe Lương Đình Dũng cho biết, tất cả diễn viên phim của anh là nghiệp dư và hầu hết các cảnh mưa lũ đều quay thật, không dùng kỹ xảo.
Chiều 24/11, Lương Đình Dũng tiếp tục có buổi gặp gỡ phỏng vấn với các hãng truyền thông đang có mặt tại GOA để đưa tin về Liên hoan phim. Anh cũng có nhiều cuộc trao đổi, gặp gỡ các đạo diễn, nhà sản xuất trên tư cách đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự sự kiện lớn của điện ảnh châu Á và thế giới.
Trước đó, ngày 21/11, Lương Đình Dũng và ê-kíp Cha cõng con đã có mặt tham dự buổi khai mạc Liên hoan phim quốc tế Ấn Độ lần thứ 48. Lễ hội được tổ chức bởi bộ Thông tin và Phát thanh truyền hình Ấn Độ, Ban giám đốc các Liên hoan phim và Chính quyền Bang Goa.
Liên hoan phim lần thứ 48 của IFFI được tổ chức tại trung tâm thành phố Panjim Goa từ ngày 20-29/11, với hàng nghìn tình nguyện viên phục vụ, hàng trăm địa điểm khắp thành phố tổ chức các sự kiện, hoạt động điện ảnh trong suốt thời gian diễn ra Liên hoan phim.
Siêu sao Bollywood Shah Rukh Khan đã mở đầu cho buổi lễ khai mạc tại sân vận động Dr Shyama Prasad Mukherjee ở Bambolim bằng các màn biểu diễn hoành tráng đặc trưng văn hoá Ấn độ, với sự tham gia của gần 10.000 ngàn khán giả, các nhà làm phim uy tín của Bolly Wood và quan khách, đại diện là các nhà làm phim của hơn 80 quốc gia. Liên hoan phim được mở đầu bằng màn múa trống truyền thống thể hiện sự đa dạng văn hoá của Ấn Độ Quốc.
Bộ trưởng bộ Thông tin và Phát thanh truyền hình Ấn Độ bà Smriti Irani và nhiều quan chức chính phủ, địa phương, diễn viên, đạo diễn nổi tiếng của ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ đã có mặt tại buổi lễ khai mạc.
Liên hoan phim Quốc tế Ấn Độ là nơi hội tụ các Nhà làm phim đến từ khắp nơi trên thế giới, nơi các nhà làm phim quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác làm phim.
Theo chương trình chính thức phát hành của Liên hoan phim Quốc tế lần thứ 48, lễ hội sẽ trình chiếu phim từ hơn 82 quốc gia, tạo nên một lễ hội điện ảnh tầm cỡ thế giới hoá quyện các nền văn hoá như mục tiêu hướng tới của Liên hoan phim Quốc tế Ấn Độ đề cao.
Liên hoan phim quốc tế của Ấn Độ ( IFFI ), được thành lập vào năm 1952, là liên hoan phim lớn nhất của Ấn Độ và một trong những Liên hoan phim lâu đời quan trọng nhất trong khu vực châu Á. Liên hoan phim Quốc tế Ấn Độ (Goa) được Liên đoàn quốc tế các Hiệp hội các nhà sản xuất phim FIAPF công nhận top 15 Liên hoan phim cạnh tranh lớn của thế giới.