Vào ngày 5/6, bốn quốc gia Ả Rập – Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập - tuyên bố một cuộc chiến ngoại giao với Qatar.
Các nước đã có một danh sách dài các yêu cầu gửi tới Doha bao gồm: Giảm quan hệ với Iran, trục xuất lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi đất nước và thực hiện các bước khác làm giảm ảnh hưởng của Qatar trong khu vực.
Qatar nói rõ rằng, họ coi những yêu cầu của nhóm các nước Ả Rập đang vây hãm mình là hành vi vi phạm chủ quyền. Thậm chí nếu Qatar chịu thỏa hiệp với một số yêu cầu, rất có thể họ vẫn quyết định không đóng cửa Al Jazeera. Mạng lưới truyền thông này là một trong những thành tựu to lớn của Qatar, là “bánh xe” giúp thúc đẩy sự tăng trưởng toàn cầu của quốc gia nhỏ bé trong hai thập kỷ qua.
Al Jazeera không phải kênh tin tức độc quyền phát sóng trong khu vực. Đối thủ cạnh tranh chính của nó đến từ Al Arabiya – hãng truyền thông phản ánh quan điểm của Saudi Arabia và có lẽ sẽ trở thành kênh tin tức thống trị Ả Rập, nếu Al Jazeera biến mất.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đã phần nào ảnh hưởng đến thị phần của Al Jazeera và tầm ảnh hưởng của nó. Al Jazeera là một mục tiêu hấp dẫn đối với kẻ thù của Qatar, vì kênh truyền hình này đã góp công rất lớn giúp nâng vị thế của Qatar trên sân khấu thế giới.
“Al Jazeera không hoàn hảo, nhưng đối với những ai hy vọng nhìn thấy một thế giới Ả Rập dân chủ hơn, mạng lưới này cho thấy thậm chí các kênh tin tức và tiếng nói không bị kiểm duyệt có thể phát ở mọi nơi công cộng. Giống như bất cứ nơi nào khác trên thế giới, xã hội Ả Rập được hưởng lợi từ việc có nhiều tiếng nói tranh cãi về các vấn đề trong ngày”, Philip Seib - Giáo sư báo chí và ngoại giao công từ trường đại học Nam California (Mỹ) viết trên The Conversation.
“Trung Đông có vô số vấn đề, nhưng họ sẽ không giải quyết được tất cả bằng việc lùi lại giới hạn tự do báo chí”, Giáo sư Seib kết luận.
Đọc thêm>>> Tiết lộ kế hoạch Trung Quốc dùng 2 tỷ USD tạo thế chiến lược ở Syria
Quốc Vinh